(vhds.baothanhhoa.vn) - Tưởng không thể sống vì sinh non và quá nhẹ cân, song nhiều trẻ sơ sinh nặng chưa đến 1 kg vẫn có thể từ lồng kính trở về với vòng tay yêu thương của cha mẹ. Hành trình giành lại sự sống cho trẻ sinh non là “cuộc chiến” cam go của các y, bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh (Bệnh viên Phụ sản tỉnh Thanh Hóa).

“Cuộc chiến” cam go nơi phòng sinh

Tưởng không thể sống vì sinh non và quá nhẹ cân, song nhiều trẻ sơ sinh nặng chưa đến 1 kg vẫn có thể từ lồng kính trở về với vòng tay yêu thương của cha mẹ. Hành trình giành lại sự sống cho trẻ sinh non là “cuộc chiến” cam go của các y, bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh (Bệnh viên Phụ sản tỉnh Thanh Hóa).

“Cuộc chiến” cam go nơi phòng sinh

Chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh.

“Alo đây có phải gia đình của bé...? Hiện tình hình sức khỏe của bé đã ổn định, gia đình có thể lên đón cháu về chăm sóc tại nhà rồi”.

Nghe tiếng bật khóc hạnh phúc của gia đình sản phụ, anh Phạm Lương Tuấn cũng rơm rớm nước mắt vì vui mừng.

“Đây là thời khắc mà các y, bác sĩ Khoa Hồi sức sơ sinh chúng tôi hạnh phúc nhất. Mỗi lần được đưa một bé sinh non ra khỏi lồng kính trở về trong vòng tay chờ mong, yêu thương của gia đình, mọi người trong khoa đều vui và cảm thấy nhẹ nhõm. Vui vì thêm một sinh mạng bé nhỏ đã an toàn ở lại với cuộc sống và nhẹ nhõm khi cuộc chiến giữ lại sự sống cho những bé sinh non tiếp tục thêm một lần thành công”, anh Phạm Lương Tuấn, Trưởng khoa cho biết thêm.

17 năm gắn bó với khoa cũng là từng ấy năm anh Tuấn và đồng đội căng mình trong “cuộc chiến” giành lại sự sống cho trẻ sinh non thiếu tháng. Trong một ca sinh non, ekip được phân chia thành nhiều nhóm thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, trong đó, anh Tuấn là người trực tiếp cấp cứu trẻ. Bằng kinh nghiệm lâu năm, kỹ thuật điêu luyện, hàng nghìn trẻ sinh non nặng chưa đến 1 kg, tiên lượng xấu với các biểu hiện toàn người trắng bệch, không thể khóc, nhịp tim chậm, khó thở… được anh nhanh chóng kích thở, đặt nội khí quản, ép tim, trợ giúp hết sức để bé làm quen với không gian sống bên ngoài bụng mẹ. Sự trợ giúp đắc lực từ y, bác sĩ giúp em bé dễ thở hơn, nhịp tim ổn định, da dẻ hồng hào, từ đó cất lên tiếng khóc đầu đời. Tuy nhiên, nhiệm vụ của anh Tuấn vẫn chưa dừng lại ở đó, trẻ sinh non đôi khi mong manh như “đèn treo trước gió” có thể ngừng thở, ngừng tim bất kỳ lúc nào, anh phải tiếp tục giữ cho sự sống được duy trì và ổn định đến khi cơ thể của bé có thể tự thở, tự ăn cùng với các chỉ số sinh tồn ổn định.

Một trẻ sơ sinh bình thường có cân nặng khoảng 3 kg, trong khi nhiều trẻ sinh non có trọng lượng dưới 1 kg. Các bé được nuôi dưỡng bằng hơn 20 loại thuốc và các loại chất dinh dưỡng, chất chống đông... qua đường tĩnh mạch rốn và điều trị cho tới khi ổn định. Từ đó, có thể tự thở và ăn bằng đường miệng. Một em bé sinh non phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ từ suy hô hấp do chức năng phổi phát triển chưa đầy đủ, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, ngưng tim… Trong một tuần đầu tiên trẻ dễ gặp các biến chứng đe dọa tới tính mạng như xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng. Hành trình giúp một em bé sinh non tự thở, tự ăn không hề dễ dàng, đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của y, bác sĩ và em bé.

