(vhds.baothanhhoa.vn) - Hàng trăm công trình (công sở, trạm y tế... và các nhà văn hóa thôn) dôi dư sau sáp nhập xã, thôn hiện đang bỏ không, gây lãng phí. Song, để giải quyết những công trình này lại đang có nhiều vướng mắc đối với các địa phương, đó là làm thế nào để tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo theo quy định của Nhà nước về xử lý tài sản công. PV Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Lý Đình Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - địa phương có nhiều đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá, Sở Tài chính về vấn đề này.

Gỡ nút thắt giải quyết những công trình dôi dư

Hàng trăm công trình (công sở, trạm y tế... và các nhà văn hóa thôn) dôi dư sau sáp nhập xã, thôn hiện đang bỏ không, gây lãng phí. Song, để giải quyết những công trình này lại đang có nhiều vướng mắc đối với các địa phương, đó là làm thế nào để tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo theo quy định của Nhà nước về xử lý tài sản công. PV Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Lý Đình Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - địa phương có nhiều đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá, Sở Tài chính về vấn đề này.

Gỡ nút thắt giải quyết những công trình dôi dư

Ảnh minh họa.

Ông Lý Đình Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân: Sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia đấu giá tài sản công

PV: Được ghi nhận là địa phương đứng đầu của tỉnh về số lượng đơn vị hành chính giảm sau sáp nhập. Xin ông cho biết sau khi sáp nhập xã, thị trấn và thôn, tổ dân phố, huyện Thọ Xuân có bao nhiêu công trình dôi dư?

Ông Lý Đình Sỹ: Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị ngày 24-12-2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và Chỉ thị 12 ngày 25-10-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, huyện Thọ Xuân là địa phương có số lượng đơn vị hành chính phải thực hiện sắp xếp nhiều nhất tỉnh với 20 xã, thị trấn thực hiện sắp xếp thành 9 xã, thị trấn, giảm 11 đơn vị; 401 thôn, khu phố thực hiện sắp xếp thành 274 thôn, khu phố, giảm 127 thôn, khu phố. Sau khi thực hiện sáp nhập, Thọ Xuân có tới 77 công trình (bao gồm: công sở, hội trường, trung tâm văn hóa, trạm y tế và hệ thống trường học ở 3 cấp học) và 127 nhà văn hóa (NVH) thôn dôi dư.

PV: Đến thời điểm này, huyện Thọ Xuân đã có hướng giải quyết đối với những công trình dôi dư sau sáp nhập như thế nào thưa ông?

Ông Lý Đình Sỹ: Tuy có nhiều công trình dôi dư sau sáp nhập nhưng cơ bản các công trình: trường học, trung tâm văn hóa xã và các NVH thôn vẫn đang được sử dụng đúng như mục đích công năng của nó. Hiện các trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS đang là nơi học tập của các cháu. Trung tâm văn hóa xã, NVH thôn được người dân sử dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng. Riêng 11 công sở dôi dư, đã có 3 công sở là nơi làm việc của công an chính quy, 3 công sở đang được huyện trưng dụng làm nơi cách ly phòng, chống dịch COVID-19 với số lượng gần 400 người. Những công sở còn lại hiện tại đang bỏ không.

Để tránh lãng phí, địa phương đã xây dựng phương án xử lý những công sở dôi dư dựa trên các văn bản của Trung ương, của tỉnh như: Nghị định số 151 ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định 167 ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo đó, những công sở dôi dư sẽ được huyện giải quyết theo 2 hướng: cho thuê; bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cơ sở nhà đất cho thuê là những cơ sở còn mới, tài sản trên đất có giá trị lớn. Người thuê nếu trúng đấu giá, buộc phải giữ tài sản nguyên trạng. Cơ sở nhà, đất thuộc diện bán đấu giá là những cơ sở có thời gian sử dụng lâu năm, tài sản trên đất đã xuống cấp, khấu hao tài sản không còn nhiều và những cơ sở này sẽ thực hiện đấu giá cả khu đất. Ở hình thức này, người trúng đấu giá có quyền dỡ bỏ tài sản trên đất nếu không thấy phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Thọ Xuân đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất trên địa bàn để làm cơ sở cho việc tổ chức sắp xếp tài sản dôi dư theo quy định.

