(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi đã đọc Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh và nhớ rằng người ta điên đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu. Còn hôm nay, khi đến với Trung tâm Bảo trợ số 2 (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn), tôi nhận thấy ở tuổi nào người ta cũng cần được an ủi, riêng với người già, họ càng cần hơn những người thân bên cạnh. Mỗi người có một thân phận, một hoàn cảnh không may mắn khác nhau và họ quyết định đến với trung tâm chỉ mong được sống bình an ở tuổi xế chiều…

Khi người ta già

Tôi đã đọc Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh và nhớ rằng người ta điên đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu. Còn hôm nay, khi đến với Trung tâm Bảo trợ số 2 (phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn), tôi nhận thấy ở tuổi nào người ta cũng cần được an ủi, riêng với người già, họ càng cần hơn những người thân bên cạnh. Mỗi người có một thân phận, một hoàn cảnh không may mắn khác nhau và họ quyết định đến với trung tâm chỉ mong được sống bình an ở tuổi xế chiều…

Khi người ta giàBà Nguyễn Thị Hồng Thủy thường xuyên quét dọn phòng sạch sẽ.

Gặp bà Triệu Thị Hạnh (SN 1954), người đàn bà còn sống sót duy nhất sau vụ cháy tại ngôi nhà 3 tầng trên đường Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa khiến vợ chồng con trai và cháu gái tử vong cách đây vừa tròn một năm. Bên cánh tay của bà vẫn còn nham nhở vết bỏng, vừa nói chuyện với chúng tôi bàn tay phải của bà liên tục đập đập vào tay trái để bớt cảm giác tê tê giật giật. Bà Hạnh xuống đây đã hơn 6 tháng, nhưng nỗi buồn như mới hôm qua. Dù cố gắng kìm nén thì mắt bà vẫn ngân ngấn nước. “Cuộc sống biết đâu mà nói trước được, giờ tôi chỉ sống một mình và vì mình thôi, chẳng muốn chờ đợi một điều gì nữa”. Cũng bởi tâm lý ấy mà bà sống khá khép kín với mọi người, cửa phòng bà trước đây ít mở cửa, nay bà đã dần mở 2 cánh cửa sổ, thỉnh thoảng người qua lại bà cũng hỏi đôi câu.

Sau khi đi công nhân làm đường ở các nông trường Thạch Thành, Ngọc Lặc, ông Nga quê ở xã Định Tường (Yên Định) về nhà. Bố mẹ mất, ông cũng chẳng lập gia đình. Người thân duy nhất gần gũi với ông là cô cháu gái hiện làm bác sĩ ở một bệnh viện tuyến tỉnh. Một năm nay, bệnh tật, sống một mình không yên tâm, ông quyết định vào đây sống. “Tôi vào đây đã 1 năm. Những ngày đầu buồn bã lắm, ở nhà còn có vườn, đi ra đi vào, ở đây tay chân thừa thãi. Nhưng đến nay thì đã quen hơn, ngày ngày tôi ra sân giao lưu, trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh của nhau”, ông chia sẻ.

Một trường hợp khác là ông Dương Tuấn (Đông Vệ, TP Thanh Hóa), ông vừa vào được một thời gian ngắn, nhưng có lẽ tính tình cởi mở, hòa đồng mà ông nói chuyện rất rôm rả. Hơn 60 tuổi, ông bị bệnh gout, nhiều lần quyết tâm bỏ rượu, bia nhưng đều không thành. “Có khi một buổi sáng 2 - 3 người gọi đi ăn sáng. Nếu như không uống dăm chén rượu thì ăn một bát bún không ngon và mất lòng bạn. Bệnh ngày càng nặng hơn, những cơn đau thường xuyên kéo đến. Vì thế, tôi quyết định vào trung tâm để được khỏe, được sống thêm vài năm nữa”. Dẫu là người chủ động vào trung tâm nhưng những ngày đầu ông buồn lắm, ít nhất 2 lần ông xách đồ ra cổng, định đón taxi đi về. Ông chia sẻ về cái sự hẫng vài ba ngày đầu đến với trung tâm: “Ở nhà tôi có mẹ già 93 tuổi, có cháu, có cái giường quen của mình... nhưng sau khi hòa đồng thì tự nhiên mà khuây, quên đi những thói quen chưa tốt của mình. Tôi quyết tâm ở đây, khi nào thấy ổn định về sức khỏe, tôi sẽ về nhà vì tôi có mẹ già, có con cái nên ít nhiều cũng phải có trách nhiệm”.

Cũng biết sẽ không gắn bó lâu dài với nơi này, nhưng vì tư tưởng thoải mái nên ông dễ gần với mọi người. Đặc biệt lại có ông Phạm Văn Lợi, người cùng phòng rất vui vẻ nên các ông trò chuyện với nhau đủ thứ, khiến thời gian một ngày ngắn hơn nhiều.

