(vhds.baothanhhoa.vn) - Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của các hộ gia đình. Trước tình hình đó, chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã được nhiều người áp dụng nhằm hạn chế thấp nhấp mức chi tiêu hàng tháng.

Muôn kiểu tiết kiệm trong mùa dịch

Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của các hộ gia đình. Trước tình hình đó, chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã được nhiều người áp dụng nhằm hạn chế thấp nhấp mức chi tiêu hàng tháng.

Muôn kiểu tiết kiệm trong mùa dịch

Để tiết kiệm, thay vì đi chợ hàng ngày, nhiều người nội trợ hiện nay chỉ đi từ 2 - 3 lần/tuần.

Trước đây, mỗi khi đi chợ chị Nguyễn Thu Huệ (xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương) luôn mua mấy kg hoa quả về ăn dần. Thế nhưng hơn 2 tháng nay mỗi khi muốn mua thêm gì đó, chị đều quy ra tiền cơm để nhắc mình không được chi tiêu hoang phí. Chị còn trồng rau sạch để vừa tiết kiệm vừa đảm bảo tốt sức khỏe trong mùa dịch.

Còn gia đình anh Nguyễn Công Trí (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa) cũng bị giảm đi đáng kể nguồn thu nhập kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Anh làm nghề chạy xe taxi mới được 2 năm thì 2 năm đó chẳng có mấy khách gọi nên thường xuyên nghỉ ở nhà. Trong khi đó, nợ trả góp mua xe vẫn còn nên tính cả chi tiêu sinh hoạt, mỗi tháng gia đình anh cũng phải bỏ ra hơn chục triệu đồng. Anh cho biết: “Lâu nay tôi chẳng dám đi quán xá hoặc ăn nhậu cùng bạn bè. Vợ tôi và bọn trẻ thì mặc đi mặc lại mấy bộ quần áo cũ. Cô ấy còn dậy sớm nấu ăn sáng cho cả gia đình để không phải mua ngoài tốn kém. Chúng tôi thậm chí phải cắt luôn cả tiền tiêu vặt của bọn trẻ vì mục tiêu trung bình mỗi ngày gia đình chỉ tiêu trong vòng 200.000 đồng đổ lại”.

Trong khi đó chị Vũ Như Ngọc (nhân viên ngân hàng, cư trú tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa) lại cân đối nguồn thu nhập của cả hai vợ chồng bằng cách “săn” hàng khuyến mại. Mỗi khi muốn mua đồ dùng gì đó là chị lại lên các trang thương mại điện tử lựa chọn các mặt hàng bỏ vào giỏ đồ để khi có khuyến mại hoặc “free ship” sẽ nhận được tin thông báo. Chị còn so sánh giá của các sản phẩm giữa các gian hàng với nhau để không bị mua hớ. Đây cũng là cách mà chị thường áp dụng khi đi mua hàng ở các chợ truyền thống.

Không quá khó khăn như những trường hợp kể trên nhưng chứng kiến cảnh hàng ngàn người thất nghiệp, chị Triệu Ánh Tuyết - kế toán của một công ty đóng trên địa bàn phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa cũng đã quyết định phải thay đổi thói quen chi tiêu để có thể tiết kiệm được một khoản tiền phòng khi ốm đau, bênh tật.

Chị chia sẻ: “Tôi có sở thích đi spa nhưng mấy tháng nay ít việc, nhiều thời gian rảnh rỗi nên tôi tự chăm sóc da tại nhà. Tôi cũng chuyển sang gọi zalo cho người thân, bạn bè và khách hàng để giảm thấp nhất cước phí hàng tháng. Ngoài ra khi đi chợ, thay vì lượn lờ như trước đây, tôi chỉ mua những thứ mình đã định mua ngay khi ở nhà”.

Không thể phủ nhận rằng dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, nhưng cũng chính vì thế mà mọi người, mọi nhà đã học được cách thích nghi để thay đổi theo hướng tích cực. Đây cũng là cách để nhà nhà không chỉ vượt qua được đại dịch mà còn “sống vui, sống khỏe”, từng bước hình thành nên những đức tính tốt, thói quen tốt trong xã hội.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]