(vhds.baothanhhoa.vn) - Rượu, bia vẫn được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông. Cùng với đó, loại đồ uống lên men có cồn cũng bị coi là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, va chạm, đánh nhau theo kiểu “rượu vào lời ra”…

Lỗi tại rượu, bia?

Rượu, bia vẫn được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông. Cùng với đó, loại đồ uống lên men có cồn cũng bị coi là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, va chạm, đánh nhau theo kiểu “rượu vào lời ra”…

Lỗi tại rượu, bia?

Khi trời tối cũng là lúc các quán bán rượu, bia đông khách. Rượu bia vốn không xấu, nhưng nếu người uống thiếu trách nhiệm và không kiểm soát được hành vi thì thật đáng lên án.

Mới đây, tôi có việc phải trở ra Hà Nội. Người bạn cùng đại học bị tai nạn nặng đang điều trị tích cực tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, các y, bác sĩ tại đây đang nỗ lực “giành giật” sự sống cho bạn khỏi tử thần. Dẫu là vậy, họ cũng nói, tiên lượng xấu, gia đình cần chuẩn bị tinh thần… Về nguyên nhân xảy ra tai nạn được phía cơ quan chức năng xác định, bạn tôi trên đường đi làm về buổi tối bị một thanh niên say rượu đi xe máy với tốc độ cao đâm trúng. Điều đáng nói, tại bệnh viện, những “ca” nặng như bạn tôi không hề ít và nhiều trường hợp trong đó được xác định do người gây tai nạn có liên quan đến rượu, bia.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia được công bố mới đây, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan đến rượu, bia; đáng nói con số này đang có xu hướng gia tăng… Nhắc đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thậm chí là kinh hoàng xảy ra trong cả nước thời gian qua do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép vẫn khiến dư luận chưa hết kinh hoàng. Bởi sau những vụ tai nạn nghiêm trọng là hậu quả dai dẳng và đớn đau. Có người bị di chứng suốt đời, có người mất mạng, thậm chí nhiều người trong gia đình mất mạng vì những kẻ bị “ma men” dẫn lối.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện với nữ trưởng thôn người Mường Lê Thị Hương (thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc). Chị nói, ở thôn Minh Nguyên có đến 99% là người Mường sinh sống, tinh thần đoàn kết cao, gần như không xảy ra trộm cắp… Tuy nhiên, điều đáng nói trên địa bàn thôn vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, trong đó phần đa đều do người đàn ông - lao động chính trong nhà thường xuyên uống rượu dẫn đến say xỉn, không lao động, hay chửi mắng vợ con… Nhiều hôm đang đêm tối, có người trong thôn báo là chị lại phải xuống nhà dân để giải quyết. Gọi là giải quyết nhưng là để an ủi, động viên, hòa giải và cả răn đe rồi nhưng vài ba ngày lại đâu vào đấy. Những nhà mà chồng thường xuyên say xỉn, vợ con khổ lắm… Chưa kể nhiều người uống rượu quá nhiều khiến thần kinh không tỉnh táo, nói năng lè nhè, hay gây sự với hàng xóm xung quanh, rồi cả sẵn sàng đánh nhau, bệnh tật triền miên…”.

Về lịch sử ra đời của rượu, bia (đồ uống lên men), có đoán định cho rằng có từ thời cổ đại. Tại Trung Quốc, người ta đã tìm thấy dấu vết của thức uống lên men làm từ gạo, mật ong và nho hay táo gai… cách ngày nay khoảng 7.000 năm.

Rượu, bia nói chung được tạo ra do quá trình lên men của các loại tinh bột, ngũ cốc, trái cây… qua quá trình chưng cất để tạo thành. Ngoài những thương hiệu bia, rượu nổi tiếng toàn thế giới, thì mỗi quốc gia, gần như đều có loại đồ uống mang bản sắc của dân tộc mình. Là rượu vang Pháp; Sochu của người Hàn; Vodka của người Nga và rượu trắng (quốc lủi) của người Việt.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rượu bia nếu uống với liều lượng vừa phải sẽ mang lại hiệu quả tích cực, như: kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon miệng, giúp lưu thông máu, giúp tinh thần phấn chấn, giảm căng thẳng, ngủ sâu giấc… Nhưng phải nhắc lại, tác dụng đó chỉ có khi uống rượu bia với liều lượng vừa phải. Theo khuyến cáo, mỗi người trưởng thành, sức khỏe bình thường chỉ nên uống 1 lon bia (330ml) mỗi ngày; hoặc 1 ly rượu vang (110ml); hay khoảng 30ml rượu trắng…

