(vhds.baothanhhoa.vn) - “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, những năm qua thanh niên Thanh Hóa không ngừng phấn đấu, ra sức rèn luyện theo gương Bác với nhiều việc làm thiết thực, xây dựng mô hình hay, sáng tạo... Hình thành nên thế hệ thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Góp sức trẻ đẩy lùi hủ tục

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, những năm qua thanh niên Thanh Hóa không ngừng phấn đấu, ra sức rèn luyện theo gương Bác với nhiều việc làm thiết thực, xây dựng mô hình hay, sáng tạo... Hình thành nên thế hệ thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Góp sức trẻ đẩy lùi hủ tụcThao Thị Dua đang dịch các văn bản sang tiếng Mông phục vụ công tác tuyên truyền được hiệu quả.

Sinh thời, không chỉ dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với đồng bào các dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn coi trọng công tác dân vận, giúp cho cho đồng bào hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất để từng bước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Học theo lời Bác, xóa bỏ các hủ tục, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Mường Lát đã có nhiều cách làm hay, với những gương mặt trẻ nhiệt huyết, không ngại hy sinh, gian khổ.

Trong đó, cô gái trẻ Thao Thị Dua (1994), người dân tộc Mông, hiện làm cán bộ tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Mường Lát, với hành trình chống lại hủ tục như một câu chuyện cảm động và chân thực, truyền cảm hứng cho thanh, thiếu niên miền núi. Sinh ra và lớn lên tại bản nghèo Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn), trong một gia đình đông con và mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, Dua không được đi học mà ở nhà phụ giúp công việc cho bố mẹ, đến tuổi thì đi lấy chồng. Công việc hàng ngày của Dua là đưa người em trai út của gia đình đến trường học lớp 1. Lúc đó cô bé Dua chỉ dám đứng nép ở cửa lớp nhìn vào, lấy que làm bút, đất làm vở, tự học bên ngoài. Thấy Dua ham học, thầy giáo đến nhà vận động nhiều lần, cuối cùng cũng có được cái gật đầu của bố em. Dua đi học lớp 1 khi 7 tuổi.

Dua rất thích đi học. Đi học để Dua thực hiện ước mơ làm cán bộ. “Từ nhỏ, em rất thích các đoàn cán bộ đến bản vận động, tuyên truyền, thích nghe những điều họ nói và làm theo, bởi đó đều là những điều tốt, giúp ích cho bà con. Em cũng muốn sau này trở thành người có ích, giúp đỡ bà con bản nghèo thật nhiều”, Dua cho biết. Tuy nhiên, con đường đến trường của những người con gái miền núi nghèo như Dua chưa bao giờ dễ dàng, luôn có sức ép nghỉ học từ gia đình. Lên cấp THCS, bố mẹ không chu cấp, một mình Dua dựng lán, tự chăm lo cho việc học của mình dưới sự hỗ trợ ít ỏi từ anh trai. Khó khăn càng làm cho quyết tâm trở thành cán bộ của Dua lớn hơn. Cùng với đó em nỗ lực hết mình cho việc học, năm nào cũng là học sinh đứng đầu lớp. Cứ như vậy, con đường đến trường thực hiện ước mơ của Dua được chính nghị lực, lòng dũng cảm, bền bỉ của em khắc phục. Dua là một trong hai cô gái hiếm hoi của bản Ché Lầu tốt nghiệp đại học và là người duy nhất của bản có bằng đại học chính quy.

Năm 2017, Dua tốt nghiệp đại học, sau đó về làm cán bộ phụ nữ xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Dua chia sẻ: “Với đồng bào dân tộc Mông, nghe mấy thì nghe, hay mấy thì hay nhưng nếu không có bằng chứng cụ thể thì không bao giờ họ làm theo”. Hiểu điều đó, cô đã dùng chính trải nghiệm bản thân - nguồn “tài liệu” quý - để cùng với tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con. Cách thức làm dân vận của Dua không có gì mới mà chủ yếu xuất phát từ sự thấu hiểu, cảm thông và trân trọng vì cô vừa biết tiếng dân tộc, vừa hiểu tường tận các phong tục tập quán cùng lối suy nghĩ của bà con. Dua trở thành cán bộ dân vận có uy tín, có sức ảnh hưởng. Hầu hết trong các cuộc vận động, tuyên truyền của xã, huyện Dua đều có mặt. Và những cuộc tuyên truyền, vận động này bà con không chỉ nghe cán bộ nói mà họ đã mạnh dạn hỏi nhiều vấn đề của cuộc sống, nhờ cán bộ giúp đỡ giải đáp, vì thế hiệu quả của các cuộc tuyên truyền được nâng lên.

Góp sức trẻ đẩy lùi hủ tụcThao Thị Dua trong một lần tham gia chương trình “Bữa sáng yêu thương” tại Đồn Biên phòng Pù Nhi (Mường Lát).

Quá trình dân vận, có những lúc Dua gặp khó nhưng Dua luôn nghĩ đến lời Bác Hồ dạy “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Nếu thanh niên không đứng ra gánh vác thì việc khó này để ai làm, nghĩ thế, Dua lại nỗ lực hơn nữa, bền bỉ hơn nữa đến từng nhà, nói chuyện với từng người để giúp bà con nâng cao nhận thức. Dua tâm sự: “Ngày trước phụ nữ nơi đây cam chịu lắm, bị chồng bạo hành chỉ biết nhẫn nhịn hoặc tự tìm lối thoát. Nhưng nay, chị em đã biết kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác, tổ chức và chấp nhận sự giúp đỡ từ người khác. Trong vấn nạn tảo hôn, nhiều người mẹ, người vợ đã nhận thức được sự bất cập, nguy hại khi để con em kết hôn sớm. Để tránh tình trạng ấy, nhiều người, nhiều gia đình đã quyết bảo vệ con em bằng cách cho chúng được đến trường để học cái chữ và nhận thức được việc cần phải thay đổi tư duy". Tôi tin để đạt được điều đó, Dua và những người làm công tác dân vận đã phải trải qua nhiều cuộc “cách mạng”. Ngoài ra, Dua và hội viên phụ nữ xã Pù Nhi đã vận động, kêu gọi thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” với 8 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Ngay như bố Dua, ông Thao Văn Sinh, một già làng uy tín của bản Ché Lầu cũng từ bỏ nhiều tư tưởng lạc hậu khi chứng kiến nỗ lực của con gái. Ông tuyên truyền các hộ dân thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ, khuyến khích con em đi học. “Bố thường xuyên tuyên truyền trong các cuộc họp bản, cũng đến nói chuyện từng nhà về việc xóa bỏ những hủ tục, khuyến khích họ thực hiện nếp sống văn minh như cho con cái đi học, thực hiện mô hình sản xuất mới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ...”, Dua cho biết thêm.

Với sức trẻ, nghị lực và trí tuệ, những đoàn viên, thanh niên như Dua đã và đang góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Anh Lâu Văn Phía, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát, khẳng định: “Để xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, Huyện đoàn Mường Lát đã phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ toàn huyện nhằm tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và xã hội đồng lòng thực hiện, từ đó thay đổi nhận thức của bà con, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh”.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]