(vhds.baothanhhoa.vn) - Nước biển xuống lộ ra bãi triều cũng là lúc hàng trăm người dân ven biển đi săn “gạo biển”. Gặp ngày may mắn, người dân cũng thu được 300 - 500 nghìn đồng, thậm chí cả triệu.

"Gạo biển" mang ấm no về cho dân biển

Nước biển xuống lộ ra bãi triều cũng là lúc hàng trăm người dân ven biển đi săn “gạo biển”. Gặp ngày may mắn, người dân cũng thu được 300 - 500 nghìn đồng, thậm chí cả triệu.

“Gạo biển” mang ấm no về cho dân biển

Giắt có kích thước to hơn hạt đậu, màu trắng, ruột nhỏ li ti như những hạt gạo.

Khấm khá nhờ con giắt

Ngư dân ở các xã ven biển của huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia… sống chủ yếu bằng nghề đi biển đánh bắt cá. Số còn lại sống bằng những nghề phụ thuộc vào biển và buôn bán. Trong những nghề phụ ở quê biển có nghề nạo giắt mưu sinh.

Giắt nằm dưới lớp cát mỏng có kích thước to hơn hạt đậu, màu trắng, ruột nhỏ li ti như những hạt gạo. Giắt ăn có vị thanh mát nên được người dân dùng nấu canh trong những ngày hè oi bức. Ngoài ra, giắt còn được dùng làm thức ăn cho tôm, cá, gà, vịt. Nhu cầu này đã thu hút khá đông lao động ven biển đi bộ hoặc dùng thuyền nhỏ theo con nước lúc triều xuống xuôi ra biển hành nghề nạo giắt để bán. Thậm chí, nhiều ngư dân làm nghề này còn đi thăm các bãi triều trong và ngoài huyện, thấy chỗ nào có nhiều giắt sẽ lập thành từng nhóm vào khai thác. Trung bình, mỗi bao giắt nặng khoảng 50kg giá 350 nghìn đồng; nếu chở đi bán ngoài huyện, giá 400 - 500 nghìn đồng/bao. Thu nhập bình quân mỗi thuyền sau khi trừ chi phí còn từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày và 200 nghìn đồng cho mỗi chuyến đi lấy bộ.

“Gạo biển” mang ấm no về cho dân biển

Giắt hiện nay rất có giá, nhiều chủ trang trại mua về làm thức ăn cho vịt, gà.

Hiện nay, con giắt cào lên không đáp ứng đủ nhu cầu vì người chăn nuôi vịt khắp nơi đổ xô về các xã ven biển mua khá nhiều nên cuộc sống của người dân hành nghề nạo giắt khá giả dần, con cái ăn học đàng hoàng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Đoàn ở xã Nga Tân (Nga Sơn) cứ đầu giờ chiều lại đi đò sang huyện Hậu Lộc để mua giắt về cho vịt ăn. Ông cho biết: “Trang trại nhà tôi đang nuôi hơn 3000 con vịt đẻ trứng. Trước tôi hay cho vịt ăn cám thương phẩm nhưng chất lượng trứng không được đảm bảo, giá thành thấp. Từ đầu năm đến nay tôi chuyển sang cho vịt ăn giắt. Vịt đẻ trứng đều, vỏ dày, lòng đỏ, người mua rất thích”.

“Gạo biển” mang ấm no về cho dân biển

Khi nạo giắt cát sẽ chui vào trong vợt, chỉ cần đãi qua nước là cát sẽ lọt ra ngoài.

Sáng sớm một ngày giữa thu, khi trời còn chưa tỏ mặt người, thì những nhóm người từ khắp nơi kéo đến bờ biển xã Hải Lộc chờ thủy triều rút xuống, để bắt đầu công việc mưu sinh.

Nơi nạo dắt thường là những bãi cát gần, độ sâu 0,5-1m so với mặt nước. Thuỷ triều rút đến đâu người cào giắt sẽ tiến ra biển đến đó. Thường thì trên mỗi chiếc thuyền nhỏ có hai người đi để thay phiên nhau cào. Chỗ này hết giắt thì bơi thuyền đến nơi khác, mỗi người một khu vực, không ai tranh giành với ai.

