(vhds.baothanhhoa.vn) - Để khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), ngày 17-7-2021 HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và phí thuê bao dịch vụ GSHT cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 21).

Nhiều ngư dân chưa hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 21

Để khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), ngày 17-7-2021 HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và phí thuê bao dịch vụ GSHT cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 21).

Nhiều ngư dân chưa hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 21Tàu cập bến Hoằng Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa).

Theo Chi Cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 6-1-2022, trên địa bàn tỉnh có 1.172 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Hiện có 32 tàu cá thường xuyên nằm bờ, không tham gia khai thác thủy sản. Số còn lại phải lắp đặt thiết bị GSHT là 1.140 tàu. Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh hỗ trợ với mức: 10 triệu đồng/tàu mua thiết bị GSHT; 300.000 đồng/tàu phí thuê bao dịch vụ thiết bị GSHT bao gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đăng ký tại tỉnh Thanh Hóa; trong đó, có cả các tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT.

Để được hỗ trợ theo Nghị quyết 21, ngoài hoàn thành việc lắp và kích hoạt thiết bị GSHT trước ngày 30-8-2021, hồ sơ các chủ tàu phải đảm bảo 3 loại giấy tờ: đăng kiểm, giấy phép khai thác và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá còn thời hạn. Để đưa chính sách hỗ trợ vào cuộc sống, Chi Cục Thủy sản và chính quyền các địa phương ven biển đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện thủ tục. Đến thời điểm ngày 6-1-2022 đã có 1.110 tàu cá/1.140 tàu cá được phê duyệt nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 21 với tổng kinh phí 11,05 tỷ đồng. Số còn lại do tàu kích hoạt thiết bị sau ngày 30-8-2021 không nhận được hỗ trợ.

Thị xã Nghi Sơn có 354 tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã hoàn thành lắp đặt thiết bị GSHT, trong đó có 342 tàu cá kích hoạt trước ngày 30-8-2021 thuộc diện được hỗ trợ. Đến thời điểm ngày 6-1-2022, đã có 183 tàu hoàn thành thủ tục được Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết 21. Số còn lại do chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ nên chưa được hỗ trợ. Vì vậy, thị xã đang chỉ đạo các xã, phường tập trung đôn đốc chủ phương tiện hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 21 trong đợt 2.

Xã Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) có 121 tàu cá từ 15m trở lên nhưng chưa có tàu nào được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 21. Nằm trong số chủ tàu còn thiếu hồ sơ để nhận chính sách hỗ trợ, anh Nguyễn Văn Đức, khu phố Ngoại Hải, phường Hải Thanh là chủ tàu TH.90297.TS cho biết: “Tàu của tôi có chiều dài 17m, do kinh tế gia đình khó khăn, con cái đông, đi biển thời gian gần đây không có thu nhập, phải bỏ thêm vài chục triệu đồng để lắp thiết bị GSHT, quả thật là khó. Hơn nữa, do tàu cá của gia đình chỉ khai thác vùng biển trong tỉnh. Tuy vậy, quy định của Nhà nước thì tôi chấp hành”.

Đến thời điểm này, huyện Hoằng Hóa có 124 tàu có chiều dài từ 15m trở lên được kích hoạt thiết bị GSHT trước ngày 30-8-2021 nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 21. Tuy nhiên, vẫn còn 3 tàu cá đều ở xã Hoằng Trường chưa hoàn thiện hồ sơ do thiếu hóa đơn, hợp đồng mua bán máy... mặc dù huyện đã gia hạn hồ sơ nhiều lần.

Là 1 trong 3 chủ tàu đến thời điểm này chưa hoàn thiện xong hồ sơ, ông Lê Văn Quang, chủ tàu TH.91308.TS, nói: “Vẫn biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân trong việc lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ là rất khó với gia đình tôi. Vì thực tế tàu vừa gặp nạn (cháy tàu) khi đang khai thác tại vùng biển Kiên Giang nên giấy tờ bị cháy hết. Nếu các cấp chính quyền tạo điều kiện cho tôi thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ, tôi sẽ cố gắng làm”.

Có thể nói, Nghị quyết 21 về hỗ trợ ngư dân mua thiết bị GSHT và phí thuê bao dịch vụ GSHT cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã nhận được sự đồng thuận của ngư dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần đưa mục tiêu quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản của tỉnh sớm trở thành hiện thực. Chính sách nhân văn là vậy, và ngư dân trực tiếp được hưởng lợi, nhưng không ít chủ tàu cá còn chưa nghiêm túc thực hiện. Để đảm bảo quyền lợi của chính ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản và trách nhiệm thực hiện mục tiêu chung gỡ "thẻ vàng” của EC, ngoài vai trò của chính quyền các địa phương, bản thân mỗi ngư dân cần phải có ý thức vì chính mình và cộng đồng.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]