(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa đông không còn lạnh lẽo với nhiều trẻ em, người nghèo các huyện miền núi khi hàng nghìn chiếc áo ấm kịp thời đến với họ. Ý nghĩa của mùa đông không lạnh là do các bạn trẻ thiện nguyện, nhiệt huyết với chương trình “Cõng áo ấm lên non”.

Cõng áo ấm lên non

Mùa đông không còn lạnh lẽo với nhiều trẻ em, người nghèo các huyện miền núi khi hàng nghìn chiếc áo ấm kịp thời đến với họ. Ý nghĩa của mùa đông không lạnh là do các bạn trẻ thiện nguyện, nhiệt huyết với chương trình “Cõng áo ấm lên non”.

Cõng áo ấm lên nonChị Hoàng Thị Chon mang đông ấm đến với trẻ vùng cao.

Thiện nguyện từ tâm

Với cô giáo trẻ Lê Thị Hằng Nga, Trường Mầm non Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) thì thiện nguyện là tiếp thêm sức mạnh và thấy bản thân mình có giá trị hơn trong cuộc sống. Với quan điểm “không đợi đến lúc mình giàu mới cho, có bao nhiêu cho bấy nhiêu và biết dựa vào sức mạnh của cộng đồng”, Nga cùng với nhóm “Sống để yêu thương” đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho hàng trăm trẻ em, hộ gia đình vùng cao vượt qua khó khăn bằng những phần quà thiết thực, hữu ích.

Thiện nguyện với Nga là việc làm từ tâm, không có bất kỳ lý do đặc biệt nào. Từ một lần người bạn cùng lớp nhờ giúp đỡ trẻ em Quan Sơn, thấy rõ còn nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất là trẻ em ở vùng cao, từ đó Nga tham gia hoạt động thiện nguyện với năng lượng của tuổi trẻ và cái tâm của người gieo mầm thiện. Cũng từ đó, ban ngày Nga làm giáo viên, ban đêm làm tài xế chở đồ quyên góp được từ mọi người. Đặc biệt, vào mùa đông mong muốn mang “đông ấm” đến trẻ, hầu như tối nào Nga cũng chạy xe trên đường đến các nhà hảo tâm lấy quần áo cũ. Những cuộc “đi đêm” của Nga thường xuất phát ngay sau bữa cơm chiều và kết thúc vào tối muộn, nhiều hôm chiếc xe máy không chịu nổi sự cồng kềnh của các bao bì quần áo khổng lồ mà tụt dây, ngã xe. “Những khó khăn đó không là gì so với thiếu thốn mà trẻ em vùng cao phải chịu. Vì vậy mỗi lần gặp khó khăn em đều tiếp nhận với thái độ lạc quan, vui vẻ”, Nga tâm sự. Và chính thái độ lạc quan đó đã tiếp thêm sức mạnh cho Nga bền bỉ với hoạt động thiện nguyện.

Mỗi năm Nga và mọi người quyên góp, vận động và kết nối tổ chức từ 2 - 3 chuyến đi thiện nguyện lên vùng cao. Mỗi chuyến đi ngoài số quần áo cũ được thu gom, sẽ có thêm các phần quà hỗ trợ trị giá 500.000 - 800.000 đồng/suất. Trong đó, chương trình “Đông ấm vùng cao” được Nga làm thường xuyên hàng năm với hàng tấn quần áo cũ, hàng nghìn chiếc áo ấm mới, dép mới, đồng phục học sinh mới…

Được biết, sức khỏe của Nga hiện đang có vấn đề nhưng em không có ý định dừng lại. Hoạt động của em được cả gia đình ủng hộ và tiếp sức. “Em sẽ tiếp tục làm thiện nguyện dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào” lời khẳng định ấy kèm theo nụ cười tươi tắn của Nga.

Trách nhiệm sẻ chia

Đã nhiều lần theo đoàn “Cõng áo lên non” nhưng lần nào Hoàng Thị Chon ở thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân) cũng xúc động khi tự mình mặc cho các em nhỏ những chiếc áo mùa đông ấm áp. Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Thường Xuân, Chon hiểu nỗi thiếu thốn, vất vả của trẻ em nơi đây nhất là khi mùa đông về. Tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện “Trái tim nhân ái”, nhóm “Sống để yêu thương”… Chon nỗ lực kết nối nhiều nhất có thể giữa nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện với trẻ em và người người dân nghèo Thường Xuân nhằm mang đến cho họ những phần quà ý nghĩa. Theo đó, trong những năm qua Chon đã góp phần kết nối để 3 hộ nghèo ở xã Xuân Dương, Bát Mọt, Xuân Lộc được hỗ trợ xây nhà mới với mức 60 triệu đồng/căn; hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm cho 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt đến khi tốt nghiệp THPT… Đặc biệt, Chon vận động, quyên góp được hàng chục tấn quần áo mới và cũ mang lên cho người dân bản.

Cõng áo ấm lên nonChị Lê Thị Hằng Nga cùng các em nhỏ vùng cao trong một chuyến thiện nguyện.

Em Vi Thị Uyên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Trường Tiểu học Xuân Cẩm (Thường Xuân), được nhận học bổng của nhà hảo tâm cho biết: “Suất học bổng thực sự có giá trị với gia đình, giúp em vững bước tới trường cho những năm học tiếp theo. Em hứa sẽ học thật tốt để không phụ lòng các nhà tài trợ đã giúp đỡ em và gia đình”.

Với Chon của cho đáng quý nhưng cách cho còn đáng quý hơn. Chon luôn nỗ lực làm mới đồ cũ. Sau khi vận động, quyên góp, cô và mọi người trong nhóm thực hiện giặt giũ, tạo hương thơm cho đồ, rồi phân loại theo từng lứa tuổi, cuối cùng là gấp gọn gàng bỏ thùng mang tận nơi và tận tay lựa cho mọi người những bộ đồ phù hợp nhất. Việc kết nối hoạt động thiện nguyện không đơn giản như nhiều người nghĩ khi phải dành nhiều thời gian, công sức tham gia hoạt động, khảo sát đối tượng để những món quà được trao đúng người, đúng đối tượng, từ đó mới có thể duy trì bền vững các chương trình thiện nguyện tại địa phương mình. Chon tâm sự: “Nhìn những em bé co ro trong cái lạnh mùa đông, tôi không cầm lòng được và nghĩ mình phải làm gì đó để giúp các em. Với những hoàn cảnh cần giúp đỡ, tôi đến gặp gỡ, trò chuyện để xem họ cần gì nhất và muốn được giúp đỡ thế nào”.

Tấm lòng của Chon, Nga là hai trong rất nhiều tấm lòng thiện nguyện của các bạn trẻ hướng đến vùng cao. Với nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, các bạn trẻ đã và đang mang đến vùng cao mùa đông không lạnh.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]