Để lấy được giắt, người ta cầm chắc đầu vợt, người cúi lom khom sát mặt nước biển, cắm chỉa xuống cát, đi giật lùi thật chậm và cạo, kéo nhẹ nhàng dưới lớp cát mỏng theo một vệt thẳng. Giắt và cát sẽ chui hết vào trong vợt, chỉ cần đem vợt ra nước sâu đãi cho cát lọt ra ngoài, giắt còn lại sẽ được đưa lên đổ vào thau, đầy thau lại đổ vào bao xi măng đã chuẩn bị sẵn.

Ông Đoàn Văn Tởi ở thôn Y Vích, xã Hải Lộc, cho biết: “Nếu làm việc cần mẫn thì mỗi người sẽ đi không dưới 10 km/ngày. Cào trên cát khô đã khó, nhưng cào dưới nước còn khó và nặng hơn nhiều, người khỏe mạnh có thể tập trung cào liên tục trong 4-5 giờ đầu, thời gian sau công việc chỉ trôi theo quán tính".

Cũng theo ông, một ngày “gập lưng” trên bãi người cào khỏe thì được khoảng 50-70kg, còn không thì 15-20kg, mang vào bờ là đã có thương lái đến thu mua, tiền trao tận tay.

“Gạo biển” mang ấm no về cho dân biển

Những người làm nghề nạo giắt trở về nhà khi mặt trời đã đứng bóng, thủy triều lên.

Nỗi nhọc nhằn và những hiểm nguy rình rập

Cũng giống như những người thường xuyên mưu sinh nơi bãi bồi, da ông Tởi đen cháy, đôi tay và chân ông trắng bợt, nhăn nhúm.

Ông chia sẻ: “Ngâm nước và cúi khom người nhiều chúng tôi hay đau nhức, mỏi xương, gầy nhẳng như que củi, chẳng người nào béo được. Mệt mỏi kinh khủng, nhưng mà nghỉ thì cũng không được vì “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, mùa giắt có mấy tháng tranh thủ kiếm chút tiền để chi tiêu cho gia đình những tháng giáp hạt”.

“Gạo biển” mang ấm no về cho dân biển

Trong số những người dân đi cào dắt có cả những người đã luống tuổi. Bà Phạm Thị Bích (62 tuổi ở xã Minh Lộc, Hậu Lộc) làm “nghề” cào dắt từ lúc còn trẻ. Bây giờ bình quân một ngày bà cào bộ được 10 - 15kg dắt, bán được 100 - 150 nghìn đồng, đủ để ông bà rau cháo nuôi nhau. Ở cái tuổi ngoài 60, bà khó kiếm được việc nào thuận lợi hơn. Đi nạo giắt thời gian làm không gò bó, khi nào khỏe thì bà làm còn khi nào lưng đau thì nghỉ ở nhà chăm con lợn, con gà.

Ngoài sự vất vả, những người cào giắt cũng chẳng thể lường hết được những hiểm nguy rình rập và cái gì đang chờ đợi họ dưới lớp cát. Nhẹ thì chỉ bị vỏ ốc, vỏ hàu đâm vào chân chảy máu; nặng thì bị mảnh chai, mảnh sành do người dân vứt bừa bãi ra biển làm đứt chân tay.

Bà Bích đưa vết sẹo lồi to ở dưới gót chân là “vết tích” cách đây gần 10 năm khi dẫm phải mảnh chai dưới lòng biển. “Nhìn bà khỏe mạnh vậy nhưng trong người nhiều bệnh lắm. Ngày nào cũng phải uống thuốc viêm xoang, nhức mình đủ cả”, bà Bích nói.

“Gạo biển” mang ấm no về cho dân biển

Trên bờ, nhiều thương lái, chủ trang trại đang đợi để mua giắt

Đầu giờ chiều, mặt trời đứng bóng, nắng gay gắt, từng tia nắng chiếu lấp lánh trên mặt biển gợn sóng. Những người thợ nạo giắt nghiêng người, nheo mắt nhìn lên bầu trời trong xanh. Quần áo họ đã ướt sũng vì mồ hôi và nước biển. Tất cả thu dọn đồ nghề, kéo những bao giắt đầy vào bờ. Lúc này, trên triền đê, thương lái, chủ trang trại các nơi tập trung về đây để mua sản phẩm, không khí mua bán ồn ào, náo nhiệt. Mang, vác, chở nhiều bao giắt nặng trĩu còn ướt sũng nước biển pha cát nhưng không ai than phiền. Trong họ đang khấp khởi niềm vui thành quả lao động của một ngày. Những bao giắt chất đầy lên xe, chở theo đó là công sức lao động mưu sinh vất vả mà họ đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt…

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]