Người dân làng cổ làm giàu từ trồng rau má
Hơn 20 hộ dân làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa đang có nguồn thu nhập ổn định nhờ trồng rau má nơi bãi bồi sông Mã.
Ông Tuấn cùng bà con thu hoạch rau má
Thời điểm này, rau má đang được mùa, được giá, bà con làng cổ tất bật thu hoạch rau để mang ra chợ nhập hàng cho thương lái. Ông Lương Trọng Tuấn (61 tuổi) người có thâm niên trồng rau má hơn 20 năm ở làng cổ Đông Sơn vui vẻ cho biết: Rau má là đặc sản được ví là “sâm của người xứ Thanh”. Ở các tỉnh miền Nam, người dân rất chuộng giống rau má của Thanh Hóa. Gần như bà con thu hoạch đến đâu “cháy” hàng đến đó.
Kể về cơ duyên đến với mô hình nay, ông Tuấn nhớ, hơn 20 năm về trước, ông tình cờ nghe được câu chuyện người dân miền Tây Nam Bộ thích ăn rau má xứ Thanh, thay vì phải ăn loại rau má lai, không thơm, đậm vị như rau má Thanh Hóa.
Rau má đang đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình
Thế rồi ông bắt đầu có ý tưởng “khởi nghiệp” với rau má, và hành trình đi tìm lại giống rau má “tía” (rau má cổ, rau má ta) truyền thống của Thanh Hoá. Loại rau má này, thân lá nhỏ hơn các giống rau má lai, hương thơm, đậm vị, ăn sống hay nấu uống nước đều rất tốt cho sức khỏe.
Sau thời gian tìm kiếm, cuối cùng ông cũng đã tìm và nhân giống được loại rau má này. Theo ông Tuấn, loại rau má tía, rau má ta rất phù hợp để trồng ở đất bãi bồi sông Mã, chỉ cần giâm trồng một thời gian là rau phát triển thành búi.
Để trồng rau má cũng nhiều công phu
Những năm về trước, có thời điểm rau má bán được giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/1kg. Thấy hiệu quả từ loại cây trồng truyền thống này, ông Tuấn mở rộng thêm diện tích, thuê thêm đất để trồng. Nếu chăm sóc tốt, 1 sào rau má có thể cho sản lượng từ 4 - 5 tạ rau má tươi. Với gia đình ông Tuấn, 4 sào rau má, trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi gần 200 triệu đồng.
Đến nay, không chỉ gia đình ông Tuấn mà nhiều hộ dân khác ở làng cổ Đông Sơn cũng gắn bó với loại cây trồng cho thu nhập này. Nhà trồng ít cũng hơn 1 sào, nhà nhiều thì 4 sào.
Đang tưới nước cho ruộng rau má xanh mơn mởn, ông Nguyễn Thành Vinh (60 tuổi) cho biết, gia đình ông trồng gần 2 sào rau má. Việc chăm trồng loại cây này cũng đòi hỏi tính cần cù, chịu khó từ khâu trồng, chăm bón đến thu hoạch, cất bán. Tuy vất vả, khó nhọc nhưng cho thu nhập cao.
Giống rau má ta có đặc điểm thơm, đậm vị, ăn sống hay nấu uống nước đều rất tốt cho sức khỏe
Theo ông Vinh, những năm trước có lúc rau má tươi rớt giá chỉ còn 8-10 nghìn đồng/1 kg, bà con không buồn thu hoạch, để cho cỏ mọc đầy. Năm nay giá rau má tưới tăng lên 20 nghìn đồng/1 kg.
“Hiện có gia đình đang cất bán ở chợ đầu mối đưa vào các tỉnh miền Nam, có gia đình nhập cho nhà hàng, khách sạn, nhiều nhà biết sử dụng công nghệ thông tin thì bán qua mạng xã hội. Hy vọng trong tương lai sẽ có nơi bao tiêu sản phẩm rau má cho bà con làng cổ. Từ đó bà con sẽ mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập” - ông Vinh nói.
Được biết, làng cổ Đông Sơn có khoảng hơn 20 hộ trồng rau má với diện tích gần 2 ha. Loại cây trồng này đang cho thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/ tháng.
Đình Giang
{name} - {time}
- 2023-12-06 10:27:00
Trả lại không gian thoáng đãng cho biển Hải Tiến
- 2023-12-06 09:48:00
Cẩn trọng với “sữa cỏ”, “sữa nhái” kém chất lượng
- 2023-05-27 16:26:00
Từ “xóa nợ xấu” lại thành “mắc nợ”
Đồng lòng xây dựng Thanh Xá 1 trở thành thôn kiểu mẫu
Xây dựng môi trường du lịch biển văn minh, thân thiện
Quan Sơn tăng cường quản lý vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ
Ngọc Lặc quan tâm phát triển văn hóa đọc
[Infographics] - Cảnh báo giả mạo bác sĩ, lương y tư vấn bán sản phẩm chữa bệnh
Lang Chánh đảm bảo các tiêu chí môi trường bền vững trong hoạt động chế biến lâm sản
Cảnh giác với chiêu trò mời hội thảo tặng quà để bán thẻ du lịch
Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch
Đảm bảo an toàn mùa du lịch biển 2023: An toàn thực phẩm