(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và Chỉ thị 12-CT/TU ngày 25-10-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố. Việc sắp xếp này, không chỉ giúp cho tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, sau sáp nhập, nhiều công trình dư thừa hiện đang bỏ không, gây lãng phí. Giải quyết công trình này thế nào là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Chuyện về những công trình dư thừa sau sáp nhập: Ngậm ngùi những công trình bỏ không

Thực hiện Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và Chỉ thị 12-CT/TU ngày 25-10-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa đã giảm 76 xã, 1.578 thôn, tổ dân phố. Việc sắp xếp này, không chỉ giúp cho tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả mà còn tiết kiệm chi ngân sách. Tuy nhiên, sau sáp nhập, nhiều công trình dư thừa hiện đang bỏ không, gây lãng phí. Giải quyết công trình này thế nào là vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Chuyện về những công trình dư thừa sau sáp nhập: Ngậm ngùi những công trình bỏ khôngSau sáp nhập với xã Văn Lộc, công sở xã Thuần Lộc (cũ) dư thừa, hiện đang làm nơi cách ly phòng, chống dịch COVID-19.

Vừa xây xong... bỏ không

Thọ Xuân là huyện có số đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn thực hiện sắp xếp nhiều nhất trong toàn tỉnh. Tại đây có đến 20 đơn vị thực hiện sắp xếp thành 9 đơn vị, giảm 11 đơn vị, tương đương có 11 công sở dư thừa. Điều đáng nói, phần nhiều công sở này vừa khánh thành, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, phải chấp nhận bỏ không.

Công sở UBND xã Thọ Thắng được đầu tư xây dựng năm 2018, đến giữa năm 2019 hoàn thành đúng dịp địa phương đón nhận bằng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Niềm vui có công sở mới khang trang chưa được bao lâu, xã Thọ Thắng thực hiện sáp nhập và nơi làm việc mới là công sở của xã Xuân Lập (cũ). Khu công sở 2 tầng vừa xây dựng với kinh phí gần 5 tỷ đồng phải chấp nhận bỏ không.

Trao đổi về những công trình dư thừa ở địa phương, ông Lê Đình Hải- Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, cho biết: “Công sở vừa làm xong đã bỏ không, chúng tôi tiếc và xót lắm. Song, trong hoàn cảnh này, địa phương không biết làm gì hơn, ngoài việc làm văn bản gửi lên huyện xin ý kiến về phương án sử dụng”.

Công sở 3 tầng xã Xuân Quỳ (Như Xuân) có giá trị xây dựng 6,5 tỷ đồng, khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 6-2019 cũng vào dịp địa phương đón nhận danh hiệu xã NTM. Ngồi làm việc ở công sở mới còn chưa ấm chỗ, bộ máy cán bộ và người dân xã Xuân Quỳ phải chuyển đến làm việc tại công sở xã Hóa Quỳ với lý do 2 địa phương sáp nhập với nhau. Do trụ sở làm việc là xã Hóa Quỳ (cũ) nên hệ thống công sở của Xuân Quỳ... đành chấp nhận bỏ không.

Không chỉ công sở xã Thọ Thắng, Xuân Quỳ mới, đẹp, khang trang bỏ không sau sáp nhập mà còn nhiều công sở khác, như công sở xã Thuần Lộc (Hậu Lộc), Xuân Khánh (Thọ Xuân), Hoằng Đức (Hoằng Hóa)... cũng nằm trong tình cảnh tương tự.

Trích ngân sách... thuê người trông coi

Công sở dư thừa, chưa tìm được hướng xử lý, các địa phương không còn cách nào khác đành chấp nhận, mỗi năm bỏ ra 15 - 20 triệu đồng thuê bảo vệ trông coi, quét dọn.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, cho biết: Sau khi 2 xã Xuân Lập và Thọ Thắng sáp nhập với nhau, địa phương dôi dư công sở xã Thọ Thắng. Trước đây, khi công sở và hội trường UBND xã Thọ Thắng chưa được huyện trưng dụng làm nơi cách ly phòng, chống dịch COVID-19, địa phương có thuê người trông coi, dọn dẹp với số tiền phải trả hàng năm hơn chục triệu đồng. Vì vậy, địa phương rất mong huyện, tỉnh sớm có hướng giải quyết kịp thời những công sở dôi dư.

