(vhds.baothanhhoa.vn) - Chị N. (29 tuổi, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) trông già hơn so với tuổi. Từ khi mang bầu song sinh được 2 tháng, bác sĩ thông báo về hội chứng trùng máu song thai. Hội chứng nguy hiểm này, có nhiều rủi ro xảy ra với các con, có thể chị chỉ giữ được một, hoặc có thể mất cả, và nếu có giữ được thì khả năng sinh non cao. Lúc nghe tin, chị chỉ biết cầu nguyện và kiên trì bắt đầu quãng thời gian nằm viện điều trị.

Hành trình tìm lại nụ cười cho cặp song sinh Bình – An

Chị N. (29 tuổi, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) trông già hơn so với tuổi. Từ khi mang bầu song sinh được 2 tháng, bác sĩ thông báo về hội chứng trùng máu song thai. Hội chứng nguy hiểm này, có nhiều rủi ro xảy ra với các con, có thể chị chỉ giữ được một, hoặc có thể mất cả, và nếu có giữ được thì khả năng sinh non cao. Lúc nghe tin, chị chỉ biết cầu nguyện và kiên trì bắt đầu quãng thời gian nằm viện điều trị.

Hành trình tìm lại nụ cười cho cặp song sinh Bình – An

Cặp song sinh Bình - An cùng các trẻ tự kỷ tại Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Thai nhi bước sang tháng thứ 7 nhưng không có tiến triển. Chị N. phải chuyển ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tại đây, các bác sĩ mổ lấy thai khi hai con được 7 tháng tuổi. “Khi đấy bé Gia Bình nặng 1,7 kg, bé Gia An được 1,1 kg” - Chị N. nhớ rõ. Hai con được tách mẹ và nằm lồng kính trong một thời gian dài. Sức khỏe của các con dần ổn định hơn, cân nặng phát triển đều, gia đình được đón con về.

“Ngày đón 2 con, vợ chồng tôi đã ôm nhau mà khóc, nghĩ rằng đây là may mắn của gia đình. Mong ước con luôn khỏe mạnh, bình an nên vợ chồng quyết định đặt tên cho hai con là Gia Bình và Gia An” - Chị N. chia sẻ.

Bằng tình yêu thương của gia đình, Gia Bình, Gia An cứ thế lớn lên. Nhưng những bất an dần dần xuất hiện. Các con “có lớn mà lại chẳng có khôn”, đến 21 tháng tuổi, hai con vẫn không chịu “mở miệng” nói bất cứ từ gì. Các con chỉ biết nghịch, phá đồ, thậm chí cắn tay nhau chảy cả máu. Cả nhà phải tách hai con ra. Nhưng, tách rồi các con lại tự cắn vào tay mình. Máu tứa ra, nhưng các con vẫn không dừng lại. Với bản năng của một người mẹ, chị N. thầm nghĩ, các con không ổn rồi, phải đưa đi viện.

Chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để kiểm tra. Kết quả các con bị tăng động, chậm phát triển về ngôn ngữ, tư duy. Gia Bình và Gia An bị tự kỷ. Nghe bác sĩ thông báo kết quả, chị N. ngã quỵ. Chị chỉ biết khóc còn các con không biết mẹ buồn, cứ trèo lên bụng cười khành khạch, cấu véo vào bụng mẹ.

Bao đêm trằn trọc không ngủ, cố giấu đi những giọt nước mắt, hai vợ chồng quyết tâm cho con nhập viện vào Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Những ngày đầu các con khóc, không chịu ngồi lên xe. Cả nhà phải dùng dây buộc 2 đứa vào người chị. Ba mẹ con đánh vật trên xe máy cà tàng bắt đầu hành trình cùng con đến viện chữa bệnh tự kỷ.

Hành trình chữa chứng tự kỷ, tăng động cho con gặp muôn vàn khó khăn. Nói như chị N. chị chỉ biết ngày bắt đầu mà không biết khi nào sẽ là ngày kết thúc. Điều khiến chị N. buồn nhất là bị mọi người kỳ thị, thậm chí là dè bỉu. Nhưng trời không phụ lòng người, may mắn lại hé mở với gia đình thêm một lần nữa, Gia Bình và Gia An dần khóc ít, chịu hợp tác với gia đình và các cô giáo trong Khoa Thần kinh - Tâm bệnh. Khi hai con gần 3 tuổi, gia đình quyết định đưa con đi học cùng các bạn ở trường mầm non, mục đích tạo môi trường cho hai con hòa đồng với các bạn, dù các con chậm về nhận thức hơn rất nhiều so với các bạn.

“Khi sinh nhật 3 tuổi, Gia An đột nhiên cất tiếng gọi “bố”. Lúc đấy, chồng tôi còn tưởng nghe nhầm, nhưng bà nội cháu lại nghe rõ. Một lúc sau, con tiếp tục gọi “bố”. Cả nhà vỡ òa trong hạnh phúc. Đêm hôm ấy, không ai ngủ, cứ mở video lúc sinh nhật, nghe lại tiếng gọi đầu tiên của con”, chị N. lau những giọt nước mắt rồi kể.

Còn Gia Bình thì chậm hơn, phải đến 3 tuổi rưỡi mới chịu nói. Tiếng nói đầu tiên của cháu là gọi “bà”. Bà nội cháu đã khóc, ôm chầm lấy cháu, bà khoe khắp khối phố, rằng cháu đã biết gọi “bà”...

“Suốt hơn 4 năm qua thật kinh khủng, tôi không muốn nhắc lại. Đã bao lần từ hy vọng đến thất vọng, rồi lại hy vọng... cái vòng cảm xúc ấy cứ lẫn lộn trong tôi”, chị N. khóc.

Sau thời gian kiên trì điều trị, nỗ lực, giờ đây các con đã biết nhận thức, biết nở nụ cười cùng bố mẹ. Nụ cười sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực, đồng hành cùng con trong một hành trình mới còn nhiều những khó khăn, mà sắp tới là hành trang đến lớp. Gia Bình, Gia An vào lớp 1.

Bác sĩ CK I Trần Thị Minh Anh - Phó trưởng Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: Việc can thiệp và điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là việc rất quan trọng, cần can thiệp sớm, kiên trì giáo dục tâm lý lẫn giáo dục hành vi. Bên cạnh đó gia đình đóng vai trò then chốt trong việc cùng con vượt qua chứng tự kỷ. Sự kết hợp giữa các nhà chuyên môn, gia đình cùng các phương pháp trị liệu chuyên biệt sẽ giúp trẻ bị tự kỷ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: Đình Giang


Bài và ảnh: Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]