(vhds.baothanhhoa.vn) - Chuông đồng hồ treo tường thong thả ngân bốn tiếng, tôi dừng công việc, tắt laptop, đứng dậy chuẩn bị đi đón con. “Tháng mười chưa cười đã tối”, kinh nghiệm dân gian thật đúng. Mới bốn giờ chiều mà ở khoảng không gian hẹp cái sân nhỏ nhà tôi đàn muỗi mồng đã túa ra, bay loạn cả lên và kèm theo đó là những chú dơi, sau một ngày nằm ngủ đói mồi cũng xuất hiện. Chúng bổ vào đám muỗi bằng những cú chao nhanh, sắc như cắt. Thế là một ngày đã sắp qua. Khoác thêm cái áo ấm, chiêu thêm một hớp trà nóng, tôi lại chỗ để xe máy, thong thả rời nhà…

Một câu chuyện từ thiện

Chuông đồng hồ treo tường thong thả ngân bốn tiếng, tôi dừng công việc, tắt laptop, đứng dậy chuẩn bị đi đón con. “Tháng mười chưa cười đã tối”, kinh nghiệm dân gian thật đúng. Mới bốn giờ chiều mà ở khoảng không gian hẹp cái sân nhỏ nhà tôi đàn muỗi mồng đã túa ra, bay loạn cả lên và kèm theo đó là những chú dơi, sau một ngày nằm ngủ đói mồi cũng xuất hiện. Chúng bổ vào đám muỗi bằng những cú chao nhanh, sắc như cắt. Thế là một ngày đã sắp qua. Khoác thêm cái áo ấm, chiêu thêm một hớp trà nóng, tôi lại chỗ để xe máy, thong thả rời nhà…

Một câu chuyện từ thiệnMinh họa: LINH CHI

Đi đón con thế này là hơi sớm. Vì từ nhà tôi đến trường chỉ mất hơn mười phút mà năm giờ kém năm, con tôi mới tan trường. Biết là thế nhưng hôm nào tôi cũng đi từ lúc bốn giờ hoặc chỉ chậm hơn chút chút. Vì ở cái trường con tôi học có một khuôn viên rất rộng, thoáng gió, dưới các tán cây cổ thụ kê nhiều ghế đá sạch sẽ, có thể ngồi đọc báo, đọc tin trong smartphone khá thoải mái để rồi được chứng kiến cảnh tiếng chuông cuối ngày vang lên, đàn trẻ từ các lớp học túa ra, chạy bổ đến chỗ cha mẹ, trông thật đáng yêu, còn đứa nào phụ huynh đến đón muộn thì trông thật tội nghiệp. Chúng như bị hụt hẫng, thua thiệt. Cái lý do mà tôi luôn đi đón con sớm là vì vậy. Vả lại, hôm nay tôi còn hứa cho cu cậu đi nhà sách mua mấy cuốn truyện nhi đồng.

Chuông điện thoại di động reo. Tôi liếc nhìn thấy một số máy cố định hiện lên. Đã định lờ đi nhưng sực nhớ, hình như đó là số máy của ông sếp cũ nên tôi bấm trả lời. Nghe đúng giọng của ông ở đầu bên kia, tôi đâm lo, thế này thì thất hứa với cậu con trai quý tử mất rồi. Ông sếp cũ của tôi hưu đã lâu và từ hồi nghỉ, đây là lần đầu ông gọi điện cho tôi. Trước hết phải nói để bạn đọc yên lòng, sếp cũ tôi là người tốt, là người duy cảm như ông hay tự nhận trong lúc trà dư tửu hậu với thuộc cấp. Ông chỉ có mỗi một cái tật là nói dai, nói dài và chỉ dùng điện thoại cố định. Tôi nhớ nhất một lần đi công tác tận Cà Mau vào cuối thập niên 1990 và phải báo cáo nóng công việc với sếp. Hồi đó điện thoại di động đang chập chờn thử nghiệm và giá rất đắt, sóng truyền không phải chỗ nào cũng được phủ, điện thoại bấm số tự động ở các cơ quan địa phương người ta khóa bàn phím, chỉ nghe gọi đến, chứ không gọi đi được. Thế nên, muốn gọi điện thoại đường dài tốt nhất là ra bưu điện trung tâm thành phố tỉnh lỵ, đăng ký và lấy phiếu tích kê ngồi đợi đến lượt. Tại đó, tôi chờ mất ba mươi phút thì bưu điện thông dây để tôi báo cáo công việc với ông sếp. Biết gọi điện thoại đường dài rất tốn kém nên tôi gạch ra tờ giấy bốn nội dung. Nhưng rồi tôi chưa nói hết nội dung thứ nhất ông sếp đã chỉ đạo liền. Và với cách cứ chỉ đạo theo từng công việc như thế, đến lúc tôi báo cáo hết bốn nội dung, thời gian tôi chiếm dụng cabine là 2 giờ và 15 phút, hai bảy giây. Tôi thất thần nhìn hơn một trăm ba lăm phút đồng hồ trên bảng hiệu và đi ra trước những con mắt vừa ngạc nhiên, vừa bực bội của rất nhiều người đang ngồi chờ gọi điện thoại đường dài. Tôi phải thanh toán 4.680.000 đồng, bằng mười tháng lương của tôi hồi ấy. Cái hóa đơn này, tôi có mang về cơ quan nhưng bà trưởng phòng tài vụ bảo không có quy định nào cho phép bà thanh toán một khoản tiền điện thoại đường dài nhiều đến như thế nên tôi phải để người ta trừ dần vào lương đến gần hai năm mới hết.

