(vhds.baothanhhoa.vn) - Cây xanh mang lại bóng mát, làm đẹp các con đường, tuyến phố. Tuy nhiên, trong mùa mưa bão, cây xanh lại là nguy cơ mất an toàn cho công trình và tính mạng người dân nếu bị gãy, đổ...

Đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão

Cây xanh mang lại bóng mát, làm đẹp các con đường, tuyến phố. Tuy nhiên, trong mùa mưa bão, cây xanh lại là nguy cơ mất an toàn cho công trình và tính mạng người dân nếu bị gãy, đổ...

Đảm bảo an toàn trước mùa mưa bãoCông nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa chủ động cắt tỉa cây xanh trên các tuyến đường, trong đó có đường Bà Triệu, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa).

Theo thống kê, trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện có khoảng trên 37.500 cây xanh bóng mát được trồng trên vỉa hè các tuyến phố, công viên. Cây xanh được người dân, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan trồng ở nhiều thời điểm khác nhau nên khá đa dạng về chủng loại: phượng, bàng, xà cừ, sao đen... Một số tuyến phố lớn đã được quy hoạch trồng một loại cây, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng: muồng hoàng yến - osaka (đường Phan Chu Trinh); cây bằng lăng (Đại lộ Lê Lợi); cây sao đen (đường Hạc Thành)... Cây xanh mang lại bóng mát, làm đẹp cho các con đường, tuyến phố. Tuy nhiên, mùa mưa bão đến, cây xanh đứng trước nhiều nguy cơ gãy, đổ gây mất an toàn cuộc sống cho người dân cũng như cơ sở hạ tầng. Trong đó đặc biệt là hệ thống lưới điện.

Trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật vật tư Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa- đơn vị đảm nhiệm việc chăm sóc cây xanh trên địa bàn TP Thanh Hóa, được biết: Mỗi năm vào mùa mưa bão, trên địa bàn TP Thanh Hóa có hàng trăm cây xanh bị gãy, đổ. Để đảm bảo an toàn cây xanh đô thị trong mùa mưa bão, hàng năm công ty đều chủ động xây dựng kế hoạch cắt tỉa. Mỗi năm, có khoảng 1.000 cây xanh được cắt, tỉa. Đó là những cây có tán rộng, to, nghiêng, sâu, ảnh hưởng hệ thống chiếu sáng... Đơn vị chăm sóc cây xanh phối hợp với Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị TP Thanh Hóa, UBND các phường và đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình và tập trung cắt tỉa vào cuối quý II, đầu quý III (cao điểm là cuối tháng 6 và tháng 7) theo đúng kỹ thuật, cân đối tán để vừa đảm bảo bóng mát, vừa hạn chế tối đa nguy cơ gãy đổ. Cùng với đó, trong mùa mưa bão, công ty cũng bố trí nhân viên, phương tiện thường trực để ứng phó, khắc phục hậu quả nếu xảy ra hiện tượng gãy đổ cây xanh.

Theo anh Nguyễn Ngọc Sơn, nhân viên phụ trách việc cắt tỉa cây xanh của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, những cây bị gãy đổ thường là cây già, sâu, mục; và các loại cây nặng tán nhưng nông rễ (cây sộp gai, xà cừ...). Bên cạnh do mưa bão, cây gãy đổ còn một phần nguyên nhân đến từ việc thi công các công trình hạ tầng ngầm (điện, nước, cáp quang), khiến rễ cây bị đứt.

Là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gãy đổ cây xanh trong mùa mưa bão, ông Trịnh Thanh Hải, Phó Giám đốc Điện lực TP Thanh Hóa, cho biết: Trong mùa bão hàng năm, mưa gió, giông lốc khiến cây xanh va quệt, gãy đổ không đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện, là tác nhân gây hiện tượng phóng điện, làm gián đoạn cung cấp điện, mất an toàn cho con người và thiết bị. Chỉ trong năm 2020, trên lưới điện do Điện lực TP Thanh Hóa quản lý đã xảy ra 28 vụ sự cố lưới điện trung thế, gây gián đoạn cấp điện cho khách hàng trên diện rộng. Ngoài ra, cây xanh đổ đè lên đường dây hạ thế gây đổ cột, đứt dây, mất điện kéo dài, thiệt hại tài sản lưới điện hàng trăm triệu đồng mỗi năm.Trước mùa mưa bão, đối với các tuyến đường dây nổi, đơn vị phối hợp với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thực hiện chặt tỉa cây xanh đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh gãy đổ vào đường dây.

Còn về giải pháp căn cơ lâu dài, nhằm đảm bảo cây xanh bóng mát cho đô thị, đồng thời có thể phòng tránh thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống điện khi mùa mưa bão đến, Điện lực TP Thanh Hóa đã và đang xây dựng lưới điện ngầm - chôn dưới các rãnh cáp ngầm vỉa hè. Các đường dây và trạm biến áp xây dựng mới toàn bộ theo tiêu chuẩn đường dây cáp ngầm. Từng bước hạ ngầm các tuyến đường dây nổi đang hiện hữu. Hiện, đơn vị đang triển khai hạ ngầm các tuyến đường dây trung áp dọc Đại lộ Lê Lợi, tổng chiều dài hơn 2km; hạ ngầm các tuyến đường dây hạ áp dọc đường Bà Triệu, Trần Phú, Quang Trung, Lê Hoàn... có tổng chiều dài gần 50km; chi phí đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Định hướng trong các năm tiếp theo sẽ thực hiện hạ ngầm toàn bộ đường dây trong khu vực nội thành TP Thanh Hóa.

Đô thị không thể thiếu bóng mát cây xanh. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa đảm bảo yếu tố mỹ quan, lại giảm thiểu tối đa hậu quả do gãy đổ cây xanh trong mùa mưa bão gây ra, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật vật tư, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa: “Cùng với sự chủ động trách nhiệm của đơn vị chăm sóc, quản lý cây xanh, các công trình hạ tầng ngầm khi thi công cần được giám sát, thực hiện đúng quy định, không để ảnh hưởng nhiều đến cây xanh. Bên cạnh đó, quy hoạch các tuyến “đường cây” cũng rất cần thiết, dựa trên nhiều yếu tố (rễ ăn sâu, ít sâu bệnh...) để lựa chọn trồng. Xu thế trồng cây xanh đô thị hiện nay là các loại cây như sấu, sao đen"...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]