(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm nay, các cấp học từ mầm non (MN) đến tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh không có biên chế nhân viên y tế (NVYT) mà chủ yếu làm kiêm nhiệm. Điều này đã gây khó khăn trong việc triển khai công tác y tế học đường...

Khi trường học thiếu nhân viên y tế

Nhiều năm nay, các cấp học từ mầm non (MN) đến tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh không có biên chế nhân viên y tế (NVYT) mà chủ yếu làm kiêm nhiệm. Điều này đã gây khó khăn trong việc triển khai công tác y tế học đường...

Khi trường học thiếu nhân viên y tếDù có phòng Y tế học đường nhưng nhiều năm qua, Trường Tiểu học Lê Thế Long không có nhân viên y tế chuyên trách. Ảnh: VIỆT ANH

Giáo viên vào vai nhân viên y tế

Giờ tiếng Việt ở lớp 1A5 Trường TH Lê Thế Long (thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), học sinh P. bỗng đột ngột nằm xuống ghế, co cứng chân tay, miệng chảy dãi… Cô giáo hốt hoảng, cả lớp nhốn nháo, buổi học phải dừng lại. Cô giáo chủ nhiệm lớp - Nguyễn Thị Vân Anh vội ôm lấy học sinh, đồng thời lấy một ngón tay của mình đặt vào giữa hai hàm răng của học sinh này. Sau đó cô nhờ học trò báo cho các thầy, cô giáo ở lớp bên cạnh đồng thời gọi điện cho phụ huynh đến, đưa học sinh về nhà chăm sóc…

Nhớ lại phút giây căng thẳng ấy, cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh vẫn chưa hết hốt hoảng: “Ở lớp, học sinh này bị bệnh kinh giãn nên mỗi lần phát bệnh, cả cô và trò rất run. Trường không có NVYT mà cô giáo thì không có chuyên môn, nên khi gặp tình huống liên quan đến sức khỏe của học sinh, giáo viên chúng tôi vô cùng lo lắng, không biết xử trí thế nào”.

Năm học 2021 - 2022, Trường TH Lê Thế Long có gần 700 học sinh. Nhiều năm nay, trường có phòng y tế nhưng không có NVYT. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường giao nhân viên hành chính kiêm “nhân viên y tế”, chủ yếu đảm bảo các trang thiết bị bông, băng… Cô giáo Vũ Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Học sinh TH hiếu động, nghịch ngợm, va quệt nhau là chuyện thường xảy ra, nên rất vất vả cho các thầy, cô. Khi các em xây sát nhẹ, nhà trường chỉ biết sát khuẩn bằng nước muối sinh lý rồi băng lại, nặng hơn thì đưa các em đến trạm y tế. Không có NVYT, thực sự nhà trường rất bối rối".

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chích (thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn), cô giáo Nguyễn Thị Hùng cho rằng: “Nhà trường có tủ thuốc và có đủ thuốc thiết yếu theo quy định, nhưng do không có NVYT nên khi học sinh sốt, đau bụng, giáo viên không dám cho uống. Tôi nhớ, năm học trước, có một số học sinh bị đau bụng, quá lo lắng, chúng tôi cho các em lên ngay bệnh viện. Không NVYT là áp lực rất lớn cho trường học”.

Không chỉ ở huyện Đông Sơn, nhiều năm nay, các cấp học từ MN đến TH, THCS ở nhiều huyện, thị xã, thành phố không có biên chế NVYT, mà chủ yếu làm kiêm nhiệm. Đặc biệt, đối với cấp học MN, câu chuyện không có NVYT trường học đặt ra quá nhiều vấn đề. Theo cô giáo Hà Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường MN Định Liên (Yên Định): “Học sinh MN ăn, nghỉ từ sáng đến chiều ở trường, nên liên quan rất lớn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, các em còn nhỏ nên rất dễ bị cảm, sốt nhẹ… Nếu có NVYT thì có thể chăm sóc, theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe cũng như khẩu phần ăn của các em. Nhiều năm nay, do không có NVYT, nên giáo viên lúng túng trong xử lý, may mắn là trạm y tế bên cạnh nên cũng yên tâm phần nào”.

Cần thiết phải có nhân viên y tế trường học

Do thiếu NVYT nên các trường phải thực hiện việc kiêm nhiệm đối với nhân viên hành chính, kế toán, thậm chí là giáo viên. Bất cập ở chỗ, những người kiêm nhiệm lại không có giấy phép hành nghề, không có bằng trung cấp y theo quy định của pháp luật. Đây chính là mấu chốt khiến các trường bối rối, hoang mang khi học sinh xảy ra vấn đề liên quan đến sức khỏe, dù chỉ là sự cố nhỏ…

Trong điều kiện này, các trường học phối hợp với trạm y tế xã, phường được xem là giải pháp đầu tiên để khắc phục. Bà Nguyễn Thị Khanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Yên Định, cho biết: “Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường trên địa bàn phối hợp với trạm y tế địa phương. Theo đó, một năm hai lần, trạm y tế sẽ khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, ngoài ra còn cử một cán bộ của trạm theo dõi những đột xuất xảy ra với sức khỏe các em”. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Sơn: “Trong tình hình hiện nay, vừa làm tốt công tác sơ cứu ban đầu, vừa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì càng thấy được sự cần thiết phải có NVYT trường học. Thực tế, giáo viên ái ngại, không tự tin khi trường học vắng NVYT”.

Nói về thực trạng này, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Trong quy định vị trí việc làm của Bộ GD&ĐT, có vị trí NVYT ở các trường học, nhưng chỉ tiêu biên chế về nhân viên hành chính được giao không đủ, nên tùy tình hình, các địa phương bố trí nhân viên hành chính phù hợp. Một số cơ sở giáo dục có NVYT trong biên chế, 1 số khác ký hợp đồng lao động. Bên cạnh đó sẽ khuyến khích các địa phương (xã, phường, thị trấn) bố trí NVYT cấp xã kiêm nhiệm NVYT trường học theo Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Sở đang đề xuất các bộ sửa đổi các quy định về vị trí việc làm, đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới và giao đủ biên chế cho các tỉnh”.

Y tế học đường có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe và sơ cứu ban đầu cho học sinh. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nếu có NVYT, các trường sẽ chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn trong công tác phòng, chống dịch. Trường học thiếu NVYT là khoảng trống lớn về mặt tinh thần đối với giáo viên, học sinh. Xét ở góc độ an toàn, thì học sinh vẫn là người chịu thiệt thòi nhất…

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]