(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ là những người mà ngay khi cất tiếng khóc chào đời, hay vì một lý do bất ngờ nào đó, bị khiếm khuyết một phần cơ thể, trở thành người khuyết tật (NKT). Nhưng sau những đau đớn, khổ sở, dằn vặt... sức mạnh tinh thần đã chiến thắng nỗi đau thể xác. Bằng nghị lực phi thường, họ đang từng ngày vượt qua giông bão cuộc đời để khẳng định chính mình, “nở hoa, ngát hương”, lan tỏa năng lượng sống tích cực cho cộng đồng.

Hoa nở giữa đời thường: Những đóa hoa... bất hạnh

Họ là những người mà ngay khi cất tiếng khóc chào đời, hay vì một lý do bất ngờ nào đó, bị khiếm khuyết một phần cơ thể, trở thành người khuyết tật (NKT). Nhưng sau những đau đớn, khổ sở, dằn vặt... sức mạnh tinh thần đã chiến thắng nỗi đau thể xác. Bằng nghị lực phi thường, họ đang từng ngày vượt qua giông bão cuộc đời để khẳng định chính mình, “nở hoa, ngát hương”, lan tỏa năng lượng sống tích cực cho cộng đồng.

Hoa nở giữa đời thường: Những đóa hoa... bất hạnhNhìn bề ngoài, không ai nghĩ chị Nguyễn Thị Thùy bị khuyết tật nghe, nói.

Nỗi niềm...

Lần đầu tiên gặp chị Nguyễn Thị Thùy, hiện sinh sống ở phố Trần Bình Trọng, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) tôi đã không giấu được những xúc cảm lộn xộn, bối rối. Chị xinh đẹp, nhanh nhẹn với gương mặt trẻ hơn tuổi 36 của mình. Có lẽ đã được người bạn giới thiệu trước, nên chị chào tôi bằng một nụ cười hồn nhiên. Vậy nhưng, giao tiếp ban đầu của chúng tôi chỉ dừng lại ở đó, bởi chị bị câm điếc bẩm sinh. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã diễn ra theo những nét chữ nguệch ngoạc của chị. Tôi gõ nội dung mình muốn hỏi trên màn hình điện thoại, còn chị trả lời bằng cách viết ra giấy, những câu chữ có thể thiếu chủ ngữ, vị ngữ, sai ngữ pháp... Nhưng tôi hiểu, chị đã rất cố gắng.

Sinh ra ở phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn) với cơ thể lành lặn, nhưng không giống những đứa trẻ bình thường, Thùy không có những phản ứng về âm thanh. Dù được gia đình cố gắng chạy chữa, song kết quả đổi lại chỉ là những vô vọng. Không thể đến trường, Thùy được mẹ dạy cho các chữ cái, rồi ghép chữ... đó là cách để “trao đổi” thông tin với mọi người. Rồi chị mất đến 3 năm ra Hà Nội học ngôn ngữ ký hiệu và sử dụng thành thạo. Nhưng thực sự, đến nay ngoài người thân, khi ra cộng đồng, việc chị Thùy giao tiếp với mọi người vẫn không hề dễ dàng.

Hạnh phúc ngỡ như đã mỉm cười khi năm 2009, vượt qua mọi rào cản, ngăn cách, Thùy kết hôn cùng người đàn ông hứa chăm sóc chị trọn đời. Chị lần lượt sinh ra hai cậu con trai khỏe mạnh. Nhưng hiện tại, Thùy ở một mình. “Từ năm 2015 chồng thường vắng nhà. Chồng có bồ. Chồng không cần Thùy nữa”, Thùy khó khăn diễn giải sự bất hạnh lần thứ hai trong cuộc đời mình. Ánh mắt Thùy buồn và thấm ướt.

Cũng bởi không nghe, không nói được nên hai con của chị ở với ông bà ngoại để tiện việc chăm sóc, học tập. Bản thân không thể đi xe máy, nên mỗi tuần, chị Thùy thường ngồi xe buýt về thăm con. Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các phương tiện vận tải công cộng dừng hoạt động, có lần người mẹ ấy còn dành tất cả số tiền mình có trong túi để bắt xe ôm về với con. Thùy cứ “kể”, còn tôi không nhớ đã bao lần nén tiếng thở dài thương cảm.

