(vhds.baothanhhoa.vn) - Đằng sau nụ cười của những trẻ từng mắc chứng tự kỷ, tăng động là những đêm dài không chợp mắt của bố mẹ; sự nỗ lực của các y, bác sĩ Khoa Đơn nguyên tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Nỗ lực cùng con chiến thắng chứng tự kỷ

Đằng sau nụ cười của những trẻ từng mắc chứng tự kỷ, tăng động là những đêm dài không chợp mắt của bố mẹ; sự nỗ lực của các y, bác sĩ Khoa Đơn nguyên tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Nỗ lực cùng con chiến thắng chứng tự kỷ

Những đứa trẻ chẳng may mắc hội chứng tự kỷ cần được quan tâm, điều trị.

Gặp chị T. trong một ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trên con phố sầm uất ở TP Thanh Hóa. Không ai nghĩ chị mới 30 tuổi. Gương mặt với nhiều vết nám, đuôi mắt hằn dấu chân chim… khắc khổ. Cũng dễ hiểu khi chị T. đã không tròn giấc trong 4 năm qua, kể từ khi bé N. phát hiện mắc hội chứng tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ.

Chị T. thở dài khi nhắc đến trường hợp con mình. Bé N. là con gái đầu lòng của vợ chồng chị. Con chào đời năm 2016 trong niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình, nhất là khi con phát triển đều đặn, đúng với độ tuổi.

Ấy thế mà, khi con tròn 2 tuổi trở đi, gia đình nhận thấy con có nhiều biểu hiện khác với các cháu cùng trang lứa. Nói ít, thậm chí có ngày không nói, ngại giao tiếp với mọi người, luôn thu khép mình với các hoạt động. “Khi này tôi vẫn nghĩ đó là những biển hiện của lứa tuổi, giai đoạn… Nhưng, càng theo dõi, con càng không có tiến triển gì."

Khoảng 5 tháng sau, con không phát triển thêm về ngôn ngữ, lại đi nhón chân, mọi người gọi con cũng không để ý, tiếng động lớn ngay bên cạnh con cũng không quan tâm. Nhất là về đêm con hay thức giấc, khóc, trằn trọc không ngủ. Đỉnh điểm, có hôm con khóc từ đêm cho đến khi gần sáng, mệt lả rồi thiếp đi…

Thấy con như vậy, vợ chồng chị T. đưa đến Khoa Đơn nguyên tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để khám. Sau khi test sàng lọc, các bác sĩ chẩn đoán con mắc hội chứng tự kỷ.

“Hai vợ chồng ban đầu không hiểu chứng tự kỷ là gì, chỉ nghĩ là một căn bệnh bình thường thôi. Chắc có thuốc điều trị. Nhưng sau khi được bác sĩ nói về chứng tự kỷ, hai vợ chồng bàng hoàng, lo lắng” - Chị T. nói.

Nỗ lực cùng con chiến thắng chứng tự kỷ

Bộ test bệnh được y, bác sĩ sử dụng để kiểm tra tình trạng của các cháu.

Sau thời gian khủng hoảng tâm lý, chị T. dần bình tĩnh lại và nói chuyện với chồng về việc đồng hành cùng con để chiến thắng tự kỷ. Chị T. xin nghỉ việc, gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai người chồng nhưng anh không nề hà, kêu ca bất kỳ việc gì.

Hành trình chữa trị cho con không dễ dàng gì. Hằng ngày chị T. cho biết, phải cùng bố mẹ chồng “đánh vật” đưa con đến bệnh viện để học. Con chậm hơn so với các bạn cùng hội chứng, có bạn chỉ mất 2-3 tháng là gọi lại được “bà, bà” nhưng con phải mất 6 tháng mới nói được “a, a…”.

Trong hành trình chiến thắng chứng tự kỷ, 4 năm qua đã không biết bao lần chị T khóc, nhiều khi bất lực… Nhưng đến nay, “trời không phụ lòng người” con đã biết nói rõ, nói những câu đơn giản, thuộc bảng chữ cái, làm phép toán trong phạm vi đến 5 và con chuẩn bị đến trường, chị T. không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc.

Chị bảo, nhìn con phát triển dù có chậm nhưng chị rất hài lòng về thành quả này. Và theo chị, không có cuộc hành trình nào mà không có những gian nan, vất vả. Điều quan trọng chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua và không cho phép mình gục ngã hay bỏ cuộc...

Nỗ lực cùng con chiến thắng chứng tự kỷ

Nhiều trẻ được điều trị có tiến triển tốt.

Với trường hợp chị M., hôm nhận tin con mình (cháu P) mắc chứng tăng động, tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ, có lẽ là ngày buồn nhất trong cuộc đời chị. Chị M. cho biết: Cháu P. vốn là đứa nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng đến khi 3 tuổi, vẫn không chịu nói, nghịch cả ngày, cứ chạy lòng vòng quanh nhà… Nếu bố mẹ, ông bà bắt dừng lại bé lăn ra ăn vạ, khóc.

Vì nhà cách bệnh viện 30 km, không có điều kiện đi lại, sau khi phát hiện con mắc chứng tăng động, tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ, chị M. thuê một phòng trọ gần bệnh viện Nhi để tiện cho con đi học. Năm đầu tiên ngày nào cháu cũng la, ói khi mẹ dắt đi học, thậm chí phải có người giữ mới có thể đưa cháu đến lớp.

“Hai mẹ con được hướng dẫn bài tập đơn giản từ nhận biết màu sắc, đồ vật đến tập kéo, uốn lưỡi, tập cười, tập nói,… con đau, con la hét cả buổi, tôi cũng khóc theo, lòng quặn thắt” - Chị M. rưng rưng tâm sự.

Giờ đây, cháu P. đã lên 5 tuổi, dù cháu chưa nói được nhiều, nhưng đã biết gọi “mẹ ơi”, “bố ơi”... Đặc biệt, P. biết buồn khi mẹ nói đau, biết vui khi bố mua áo đẹp, đồ chơi mới, biết cười khi được bà kể chuyện,… khiến mọi người ai cũng phải bật khóc vì hạnh phúc.

Sau tất cả, chị M. bảo, nếu một ngày ai đó rơi vào hoàn cảnh như gia đình chị, cũng xin đừng tuyệt vọng, bế tắc. Hãy cùng con tập luyện bằng cả trái tim ấm áp của người mẹ, người cha, cùng con vượt qua khó khăn để hướng đến những điều đẹp đẽ.

Bác sĩ CK I Trần Thị Minh Anh - Phó trưởng Khoa thần kinh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: Việc can thiệp và điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là việc rất quan trọng, cần can thiệp sớm, kiên trì giáo dục tâm lý lẫn giáo dục hành vi.

Bên cạnh đó gia đình đóng vai trò then chốt trong việc cùng con vượt qua chứng tự kỷ. Sự kết hợp giữa các nhà chuyên môn, gia đình cùng các phương pháp trị liệu chuyên biệt sẽ giúp trẻ bị tự kỷ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]