(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Nhà máy tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) đã mạnh dạn đầu tư, hợp tác cùng người dân tại các vùng nguyên liệu, đưa diện tích, năng suất, sản lượng sắn nguyên liệu được thu mua tăng lên từng vụ. Vì vậy, hoạt động của nhà máy được duy trì liên tục và ổn định.

Nhà máy tinh bột sắn Phúc Thịnh đồng hành với người dân vùng nguyên liệu

Những năm qua, Nhà máy tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) đã mạnh dạn đầu tư, hợp tác cùng người dân tại các vùng nguyên liệu, đưa diện tích, năng suất, sản lượng sắn nguyên liệu được thu mua tăng lên từng vụ. Vì vậy, hoạt động của nhà máy được duy trì liên tục và ổn định.

Nhà máy tinh bột sắn Phúc Thịnh đồng hành với người dân vùng nguyên liệuBộ trưởng Nông nghiệp Cu Ba Ydael Jesús Pérez Brito thăm vùng sắn nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, cho biết: Niên vụ sắn 2022-2023, vùng nguyên liệu sắn của nhà máy có 6.000 ha tập trung ở các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Cẩm Thủy và một số huyện lân cận. Để đồng hành với người dân, nhà máy đã đầu tư ứng trước công làm đất, vật tư, phân bón, công chăm sóc, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng và chăm bón sắn cho người dân. Hướng dẫn, vận động, tuyên truyền người dân lựa chọn các giống sắn sạch dần thay thế các loại giống đã bị nhiễm bệnh, đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ bệnh khảm lá sắn. Cùng với đó, nhà máy ký hợp đồng bao tiêu sắn tươi theo hướng điều chỉnh giá thị trường, hài hòa giữa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, sắn nguyên liệu được thu mua tại nhà máy với giá dao động từ 1.900 đến 2.600 đồng/kg sắn củ tươi và cam kết không để sắn tồn trên đồng ruộng dẫn đến suy giảm chất lượng tinh bột. Kết thúc niên vụ sắn 2022-2023, Nhà máy tinh bột sắn Phúc Thịnh đã thu mua 120.000 tấn sắn củ, chế biến được 30.000 tấn tinh bột sắn xuất khẩu, với giá trị tương đương đạt 12 triệu USD.

Để tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa chất thải gây ô nhiễm môi trường, nhà máy đã đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại của Thụy Điển, công suất chế biến từ 180 đến 200 tấn sản phẩm/ngày. Đây là dây chuyền sản xuất khép kín, sắn nguyên liệu trước khi chế biến được bóc vỏ, rửa sạch, băm, nghiền, tách bả, co bột, tách nước thành tinh bột có độ ẩm từ 30% đến 32% rồi đưa vào lò sấy, đóng gói ra sản phẩm cuối cùng chỉ mất trên 20 phút. Ngoài ra, công ty còn đầu tư dây chuyền ép bả sắn để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc trong và ngoài tỉnh. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hóa bằng công nghệ của Nhật Bản. Nước rửa củ sắn được thu hồi và được xử lý làm khí biogas cung cấp cho hệ thống sấy tinh bột của công ty.

Để mở rộng vùng nguyên liệu sắn, hiện nay, Nhà máy tinh bột sắn Phúc Thịnh đang đầu tư cho người trồng sắn ở Nông trường Sông Âm và Nông trường Lam Sơn, với diện tích trên 800 ha, năng suất ước đạt 25 đến 30 tấn/ha. Dự kiến trong năm 2023, nhà máy sẽ tiến hành khảo sát và đầu tư cho người dân vùng đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lát trồng sắn nguyên liệu dự kiến 1.200 ha cả hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy nói riêng và sự phát triển bền vững cho ngành sắn của tỉnh nói chung, dần thay đổi tư duy mua bán sang tư duy chia sẻ và hướng đến lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]