“Kiềng canh nóng, thổi rau nguội”, nghe ông sếp cũ gọi đến, tôi có ý lo nhưng lại nghĩ, giờ ông đã hưu, bổng lộc chẳng còn, chắc khi đàm thoại qua điện thoại phải nói ngắn để tiết kiệm. Nghĩ thế, tôi chào ông rất thành kính: “Em Hoàng Sâm Nam chào thủ trưởng ạ!”, rồi tranh thủ hỏi thăm sức khỏe của ông. Sếp cũ rất cảm ơn tôi vì đã nhận ngay ra giọng nói của ông. Và rồi ông kể công việc ông đang tham gia ở tổ dân phố, ở hội bảo thọ, ở ban hòa giải, ở câu lạc bộ đường thi của phường…, ông rất bất bình với cách quản lý hữu khuynh của mấy tay cán bộ phường, phố trẻ tuổi bộp chộp nông cạn... Thổ lộ xong mỗi nỗi niềm bực bội, bức xúc, ông lại tự tổng kết: “Mình nói để mình nghe thôi, chứ có ai nó nghe mình đâu”. Cứ thế, câu chuyện của ông khiến tôi không thể chen được vào chỗ nào để ngắt lời, để ngắt máy, để kịp đi đón con.

Mãi cho đến năm giờ ba mươi phút, tôi nghe trong máy điện thoại có tiếng chuông gọi cổng. Tiếng chuông dài và gấp. May quá, ông sếp cũ của tôi nói: “Tớ có khách, tối tớ gọi lại nhá, chào Hoàng Sâm Nam nhá!”.

Mừng hơn bắt được vàng mười, tôi “vâng”, vội chào ông và ngắt điện thoại di động.

Tôi phóng như bay đến trường của con. Tất cả các ngọn đèn đường đã bật sáng trong sương hoàng hôn đầu đông. Sương giăng giăng tạo nên một cảm giác lành lạnh gai gai. Không biết cậu quý tử có đến hai tên gọi Tu Ti (ở nhà), Ngọc Linh (ở trường) của tôi lúc này đang ra sao? Chắc là nó đã khóc cạn nước mắt. Bởi có bao giờ nó phải chờ đợi một phút nào đâu và lại là đứa hay hờn. Biết thế nên mặc dù đang vội vàng phóng xe, tôi vẫn kịp nghĩ ra một phương án nói dối, đánh vào tình cảm “mau nước mắt” của cu cậu, rằng tôi bị quệt xe, cổ chân sái đau, tay có dấu hiệu bị sai khớp. Biết dối trẻ là không nên nhưng đành tạo ra dối kiểu vô hại này để cứu vãn hoàn cảnh. Và tôi tin, nghe vậy, con trai tôi sẽ thương bố mà không hờn vì bị đón muộn. Thêm một phương án nữa là tôi rẽ nhanh vào hiệu đồ chơi ven đường, mua một chiếc máy bay điều khiển từ xa. Tuy phải xử trí hai tình huống: một cái “phi vật thể” (đó là lời nói dối dự kiến) và một cái “vật thể” (chiếc máy bay đồ chơi phản lực điều khiển từ xa đã có trong tay), tôi cũng chỉ mất có mười phút rưỡi là đến trường của con mà bình thường tôi thường phải chạy xe mất hơn mười phút.