Giảm 76 xã sau sáp nhập, đồng nghĩa Thanh Hóa dư thừa 76 công sở, 76 trạm y tế. Đã gần 2 năm trôi qua, chỉ có số ít công trình dư thừa được sử dụng tạm thời vào việc công, số còn lại đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, ông Lê Phúc Hải bày tỏ: Bỏ lại công sở Xuân Quỳ, cán bộ, Nhân dân xã Hóa Quỳ (mới) ngậm ngùi, luyến tiếc nhiều lắm vì công sở có giá trị xây dựng lên đến 6,5 tỷ đồng còn rất mới, đẹp, khang trang so với công sở xã Hóa Quỳ bây giờ. Song, do công sở này cách trung tâm xã 16km, giao thông không thuận lợi cho lắm, nhất là vào mùa mưa, bão. Vậy nên, khi lấy ý kiến cán bộ, người dân chọn công sở sau sáp nhập, đa số đều đồng tình chọn công sở Hóa Quỳ làm công sở mới. Tuy công sở Xuân Quỳ không còn sử dụng, nhưng để bảo vệ tài sản công, địa phương vẫn thuê người trông coi, quét dọn với kinh phí hàng năm hơn chục triệu đồng.

Chuyện về những công trình dư thừa sau sáp nhập: Ngậm ngùi những công trình bỏ khôngSau sáp nhập với xã Hoằng Sơn, công sở Hoằng Lương (cũ) được chọn là công sở Hoằng Sơn mới nhưng thiếu phòng làm việc và xuống cấp, đang được đề nghị hỗ trợ kinh phí xây mới.

Thuê người trông coi công sở dôi dư không chỉ xã Xuân Lập (Thọ Xuân), hay Xuân Quỳ (Như Xuân) mà những địa phương có công sở dôi dư sau sáp nhập, nếu không sử dụng đều phải thuê người trông coi như công sở xã Hoằng Đức, Hoằng Sơn (Hoằng Hóa), Thuần Lộc (Hậu Lộc)... Trong khi công sở cũ phải thuê người trông coi, nhiều công sở xã sau sáp nhập đã xuống cấp và không đủ phòng làm việc cho cán bộ, công chức. Vì vậy, đảm bảo có chỗ ngồi làm việc, các địa phương phải bố trí nhiều bộ phận ngồi ghép 1 phòng, đồng thời có văn bản đề xuất huyện xây dựng công sở mới, như: thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân), xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Sơn (Hoằng Hóa)...

Giải quyết công sở dôi dư, các địa phương đang mong chờ vào hướng dẫn cụ thể của cấp huyện, tỉnh.

Phấn đấu sớm bàn giao trạm y tế dôi dư sau sáp nhập: Ông Đoàn Nam Hưng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế Thanh Hóa): Hiện 76 trạm y tế dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã chưa thực hiện bàn giao cho tỉnh với lý do việc kiểm tra, rà soát hiện trạng chưa thực hiện xong. Tuy nhiên, qua nắm bắt từ trung tâm y tế các địa phương cho thấy: Trong số 76 trạm y tế dôi dư sau sáp nhập, ngoài một số trạm cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều trạm còn lại vẫn đang được các địa phương sử dụng vào mục đích, như: làm nơi khám chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân; làm nơi cách ly phòng, chống dịch COVID-19; nơi làm việc của công an chính quy... Sau khi có kết quả rà soát và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, Sở Y tế sẽ gửi Ban Chỉ đạo tỉnh. Cả 76 trạm y tế dôi dư này đều được xử lý theo tinh thần Nghị định 167 ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định số 67 ngày 15-7-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]