Khát vọng rừng xanh (Bài 3): Phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững
Những năm qua, nhiều xã ở miền Tây xứ Thanh đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế rừng. Tuy vậy, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cần có những giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.
Tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế rừng - PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế rừng của tỉnh ta thời gian qua? - Ông Đàm Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa: Thời gian qua, do triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự chung tay, đồng lòng của người dân, kinh tế rừng của tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng lâm nghiệp hàng năm duy trì ổn định, đạt trên 6%; giá trị sản xuất năm 2024 đạt 2.384 tỷ đồng, tăng 429 tỷ đồng so với năm 2021; giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2024 đạt 167 triệu USD. Độ che phủ rừng tăng từ 53,5% năm 2021 lên 53,91% vào năm 2024. Trồng rừng hàng năm đạt trên 10.000ha, trong đó rừng trồng bằng cây giống nuôi cấy mô đạt trên 1.500ha, nâng tổng diện tích rừng trồng nuôi cấy mô toàn tỉnh đến nay đạt trên 6.700ha. Các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng cây đa tác dụng, đa mục tiêu, cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa năng suất rừng trồng bình quân hiện nay đạt khoảng 20m3/ha/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2021. Sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 900.000m3 gỗ rừng trồng, 62 triệu cây luồng, 82 nghìn tấn nguyên liệu giấy các loại. Hình thành 10 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các nhà máy chế biến, gắn với cấp chứng chỉ rừng FSC đạt trên 30.000ha. Các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực được phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với 56 nghìn ha rừng gỗ lớn, trên 40 nghìn ha rừng luồng thâm canh tập trung. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. - PV: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, theo ông cần có những giải pháp gì để phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững? - Ông Đàm Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa: Với mục tiêu xây dựng, phát triển lâm nghiệp theo hướng hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, ngành lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực của Trung ương và của tỉnh thông qua các chính sách lâm nghiệp đã được ban hành. Rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách riêng của tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ để cùng nhà đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tre luồng ở khu vực miền núi, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy chế biến tre luồng; xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm “tre, luồng xứ Thanh”. Giữ vững an ninh rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, diện tích rừng tự nhiên, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Chú trọng phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng sản xuất theo mô hình trồng cây gỗ lớn, cây đa tác dụng, đa mục tiêu, cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, thay thế dần các sản phẩm thô. Khuyến khích các cơ sở chế biến liên kết với các chủ rừng, phát triển vùng nguyên liệu gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) để xuất khẩu. Phát huy giá trị đa dụng của rừng thông qua phát triển các vùng tập trung trồng cây dược liệu, cây dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Cần cơ chế để xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ trồng rừng - PV: Thưa ông, những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ (RPH) Lang Chánh đã thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng thế nào trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng? - Ông Lê Văn Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý RPH Lang Chánh: Ban Quản lý RPH Lang Chánh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích gần 10.300ha rừng, trong đó có hơn 8.3000ha rừng tự nhiên. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn, các thôn, tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương, hộ nhận khoán đất lâm nghiệp để chủ động bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời hoàn thành việc giao khoán diện tích rừng, đất rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016 của Chính phủ cho 19 thôn và gần 500 hộ gia đình, cá nhân bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng trồng. Hiện nay, rừng trồng mới tại các xã do đơn vị quản lý được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, sinh trưởng, phát triển tốt; diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện được bảo vệ an toàn, không để xảy ra cháy rừng; an ninh rừng được giữ vững. Bên cạnh đó, đơn vị đã tích cực hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ trồng mới rừng sản xuất theo hướng thâm canh, bền vững; bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc và khai thác rừng. Nhiều hộ dân nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp đã mạnh dạn xây dựng được trang trại tổng hợp, tổ chức trồng rừng sản xuất, bảo vệ rừng và phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. - PV: Vậy định hướng trong thời gian tới của Ban Quản lý RPH Lang Chánh là gì thưa ông? - Ông Lê Văn Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý RPH Lang Chánh: Ban Quản lý RPH Lang Chánh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích được giao. Duy trì ổn định diện tích trồng rừng hằng năm; cung cấp cây giống chất lượng cao, tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho hộ trồng rừng trên địa bàn do đơn vị quản lý. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển diện tích trồng rừng gỗ nhỏ nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn; trồng các loại giống mới, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho hộ dân, hình thành chuỗi giá trị bền vững từ rừng trồng. Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm bố trí các nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng, đặc biệt là hỗ trợ cho việc trồng khảo nghiệm, xây dựng mô hình trồng các giống mới để đánh giá và triển khai thực hiện. Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông vừa phục vụ dân sinh vừa lưu thông vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất lâm nghiệp. Cần cơ chế kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hợp tác đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Đây là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững. Phát triển kinh tế rừng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân PV: Nhờ phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ dân đã nâng cao đời sống. Theo ông, để đảm bảo sự bền vững, các hộ dân cần làm gì trong thời gian tới? Ông Lâm Văn Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Mỹ, xã Thanh Kỳ: Để phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững, các hộ dân cần mạnh dạn đầu tư vốn để mua các giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng, chăm sóc rừng. Đồng thời, tận dụng lợi thế để phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả, cây lương thực, cây dược liệu dưới tán rừng. Ngoài ra, các hộ dân trồng rừng cần hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm rừng, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế. Với vai trò là bí thư chi bộ, thời gian tới tôi và các đảng viên trong thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ rừng. Khi nhận thức được nâng lên, người dân không chỉ tích cực tham gia cùng với lực lượng chức năng trong các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, mà còn ngăn chặn các hành vi khai thác rừng trái phép. |
Xuân Cường (thực hiện)
{name} - {time}
-
2025-07-13 16:01:00
Một ngày tại Thành Nhà Hồ
-
2025-07-13 07:00:00
Dự báo thời tiết hôm nay 13/7/2025
-
2025-07-12 19:00:00
Dự báo thời tiết đêm 12 ngày 13/7/2025