(vhds.baothanhhoa.vn) - Với phương thức cho vay vốn đơn giản, thuận tiện, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã hỗ trợ nguồn vốn vay cho gần 40.000 khách hàng, trong đó có 92% là phụ nữ, hộ nghèo, thu nhập thấp, tiểu thương... Dịch vụ tín dụng thân thiện, hiệu quả đã trao động lực, tạo điểm tựa để phụ nữ nghèo, yếu thế nỗ lực, chủ động vươn lên trong cuộc sống, cải thiện thu nhập, nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội. Đó cũng là câu chuyện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống của chị Lê Thị Thúy (thôn Thiện Chính, xã Dân Lực, Triệu Sơn).

Nghị lực vươn lên thoát nghèo của khách hàng vay vốn TCVM

Với phương thức cho vay vốn đơn giản, thuận tiện, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã hỗ trợ nguồn vốn vay cho gần 40.000 khách hàng, trong đó có 92% là phụ nữ, hộ nghèo, thu nhập thấp, tiểu thương... Dịch vụ tín dụng thân thiện, hiệu quả đã trao động lực, tạo điểm tựa để phụ nữ nghèo, yếu thế nỗ lực, chủ động vươn lên trong cuộc sống, cải thiện thu nhập, nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội. Đó cũng là câu chuyện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống của chị Lê Thị Thúy (thôn Thiện Chính, xã Dân Lực, Triệu Sơn).

Nghị lực vươn lên thoát nghèo của khách hàng vay vốn TCVMTừ nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, chị Lê Thị Thúy (Triệu Sơn) đã từng bước nỗ lực, cố gắng vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ, gương mặt hiền lành đang cẩn thận dắt bò đi chăn thả ngoài bãi, bắt đầu công việc của buổi chiều. Con bò ấy là một phần “cơ nghiệp”, là một phần thành quả của chị sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa.

Từ vùng đất Hải Dương, chị Lê Thị Thúy theo chồng về làm dâu Thanh Hóa. Chị và chồng gặp nhau khi cả hai đang lăn lộn làm thuê, làm mướn nơi đất khách quê người, thương cái tính nết anh hiền lành, chịu thương chịu khó mà nên duyên. Dẫu trước lúc lập gia đình, chị Thúy đã biết về hoàn cảnh khó khăn của gia đình chồng nhưng thực tế còn khắc nghiệt hơn những gì tưởng tượng. Chị Thúy hồn nhiên kể: “Vợ chồng tôi kết hôn năm 2005. Nhà chồng lúc bấy giờ có lẽ là một trong những hộ khó khăn nhất trong làng, không có gì đáng kể ngoài gian nhà tranh, bát không có mà ăn, giường không có mà nằm”. Bản thân chị mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, chưa tìm được việc làm nên chỉ quanh quẩn đồng ruộng. Chồng chị là lao động tự do, ai thuê gì làm đó, thu nhập bấp bênh. Cuộc sống của vợ chồng trẻ càng lúc càng khó khăn khi chị Thúy sinh con, nuôi con nhỏ, chăm sóc người mẹ già.

Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, được sự kết nối của cán bộ hội phụ nữ thôn, chị Thúy được tiếp cận với nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Chị Thúy thật thà cho biết: “Ban đầu, khi chưa hiểu biết về tổ chức, nghĩ đến việc vay vốn, tôi đã rất lo, băn khoăn. Nhà mình có gì đâu mà thế chấp để vay vốn, vay rồi liệu đến bao giờ, biết làm như thế nào mà trả?”. Hiểu được tâm lý của khách hàng, các cán bộ của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ để chị Thúy có thêm động lực, tự tin vay vốn. Với hình thức “vay một thúng trả từng đấu” - vay một lần trả dần trong nhiều tháng, dịch vụ tín dụng của TCVM Thanh Hóa không chỉ dễ vay dễ trả, hết chu kỳ vay khách hàng lại có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Thủ tục vay vốn đơn giản thuận tiện, phát và thu vốn ngay tại địa phương nên phù hợp với các đối tượng khách hàng là phụ nữ nghèo, người thu nhập thấp, yếu thế. Khách hàng tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa sẽ được công nhận là hội viên, được tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, được tư vấn phương án kinh doanh và được bổ sung nguồn vốn ở các chu kỳ vay tiếp theo.

Cuối năm 2012, chị Lê Thị Thúy mạnh dạn vay vốn, mức vay là 15 triệu đồng. Chị Thúy dành số tiền này đầu tư mua bò cái, dốc lòng dốc sức chăm nom với hy vọng sớm trả được hết nợ, có sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Bởi sự chăm chỉ, cần mẫn ấy, bò lớn nhanh, sinh sản tốt, mỗi năm đẻ một lứa. Từ đó, chị Thúy không chỉ trả được nợ mà có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống, dành dụm cho tương lai. Không ngừng nỗ lực, phấn đấu, sau nhiều lần vay vốn, chị Thúy bàn bạc với chồng mạnh dạn đầu tư mua máy vò lúa, máy cày bừa (cày bừa đứng, cày bừa ngồi) vừa để phục vụ công việc đồng áng của gia đình vừa làm dịch vụ cho bà con trong làng, xã. Ngoài ra, chị Thúy còn nhận việc làm thời vụ cho nhà máy gạch.

Từ những nỗ lực, cố gắng ấy, đến nay, cuộc sống của gia đình chị Thúy đã ổn định hơn trước rất nhiều. Anh chị đã xây dựng được căn nhà kiên cố, rộng rãi, sắm sửa các vật dụng cơ bản, cần thiết trong cuộc sống. Quan trọng nhất, giờ đây, chị đã có điều kiện để lo cho 4 người con ăn học. Dẫu cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn, thử thách nhưng những gì đang có hôm nay là điều mà trước đây chị không bao giờ dám mơ tưởng. Chị Thúy bảo: “Vợ chồng tôi chẳng mong gì ngoài việc có thật nhiều sức khỏe, tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn để có thêm động lực xây dựng cuộc sống tốt hơn nữa”. Trả hết đợt vốn vay này, vợ chồng chị Thúy cố gắng dành dụm, sửa sang lại căn nhà khang trang, rộng rãi hơn vì con cái mỗi ngày một lớn... Chị Thúy tâm sự: “Một trong những niềm may mắn nhất của tôi là được tiếp cận với nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, không có nguồn vốn vay ấy thì vợ chồng tôi không thể có được ngày hôm nay”.

Không chỉ có chị Lê Thị Thúy, xuyên suốt 25 năm xây dựng và phát triển, nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã giúp cho hàng chục nghìn khách hàng, trong đó chủ yếu là phụ nữ nghèo, thu nhập thấp có cơ hội vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Mỗi nữ khách hàng đã và đang nỗ lực viết nên câu chuyện đẹp về nghị lực sống, nghị lực vươn lên thoát nghèo, từ đó góp phần khẳng định, lan tỏa hiệu quả, ý nghĩa, giá trị của Tổ chức TCVM Thanh Hóa trên hành trình giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]