Kể lại một kỷ niệm trong đời bác sĩ của mình, anh Tuấn chia sẻ: “Đó là một trường hợp có hoàn cảnh gia đình đặc biệt ở huyện Thường Xuân, thai phụ sinh non ở tuần thai 28, bé chỉ nặng 8 lạng, tiên lượng rất xấu. Sau gần 1 tháng nỗ lực của y bác sĩ cũng như bản thân bé, bé đã tự thở, tự ăn, chúng tôi gọi điện cho gia đình lên mang về chăm sóc. Nhưng cuộc điện thoại kéo dài hơn bình thường bởi gia đình không tin là bé vẫn sống, họ hỏi đi hỏi lại bác sĩ nói có thật không. Họ chỉ tin sau khi chúng tôi quay, chụp hình ảnh bé khỏe mạnh gửi cho gia đình. Hình hài tuy nhỏ, yếu ớt nhưng bé vẫn mang trong mình sự sống mãnh liệt và những điều kỳ diệu vẫn luôn hiện hữu. Chính khát khao sống đó giúp chúng tôi có thêm động lực cùng các bé và gia đình trong cuộc chiến giành lại sự sống này”.

Và trong cuộc chiến “tự ăn, tự thở” này không thể thiếu vai trò của những điều dưỡng viên, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, họ ở bên trẻ 24/24h “canh” cho những sinh mệnh yếu ớt không gặp vấn đề gì bất trắc.

Mỗi ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh, bắt đầu từ 7h sáng. Chị nhận bàn giao của đồng nghiệp tại phòng vô trùng giữa tiếng máy móc và nhịp thở mong manh của những em bé sinh non. Có tận mắt chứng kiến việc chăm sóc trẻ sinh non của y tá mới hiểu được rằng công việc này không chỉ đòi hỏi ở các chị kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn cần cả sự khéo léo và một trái tim can đảm. Bởi, cơ thể non nớt mới chỉ 24 - 25 tuần tuổi thật khó để có thể lấy ven rồi cho các bé ăn bằng đường truyền dinh dưỡng, massage…

“Cuộc chiến” cam go nơi phòng sinh

Anh Tuấn, chị Hạnh vui mừng khi một em bé sinh non được trao về với gia đình.

Ca làm việc của chị Hạnh kéo dài liên tục 24 giờ, một mình chị chăm sóc 3-4 trẻ sinh non với tất bật những việc thay tã, cho ăn, lấy ven truyền, lật trở người cho trẻ… Ở mỗi công đoạn, chị Hạnh đều thực hiện với sự tận tâm cùng những cử chỉ yêu thương như dành cho chính đứa con thân yêu của mình. Không những thế, chị luôn giữ đầu óc, tinh thần tỉnh táo nhằm quan sát kỹ từng biểu hiện bất thường của trẻ, kịp thời đưa ra phán đoán chính xác, xử lý tình huống kịp thời. Chị chia sẻ: “Nhìn những bàn tay, bàn chân nhỏ xíu ngọ nguậy như cất tiếng nói: “Hãy giúp con, hãy giúp con có được cơ hội sống, chạy nhảy và chơi đùa”, tôi biết mình không thể để bất kỳ sai sót nào xảy đến trong ca trực của mình. Một sai sót nhỏ cũng có thể mất đi cơ hội sống của trẻ hoặc để lại di chứng sau này”.

Công việc áp lực, cường độ cao nhưng khi được hỏi về những vất vả trong nghề, không những anh Tuấn, chị Hạnh mà tất cả y, bác sĩ của khoa đều cho biết “vất vả nhiều cũng thành quen, chỉ cần thấy các bé vượt qua cơn nguy hiểm, an ổn và khỏe mạnh về với vòng tay của gia đình, mọi thứ đều xứng đáng”.

Theo bác sĩ Tuấn, công tác chăm sóc và điều trị trẻ sinh non ở Thanh Hóa có thay đổi từ năm 2010, khi bệnh viện được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cùng với chuyên môn đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao. Tỷ lệ chuyển viện và tử vong ở trẻ sinh non giảm đáng kể. Tính riêng trong năm 2021, bệnh viện có 1.135 trẻ sinh non nhưng chỉ có 157 trẻ phải chuyển tuyến. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đối với các sản phụ nói chung và những trẻ sinh non nói riêng.

Bài và ảnh: Vân Anh


Bài và ảnh: Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]