PV: Vậy trong quá trình thực hiện, huyện có gặp khó khăn, vướng mắc gì không thưa ông?

Ông Lý Đình Sỹ: Vướng mắc lớn nhất hiện nay của huyện trong thực hiện vấn đề này là nhiều công sở vừa mới xây dựng, đưa vào sử dụng chưa lâu nên giá trị tài sản trên đất lớn, khó thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Quản lý Công sản - Giá, Sở Tài chính Thanh Hóa: Vận dụng linh hoạt nhưng phải đảm bảo quy định của Nhà nước trong xử lý tài sản công

PV: Thanh Hóa có 1.641 NVH thôn thuộc diện phải sắp xếp lại sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố. Vậy hướng xử lý các NVH dôi dư của tỉnh sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Dũng: Ngày 30-12-2019, tại Công văn số 17878, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các NVH thôn, phố trên địa bàn tỉnh dôi dư sau sáp nhập. Cụ thể, đối với NVH thôn, phố ở vị trí phù hợp cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư, song về chỗ ngồi và điều kiện trang thiết bị không đảm bảo, UBND các huyện, thị xã, thành phố có chính sách hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp, đảm bảo cho sinh hoạt thôn, phố sau sáp nhập. Đối với NVH có cơ sở vật chất, trang thiết bị còn đủ cho các sinh hoạt cộng đồng mà hiện tại thôn mới đã có NVH đáp ứng cho sinh hoạt thôn, phố thì giữ nguyên các NVH dôi dư phục vụ cho sinh hoạt của người cao tuổi, thanh thiếu niên, nhi đồng, hoặc tổ chức thành phòng đọc sách báo của thôn, tổ dân phố. Đối với NVH có vị trí không thuận lợi cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư; diện tích không đủ để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của thôn, phố; cơ sở vật chất xuống cấp: Cho phép các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, đảm bảo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý tài sản công và các quy định có liên quan để tạo nguồn xây dựng, nâng cấp NVH thôn, phố mới.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đến nay, các địa phương đã thực hiện kê khai, sắp xếp lại các NVH đưa vào sử dụng theo Kế hoạch số 69 ngày 25-3-2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, còn khoảng 300 NVH được UBND tỉnh phê duyệt Phương án sắp xếp “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” để giao cho UBND cấp huyện tiếp tục rà soát, đưa tài sản vào sử dụng để tránh lãng phí thất thoát tài sản công.

PV: Sau sáp nhập xã, thị trấn, nhiều địa phương đang lúng túng vì chưa biết xử lý công trình dôi dư như thế nào cho đúng. Vậy, với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý tài sản công, xin ông cho biết hướng giải quyết công trình dôi dư như thế nào để vừa tránh lãng phí vừa đúng tinh thần xử lý tài sản công?

Ông Nguyễn Ngọc Dũng: Thực hiện Kế hoạch số 69 ngày 25-3-2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa quản lý theo Nghị định số 167 ngày 31-12-2017 của Chính phủ, đến nay 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 76 xã thuộc sáp nhập, theo đó có khoảng 100 cơ sở nhà đất thuộc diện dôi dư sau sáp nhập, các địa phương chưa có phương án sử dụng cụ thể. Với vai trò là đơn vị quản lý tài sản công, Sở Tài chính (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tỉnh) đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp tổng thể đối với cơ sở nhà, đất dôi dư theo hình thức “chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý” để giao các huyện, thị xã, thành phố; trên cơ sở nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn huyện, UBND các huyện tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá đưa tài sản vào sử dụng. Trong trường hợp sau khi rà soát, tài sản công thực sự dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND các huyện, UBND huyện lập phương án xử lý trình UBND tỉnh xem xét đối với từng cơ sở nhà, đất riêng lẻ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước.

Minh Xuyên (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]