(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời điểm hiện tại chi phí cho giống, đặc biệt là giá phân bón liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý sản xuất của nông dân.

Loay hoay phương án sản xuất khi giá phân bón tăng kỷ lục

Thời điểm hiện tại chi phí cho giống, đặc biệt là giá phân bón liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý sản xuất của nông dân.

Loay hoay phương án sản xuất khi giá phân bón tăng kỷ lục

Giá phân bón tăng kỷ lục vượt 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Huyện vùng cao Bá Thước ngày cuối năm vào mùa thu hoạch mía tím, mía nguyên liệu của bà con nông dân. Trái với sự hồ hởi thường thấy nhiều hộ dân tại thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng tỏ rõ sự buồn bã khi nói về giá trị thu nhập năm nay.

“Chi phí đầu tư lớn, giá phân bón tăng gấp đôi, trong khi giá mía rẻ, bà con năm nay gần như thất thu, thậm chí lỗ”, anh Nguyễn Văn Long ở thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huân, Trưởng thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng không giấu được sự thất vọng cho biết: Đầu năm cây mía tím không bán được, giá rẻ, nhưng phần nhiều bà con vẫn gắn bó, hy vọng về sự hồi sinh giá cả, thị trường. Tuy nhiên, với đặc thù đòi hỏi công chăm bón, đầu tư phân tro lớn, trong khi giá phân bón liên tục tăng cao, thời điểm này giá gần như gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước, giá mía thì vẫn không được cải thiện nên người dân gần như thất thu.

Không chỉ tại các huyện vùng cao chịu ảnh hưởng nặng nề của việc giá phân bón tăng cao, tương tự, tại xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân những ngày này bà con không khỏi lo lắng, băn khoăn về việc có nên tiếp tục vụ lúa Chiêm Xuân.

Loay hoay phương án sản xuất khi giá phân bón tăng kỷ lục

Giá phân bón tăng, đẩy chi phí đầu tư nông nghiệp tăng, trong khi giá cây mía tím không được cải thiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bà con nông dân

Ông Trịnh Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Minh cho biết: Tổng diện tích gieo trồng cả 3 vụ của xã là hơn 600ha. Trong đó, cây trồng vụ Đông là 160ha (chủ yêu cây ngô ngọt, cây khoai lang, khoai tây, bí đỏ, ớt…); vụ Chiêm Xuân là 247ha; vụ Mùa là 242 ha…

Theo ông Toàn việc giá phân bón tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất cũng như giá trị thu nhập của bà con trong xã. Nếu như, nguồn giá trị đầu tư ban đầu trong nông nghiệp (giống, phân bón, chi phí máy móc sản xuất…) vẫn cao như hiện nay, không giảm thì nguy cơ bà con quay lưng bỏ ruộng là điều khó tránh khỏi.

Bà Đỗ Thị Hoa, Phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và PTNT Xuân Minh, cũng là đơn vị phân phối phân bón cho bà con xã viên cho biết: Những tháng cuối năm 2021 các loại phân bón đều có mức giá tăng cao, tăng gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước. Đơn cử như đạm Ninh Bình tăng từ 8.000 đồng/1kg thì nay lên 16.000 đồng/1kg; đạm Phú Mỹ từ 9.000 đồng/1kg nay tăng lên 18.500 đồng/kg; Kali tăng từ 9.000 đồng/1kg nay lên 17.000 đồng/1kg; NPK tăng gần 5.000.000 đồng/tấn; lân tăng 1.000.000 đồng/tấn; NPK tăng 500.000 đồng/tấn...

Theo bà Hoa, nguyên nhân giá phân bón tăng cao là do giá các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng. Ở trong nước, bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến khiến chi phí sản xuất, chi phí vận tải… tăng cao, tác động mạnh lên giá cả phân bón trên thị trường.

“Với chi phí vật tư, phân bón đều tăng gấp đôi như hiện nay, trong khi giá lúa thấp, lợi nhuận cho bà con nông dân gần như không có, nếu như tình trạng trên mà HTX không đảm bảo bao tiêu cho bà con thì việc bà con bỏ ruộng là khó tránh khỏi”, bà Hoa lo lắng cho biết.

Loay hoay phương án sản xuất khi giá phân bón tăng kỷ lục

Xu hướng khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ đang được nhiều chủ vườn, bà con nông dan hướng tới như một giải pháp xanh, bền vững.

Về giải pháp, theo bà Trần Thị Thảo, cán bộ nông - lâm thị trấn Cành Nàng đưa ra là thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng giá trị. Với thị trấn Cành Nàng, ở kỳ vụ nối tiếp bà con sẽ chuyển đổi từ cây mía tím sang trồng sắn. Đây là loại cây trồng ít phải đầu tư phân bón, chủ yếu nguồn phân chuồng, trong khi đầu ra sản phẩm ổn định với hình thức liên kết, bao tiêu với các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn cũng như các huyện lân cận.

Bà Lê Thị Dung, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân đưa ra giải pháp: Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tăng giá trị, thì người nông dân cũng nên tăng cường việc chuyển đổi sang sử dụng phân bón hữu cơ với giá trị đầu tư thấp hơn. Trong đó, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ truyền thống đã được ủ hoai mục để giúp cải tạo đất, tạo nguồn dinh dưỡng bền bỉ, hiệu quả cho cây trồng.

Tuy nhiên những giải pháp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng giá trị hay khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ... cũng gặp không ít khó khăn bởi đầu ra của nông sản cũng như việc nắm bắt kỹ thuật khi thay đổi phương án phân bón.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]