(vhds.baothanhhoa.vn) - Những giọt mật vàng óng, thơm ngon là sự kết tinh của đất trời, của các loài hoa và dưới bàn tay khéo léo của con người đã và đang trở thành sản phẩm mang đặc trưng của quê hương xứ Thanh.

Ngọt ngào mật ong tháng 3

Những giọt mật vàng óng, thơm ngon là sự kết tinh của đất trời, của các loài hoa và dưới bàn tay khéo léo của con người đã và đang trở thành sản phẩm mang đặc trưng của quê hương xứ Thanh.

Ngọt ngào mật ong tháng 3Mật ong Thành Kim, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022.

Phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật

Tháng 3 - mùa con ong đi lấy mật. Với lợi thế đất rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, là điều kiện thuận lợi để những năm qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Trung, thôn Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành), những ngày này gia đình ông bắt đầu vào vụ thu hoạch mật ong tháng 3. Nghề nuôi ong lấy mật của gia đình ông Trung được bắt đầu từ thời ông cha và truyền lại cho đến ngày nay. Hiện nay, gia đình ông Trung có hơn 60 đàn ong. Những thùng ong mật được khéo léo đặt dưới những tán cây nhãn, cây keo…, ông Trung nhẹ nhàng mở nắp thùng và kiểm tra những cầu mật ong để xem mật đã đến độ già và có thể thu hoạch. Gắn bó lâu năm với nghề nuôi ong lấy mật, ông Trung cho biết, việc nuôi ong không khó nhưng người nuôi đòi hỏi phải yêu nghề; có tính kiên trì, tỉ mẩn và phải có vốn kiến thức nhất định về đặc tính sinh trưởng và phát triển của loài ong. Đồng thời hiểu được quy luật phát triển của các loài cây hoa để ong làm nên những giọt mật theo đúng mùa hoa. Từ độ tháng 3 đến tháng 6 là vào mùa thu hoạch mật ong của các loài hoa như nhãn, vải, xoài… và đây là mùa mật ong được đánh giá trữ lượng mật nhiều và chất lượng thơm ngon nhất trong năm. Nghề nuôi ong đã giúp cho gia đình ông có thêm thu nhập, nuôi dạy con cái học hành, có công việc ổn định.

Ông Bùi Ngọc Hiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Trạo cho biết: Hiện nay, bà con nông dân xã Ngọc Trạo đã tận dụng đất rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất để nuôi ong lấy mật dưới tán rừng, tán cây ăn quả. Toàn xã có khoảng 50-60 hộ nuôi ong lấy mật, với hơn 1.300 đàn ong mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân xã đang vận động các hộ nuôi ong lấy mật thành lập tổ hợp tác để liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật, tạo vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Ngọc Trạo định hướng, lựa chọn sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương.

Cũng như xã Ngọc Trạo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Thành đã và đang tận dụng tiềm năng, thế mạnh vùng miền núi, có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong lấy mật, đồng thời phát triển thành hợp tác xã (HTX) nuôi ong, thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Tại thị trấn Kim Tân, trên cơ sở của câu lạc bộ nuôi ong xã Thành Kim, năm 2019 đã thành lập HTX ong mật Thành Kim do ông Lưu Văn Tĩnh làm giám đốc, hiện nay HTX có gần 50 hội viên, tổng số hơn 1.500 đàn ong, mỗi năm thu hàng chục tấn mật ong. Tham gia HTX, các thành viên giúp nhau phát triển đàn ong, về công tác kỹ thuật, tiêu thụ. Năm 2022, sản phẩm mật ong Thành Kim của HTX ong mật Thành Kim, thị trấn Kim Tân được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong

Ông Nguyễn Mạnh Thìn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Thành cho biết: Thạch Thành là địa phương có vùng cây ăn quả rất lớn, đặc biệt là cây có nhiều hoa cho nhiều mật, rất thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, chính quyền, các hội đoàn thể khuyến khích nghề nuôi ong lấy mật, phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó phát triển thành đặc sản, sản phẩm địa phương. Thực hiện Chương trình OCOP, nghề nuôi ong lấy mật tiếp tục được đầu tư, định hướng, để biến mật ong trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hội Nông dân đã khuyến khích, phát động hội viên nuôi ong lấy mật, tập trung đầu tư cho hộ nuôi ong, phối hợp với cơ quan khuyến nông, Hội Làm vườn huyện trong nhiều năm thực hiện các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ nuôi ong mật. Đồng thời khuyến khích hội viên nông dân thành lập các HTX, tổ hợp tác nuôi ong lấy mật để cùng hỗ trợ nhau trong kinh nghiệm nuôi ong, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ Nông dân của Trung ương, của tỉnh; Hội Nông dân huyện là cầu nối của hội viên thực hiện tốt công tác ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, vay tín chấp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Ngọt ngào mật ong tháng 3Mật ong là sự kết tinh của đất trời, của các loài hoa và sự khéo léo của bàn tay con người.

Như Thanh với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, có hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lớn, Nhân dân tận dụng làm nghề nuôi ong lấy mật. Nhờ khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nghề nuôi ong lấy mật đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân. Việc tham gia Chương trình OCOP là hướng đi nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của sản phẩm. Hiện nay, một số sản phẩm mật ong của huyện Như Thanh được công nhận sản phẩm OCOP như mật ong ngàn hoa Xuân Thái của tổ hợp tác nông lâm nghiệp Xuân Thái; mật ong thiên nhiên Phượng Nghi của HTX dịch vụ nông nghiệp Phượng Xuân.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh Thanh Hóa có lợi thế đất rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để những năm qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển được nghề nuôi ong lấy mật, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao như các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc, thị xã Nghi Sơn… Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 15 sản phẩm từ mật ong được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tiêu biểu như huyện Thạch Thành có sản phẩm mật ong Hưởng Hoa, mật ong Thành Kim; huyện Hậu Lộc có sản phẩm mật ong Đa Lộc; huyện Như Thanh có sản phẩm mật ong ngàn hoa Xuân Thái, mật ong thiên nhiên Phượng Nghi; huyện Triệu Sơn có mật ong hoa rừng Thọ Bình, mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất Bình Sơn; huyện Bá Thước có sản phẩm mật ong rừng Pù Luông… Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, các chủ thể, HTX, tổ hợp tác đã phát triển rất tốt, bán được sản phẩm tăng trưởng 25% so với trước khi chưa được công nhận.

Cũng theo ông Bùi Công Anh, để một sản phẩm mật ong trở thành sản phẩm OCOP thì phải đảm bảo một số yêu cầu như sản phẩm mật ong phải đảm bảo chất lượng, đăng ký đầy đủ nhãn mác, thông tin trên nhãn mác ghi đầy đủ, phải có xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm ra thị trường... Đặc biệt khi xây dựng sản phẩm OCOP phải xây dựng câu chuyện sản phẩm và được xây dựng thành clip, in vào bao bì, tờ rơi, tờ gấp để quảng bá cho sản phẩm, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ sản phẩm nếu được công nhận OCOP sẽ phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho địa phương, nâng cao đời sống cho Nhân dân ở các vùng nông thôn.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]