Dù có khởi nguồn ra đời với mong muốn tốt lành. Nhưng rượu, bia cũng là con dao hai lưỡi. Khi người ta sử dụng quá liều lượng cho phép, nó lại là “tác nhân” kích thích gây hưng phấn quá mức dẫn đến kích động, ức chế não, không kiểm soát hành vi từ đó dễ xảy ra tai nạn giao thông, bạo lực…

Nói như vậy để thấy rằng, đồ uống có cồn không “vô can”, nhưng để gọi tên chính xác nguyên nhân dẫn đến những sự vụ đau lòng trong xã hội do đồ uống có cồn gây ra thì đó chính là thói quen sử dụng rượu, bia một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát. Chính thói quen này đã, đang âm thầm, trực tiếp và gián tiếp “giết” chết, gây thương đau cho nhiều người không liên quan, thậm chí là với ngay cả người uống nó.

Nếu ai đó thường xuyên ngược ngàn, hẳn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh những người đàn ông khật khưỡng, bước đi loạng choạng, có người quá say, nằm ngủ luôn bên vệ đường, buộc vợ con phải đến dìu về. Hay hình ảnh quán nhậu đông vui, náo nhiệt nơi đô thị với liên tục những tiếng “dô, dô, cạn ly” thật vô cùng sảng khoái mỗi buổi chiều. Người ta uống “trăm phần trăm” liên tục chén nọ, cốc kia mà quên mất rằng sau đó là “đường về nhà”, là gia đình, vợ con.

Hãy cứ nhìn những chiếc xe dựng kín vỉa hè, lề đường quán nhậu sẽ rõ. Dù đã có quy định uống rượu, bia thì không lái xe. Nhưng khi cuộc rượu tàn rồi, người ta vẫn cứ nghiễm nhiên lái xe ra về như… bình thường. Để đến lúc tai nạn, bất trắc xảy đến thì tất cả đã là quá muộn. Uống rượu, bia quá liều lượng đã là điều không nên, nhưng uống một cách thiếu trách nhiệm thì thực sự đáng lên án.

Trên con đường về nhà tôi phải đi qua một trường THPT, trước đây vốn chỉ có một hiệu sách và vài quán nước giải khát… Nhưng nay đã có hàng chục quán nhậu mọc lên san sát, quán nào cũng đông vui, tấp nập, kinh doanh rộn ràng. Nhưng tuyệt nhiên không có thêm cửa hàng sách nào. Thậm chí, cửa hàng sách trước đây dù hiện tại vẫn duy trì mở cửa nhưng quy mô thì giảm. Hôm trước có dịp ghé qua đây mới biết, chủ trước đã bán lại cửa hàng (nhà, đất) cho người khác. Và người ta đang có ý định… đóng cửa hàng sách, chuyển sang kinh doanh thứ khác mang lại hiệu quả hơn. Nhìn biển hiệu cửa hàng sách lọt thỏm giữa những “Nhậu đồng quê”; “vịt đủ món”; “bia hơi”... tôi chợt có chút chạnh lòng suy nghĩ về câu nói bâng quơ của người chủ mới: Giờ xã hội phát triển, có ai đọc sách nữa đâu mà… kinh doanh!

Lại chợt nhớ đến so sánh có vẻ khập khiễng nhưng không hoàn toàn vô lý mà tôi đã được nghe ở đâu đó, đại ý: Nhiều người có thể chi hàng trăm, hàng triệu đồng và ngồi hàng nhiều giờ trong những cuộc nhậu nhẹt nhưng lại “thiếu” tiền, thiếu thời gian cho việc đọc sách. Dù có thể không phải là tất cả, nhưng có lẽ không ít người “soi” vào ví von này sẽ thấy mình ở trong đấy.

Theo thống kê của phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng của năm 2022, thông qua các đợt kiểm tra - đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã xử phạt tổng 3.954 trường hợp vi phạm, trong đó có 189 lái xe ô tô và 3.765 lái xe mô tô với tổng số tiền xử phạt hơn 14 tỷ đồng. Cơ quan chức năng hy vọng, với việc tăng cường kiểm tra và nâng mức phạt đối (Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đối với người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ thay đổi ý thức của người dân. Khi đã uống rượu, bia thì không lái xe.

Cũng như khởi nguyên ra đời của thức uống có cồn, việc uống rượu, bia của mỗi người cũng không xấu. Sau những áp lực, căng thẳng làm việc mỗi ngày, hay vì lý do nào đó mà người ta ra quán gặp gỡ bạn bè, người thân, nhâm nhi chút bia, rượu để giải tỏa nỗi niềm. Nhưng, uống một cách vô trách nhiệm, không kiểm soát thì thực sự là điều đáng lên án. Và lỗi, không phải chỉ ở đồ uống có cồn, mà ở chính bản thân mỗi người uống.

Bài và ảnh: Thu Trang


Bài và ảnh: Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]