Sân trường vắng hoe. Chỉ ở góc sáng nhất, nơi có sân quần vợt, người ta đang cuộc chơi. Tôi chao đảo xe, chạy vòng qua đấy nhưng không thấy con trai đâu cả. Nhìn bao quát phía trước sân trường, tôi cũng không hề thấy một bóng người nào. Lòng dạ cộn lên, tôi toát hết cả mồ hôi hột. Chân tay run rẩy và cổ như có cái gì đó dâng nghẹn đến ngạt thở. Hàng trăm câu hỏi lộn xộn và kinh hoàng cùng một lúc hiện lên trong trạng thái tâm thần hoang mang bất định của tôi. Rồi như một thứ tiên nghiệm nhân quả, lời nói dối của tôi đã thành chuyện thật, tôi đâm đầu xe vào cột đèn, cũng may bánh xe trượt nghiêng, tôi ngã sõng soài, một bên mình lấm lem và đau ê ẩm. Còn con xe thì máy tắt, im bặt. Tuy thế, tôi vẫn cố dựng xe lên, bấm đề nhưng máy tịt. Tôi tạm để xe lại, vừa chân cà nhắc, vừa tay phủi bụi, chạy bổ ra phía sau trường, nơi có cái mương nước sâu hoăm hoắm, gọi toáng lên mà giọng thì nhíu dính lại: “Ngọc… Ngọc Linh, Ngọc Li… inh ơi, con đang ở đâu, ở đâu… âu, con ơi?”.

Một tiếng trẻ trong trẻo đáp lại: “Con đây, bố Sâm Nam ạ!”.

Thế là mừng rồi, tôi vòng ra đầu hồi nhà. Con tôi đang ở đó và nó không phải chỉ có một mình. Cùng với nó còn một cô bé dáng người nhỏ thó, mặt tròn và có đôi mắt lấp lánh như ánh sao. Hai đứa nhoẻn cười chào tôi. Rồi con trai tôi bỗng lo lắng hỏi: “Bố làm sao đấy, áo bố lấm hết kìa!”. Tôi cười cười tự thú kiểu nói vui: “Đi đón anh giai Tu Ti muộn, cuống nên bố va chạm với đất sân trường tí chút thui. Gặp được anh giai ở đây là vui hết nói rồi”. Con tôi ra giọng người lớn nói: “Lần sau bố Sâm Nam phải đi cẩn thận đấy, đừng phải cuống thế nhé!”. Nói thế rồi con trai tôi khoe: “Bố ơi, trong lúc đợi bố đến đón, con và bạn Thanh Loan lớp con đã làm được một việc từ thiện bố ạ”.

Cô bé Thanh Loan cũng nhí nhảnh nói: “Thưa chú, cháu với bạn Ngọc Linh đi hái hoa xuyến chi, chú ạ. Chúng cháu thấy ba bác giun bị lũ kiến lửa đốt. Chúng cháu tìm cây que đẩy các bác giun xuống nước để lũ kiến độc ác phải rời nạn nhân ra. Thế mà chỉ cứu được có hai bác thôi, còn một bác giun bị thương nặng lắm. Bác ấy mất rồi”. Cô bé nói xong, bỗng đưa mu bàn tay lên chặn cái mũi đang sụt sịt như sắp khóc.

Con trai tôi với vẻ mặt cũng buồn so so chen vào: “Chúng con đã đắp mộ cho bác giun xấu số rồi bố ạ. Mộ bác giun, chỗ kia kìa!”.

Theo tay con trai chỉ, tôi thấy một nấm đất nhỏ trên có cắm những bông hoa cúc dại mà cô bé Thanh Loan gọi bằng cái tên đẹp, hoa xuyến chi.

Tôi lặng lẽ đi đến chỗ “mộ bác giun xấu số”. Hai đứa trẻ lấp tấp theo sau. Đến nơi chúng hơi cúi đầu, vẫn với vẻ mặt buồn so so và vô cùng thương cảm.

Tôi đang định nói lời an ủi với hai “nhà từ thiện” nhí thì bố của cô bé Thanh Loan chạy xe đến. Trông vẻ mặt của ông hệt giống như tâm trạng vừa mừng, vừa hốt hoảng của tôi trước đó ít phút. Hai đứa trẻ cũng giọng buồn rầu kể lại với ông, chuyện các “bác giun” không may lâm nạn bởi lũ kiến lửa và việc từ thiện mà chúng đã làm.

Cả hai phụ huynh đều trở nên im lặng. Im lặng với vẻ xúc động nhìn cảnh bọn trẻ lại cúi đầu làm động tác mặc niệm “bác giun" xấu số, công trình từ thiện của chúng nó, trước khi rời chỗ bờ mương có nhiều cây hoa xuyến chi toàn những bông trắng.

*

Dọc đường về, tôi cứ miên man nghĩ ngợi. Cuộc sống thật là kỳ diệu! Kể cả những chuyện có khi làm ta phải bực mình nhưng lại là nguyên cớ để tạo ra một nét đời thật xinh xắn, độc đáo. Giá mà tôi cứ đi đón con đúng ruýp như mọi lần thì đâu có được thấy việc làm tốt đẹp, cảm động của hai đứa trẻ mới đang học lớp hai, tiểu học.

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]