Không bị khuyết tật bẩm sinh, nhưng cô gái Phạm Thị Thắm sống tại phố Phú, phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) không thể đi lại. Những “người bạn” thân của em là đôi nạng gỗ, chiếc xe lăn và xe máy 3 bánh.

Lên 9 tuổi, sau một cơn ốm sốt bất ngờ, đôi chân bé nhỏ của Thắm hàng ngày vẫn đi lại bỗng không thể cử động. Cha mẹ đưa tới bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán em bị “Viêm tủy cắt ngang” khiến hai chân bị liệt hoàn toàn.

Gương mặt trẻ thơ của cô bé Thắm từ đó cũng tắt những nụ cười, nhường chỗ cho sự trầm buồn và lặng im. Trong suốt gần 10 năm ròng rã, cuộc sống của Thắm là triền miên những chuyến đi đến các bệnh viện. Rồi các phương pháp điều trị, từ tây y đến đông y, thuốc bắc, thuốc nam, châm cứu... đủ cả. Nhưng mọi nỗ lực của Thắm và gia đình đều vô vọng. Họ buộc phải chấp nhận số phận.

Dù không thể tự mình di chuyển trên đôi chân, nhưng Thắm vẫn đến trường đi học. “Trước đó vẫn cùng bạn bè đến trường, nay lại không thể đi lại được, mọi người cứ nhìn soi mói. Có lẽ họ ái ngại, xót thương cho em. Em là học sinh khuyết tật duy nhất của trường. Ngày ấy, cơ sở vật chất trường học không có lối đi riêng dành cho NKT, nên việc di chuyển của em đều phải nhờ thầy cô và bạn bè”, Thắm kể.

Bù lại, trong suốt những năm đến trường, Thắm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tuy nhiên, bước vào lớp 10, lưng Thắm yếu dần, không thể ngồi lâu trên xe lăn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế kiệt quệ vì phải chữa bệnh nhiều lần cho em, nên Thắm quyết định không đến trường nữa...

Chị Thùy, em Thắm... Không phải là những số phận bất hạnh hiếm hoi trong cộng đồng. Nếu ví cuộc sống này như một vườn hoa, thì những NKT thực sự là những bông hoa thiếu may mắn.

Quan tâm, chăm lo cho người khuyết tật

Theo Luật Người khuyết tật năm 2010, NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Nhà nước bảo trợ xã hội; trợ giúp NKT trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ NKT là trẻ em, người cao tuổi. Đối với NKT tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho NKT được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ. Đối với NKT đặc biệt nặng và NKT nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch; miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng một số phương tiện giao thông công cộng (theo quy định của Chính phủ).

Nhằm đảm bảo quyền và phát huy vai trò của NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững, công tác NKT luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, thông qua các chủ trương, chính sách chăm lo. Đặc biệt, ngày 1-11-2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Chỉ thị nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của NKT...

Nhằm cụ thể chủ trương của Đảng, Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 đã có nhiều chính sách nhân văn đối với NKT. Theo đó, NKT đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp 720.000 đồng/tháng (thay cho mức 540.000 đồng); NKT nặng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng (thay cho mức 405.000 đồng).

Năm 2020, theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Tại Thanh Hóa, số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội cho thấy, trên địa bàn tỉnh đang có trên 199.400 NKT, bao gồm nhiều dạng tật, như: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Trong đó, riêng khuyết tật vận động khoảng gần 100.000 người.

Ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Trên địa bàn tỉnh, hiện có khoảng 90.000 NKT được hưởng trợ cấp xã hội. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, hàng năm NKT còn được các ban, sở, ngành... quan tâm dạy nghề, đào tạo nghề, tặng quà trong ngày lễ, tết; làm nhà tình thương... Đó là sự an ủi, động viên kịp thời để NKT từ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]