Có “thâm niên” ở trung tâm, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, 74 tuổi, quê ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, sau khi lấy chồng, bà ở lại Thanh Hóa và liên tiếp sinh 2 người con trai. Nhưng số phận hẩm hiu, chồng mất sớm, con lại bị tai nạn và rời bỏ bà. 12 năm ở đây, kể từ năm 2010 đến nay, “trung tâm là ngôi nhà hạnh phúc của nhiều người trong đó có tôi”, bà chia sẻ.

Nhớ lại chuyện cũ, bà nói: “Buồn thì buồn nhiều lắm rồi, gầy nhiều lắm rồi. Chồng con mất cách đây mười mấy năm. Lúc ấy tôi gầy mòn cân vội được có 42kg. Nhưng cuộc sống mà, mỗi người mỗi cảnh, tôi tự động viên mình thế và giờ tôi hơn 50kg đấy". Dẫu biết là chuyện cũ mà bà vẫn cứ buồn, cứ cô đơn, mỗi khi ai đó hỏi. “Lâu lâu có cô con dâu cả ở Hà Nam đưa cháu vào đây thăm, thế là tôi lại cố gắng sống vui, chờ đợi lần sau cháu đến”.

Tự động viên mình cũng là liều thuốc tinh thần, bà cho biết: “Có một mình nên sống ở đây khiến tôi an tâm. Nhà cửa đàng hoàng, không lo đến tháng lại nộp tiền điện, nước, mà lại còn “sạch như bệnh viện, đẹp như công viên”. Đó là còn chưa kể nếu ốm đau thì y, bác sĩ đưa đi khám và lấy thuốc, có nhà ăn khoa dinh dưỡng với thực đơn thay đổi hàng ngày đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt, thời gian phòng, chống dịch COVID-19, ban giám đốc rất quan tâm. Chúng tôi được xe trung tâm đưa đón đi tiêm phòng đầy đủ 4 mũi, về thì nhà ăn phục vụ chè đậu đen, nước lá tía tô, rồi cháo dinh dưỡng. Người thân còn bỏ chúng tôi mà đi, chứ các bác sĩ, cán bộ trung tâm chăm sóc chúng tôi tận tình, kỹ lưỡng lắm”.

Khi người ta giàHàng ngày, từng tốp người cao tuổi ở trung tâm ra sân ngồi trò chuyện, tâm tình.

Nghe chuyện và tiếp xúc với các ông, các bà ở Trung tâm Bảo trợ số 2 này, khiến ai cũng thắt ruột, một phần là họ đã không may mắn khi có quá nhiều nỗi buồn ập đến, nhưng cũng còn bởi, trung tâm cũng là ngôi nhà cuối cùng của rất nhiều người trong số các thành viên đang sống ở đây. Hiện tại, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 đang nuôi dưỡng, chăm sóc 175 người, trong đó có 159 người thuộc đối tượng xã hội và 16 người thuộc đối tượng tự nguyện. Người nhiều tuổi nhất gần 80 tuổi, người ở lâu nhất cũng trên 20 năm, có cụ không biết quê quán, không có người thân thích. Các cụ xem cán bộ, nhân viên trung tâm là con cháu, những thành viên xung quanh là anh chị em, vui buồn, sống chết có nhau.

Các cụ được quan tâm đầy đủ cả tinh thần và vật chất. Những ngày lễ tết, không chỉ trung tâm mời các đoàn văn nghệ, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đến giao lưu văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, các cuộc thi phù hợp với người cao tuổi...; nhiều tổ chức từ thiện cũng đến trao quà, thăm hỏi các thành viên trong “Ngôi nhà hạnh phúc”, như cách nói của bà Thủy.

Gọi là hạnh phúc bởi theo chị Phạm Ngọc Anh, cán bộ trung tâm cho biết: “Khi tiếp nhận đối tượng vào đây để nuôi dưỡng thì chúng tôi tìm hiểu hoàn cảnh của từng người để có trách nhiệm tư vấn, động viên tinh thần, tư tưởng và làm sao để những người cùng hoàn cảnh thương yêu giúp đỡ nhau”. Chị còn cho biết thêm: “Dù là đối tượng xã hội hay tự nguyện thì ban đầu họ cũng có những phản ứng. Người phá phách, đòi về, người lại xa lánh, tự kỷ, không trò chuyện với ai. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, giống trẻ nhỏ mới đi học, mấy ngày đầu cũng khóc đòi về, nhưng khi biết chấp nhận hoàn cảnh thì sẽ vui và thân thiện hơn”.

Mỗi thân phận, một nỗi niềm, khi người ta già lại còn cô đơn vì không có người thân bên cạnh, bất kể một sự không vừa lòng nhỏ cũng có thể gây tổn thương lớn. Chính vì thế theo chia sẻ của ông Nguyễn Kiều Anh, giám đốc trung tâm: Để giúp đối tượng chuyển biến tâm lý theo hướng tích cực, xóa bớt mặc cảm về bệnh tật, phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng, trung tâm đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng, thể thao, văn hóa - văn nghệ... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho đối tượng.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]