(vhds.baothanhhoa.vn) - Sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong tra cứu thông tin khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB BHYT.

Nhiều tiện ích khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh

Sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong tra cứu thông tin khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB BHYT.

Nhiều tiện ích khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnhNgười dân sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong KCB ở Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 người đến KCB. Trước đây, nhân viên tại khu vực tiếp nhận đăng ký KCB BHYT luôn bận rộn trong việc tiếp nhận các loại giấy tờ, đối chiếu thông tin, hình ảnh với người đến khám để đảm bảo chính xác. Từ khi triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp đã giúp cho nhân viên bộ phận tiếp nhận tiết kiệm được thời gian làm thủ tục KCB, người dân cũng không còn phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Cá biệt, một số trường hợp thông tin không khớp giữa bảo hiểm và giấy tờ tùy thân hoặc hư hỏng, mất thẻ BHYT khiến việc đăng ký KCB bằng thẻ BHYT gặp không ít trở ngại.

Bác sĩ Lê Tiến Toàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa cho biết: Sau khi triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp, công việc của bệnh viện thuận lợi hơn rất nhiều. Nhân viên y tế chỉ cần quét mã QR-Code trên CCCD, thông tin BHYT của người dân sẽ hiện lên để thực hiện các quy trình KCB BHYT. Cả người dân và bệnh viện đều tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục. Nhờ đó, đảm bảo được tính nhanh chóng, thuận tiện, góp phần giúp chất lượng KCB được nâng cao.

Thuận lợi là thế, tuy nhiên nếu dữ liệu của người tham gia BHYT chưa được đồng bộ, tích hợp dữ liệu với CCCD gắn chíp thì việc tra cứu thông tin bằng CCCD gắn chíp không ra kết quả. Do đó, nhân viên y tế phải nhập thủ công số CCCD của người dân vào phần mềm KCB để tra cứu thông tin, gây mất thời gian và không tránh khỏi một số sai sót.

Nhiều tiện ích khi sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnhBệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc sẵn sàng các phương tiện, nhân lực thực hiện sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong KCB.

Ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) cho biết: Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, nhân lực, vật lực và thực hiện sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong KCB, tuy nhiên, thực tế số lượng người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong KCB BHYT chưa nhiều. Nguyên nhân chính là do thẻ CCCD của người dân chưa được tích hợp dữ liệu thẻ BHYT, do đó tra cứu không thành công. Vì vậy, bệnh viện đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết được tiện ích khi sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT. Đồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Ngọc Lặc cử cán bộ thường xuyên túc trực, sẵn sàng tư vấn và hướng dẫn người dân thực hiện việc tích hợp dữ liệu.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15-12-2022 trên địa bàn tỉnh đã có 665/668 cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT thực hiện thí điểm tra cứu thông tin thẻ BHYT trên CCCD gắn chíp, đạt tỷ lệ 99,55% số cơ sở với 1.026.543 lượt tra cứu thành công/1.830.847 lượt tra cứu. Việc sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT và người có thẻ BHYT khi đi KCB. Tuy nhiên, để CCCD được tích hợp dữ liệu thẻ BHYT thì người dân cần có CCCD gắn chíp. Đồng thời thông báo đến cơ quan BHXH thông tin về CMND/CCCD để bổ sung vào dữ liệu thẻ BHYT. Kiểm tra thông tin nhân thân trên thẻ BHYT trùng khớp với thông tin trên CCCD gắn chíp (trường hợp có sai lệch đề nghị người có thẻ liên hệ với cơ quan BHXH gần nhất để hiệu chỉnh thông tin trên thẻ BHYT theo quy định). Hiện nay, BHXH tỉnh đã phối hợp với người có thẻ, đơn vị quản lý người có thẻ rà soát bổ sung thông tin này. Tính đến 15-12-2022 đã bổ sung, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 85,14% người có thẻ trên địa bàn.

Để thuận lợi cho người dân, hiện nay các cơ sở y tế vẫn đang triển khai song song 2 hình thức là tra cứu thông tin BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp hoặc kiểm tra thẻ BHYT của người bệnh. Hiện nay, để triển khai hiệu quả việc sử dụng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an) trong KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở KCB tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp đi KCB BHYT. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ người dân sử dụng thẻ CCCD tra cứu thông tin BHYT, các ngành chức năng cần đẩy nhanh việc tích hợp các dữ liệu liên quan vào thẻ CCCD, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ lợi ích và cách thức sử dụng thẻ CCCD khi đi KCB tại các cơ sở y tế, cũng như trong nhiều loại giao dịch dân sự khác.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]