(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi có triệu chứng cơ thể nhiễm bệnh, thay vì đến các cơ sở y tế khám để dùng thuốc điều trị theo đơn, nhiều người vẫn có thói quen tự ý mua thuốc về sử dụng. Và người bán thuốc tự bắt bệnh - kê đơn - bán thuốc cho người bệnh. Sự tùy tiện ở cả người mua lẫn các cơ sở kinh doanh thuốc đã dẫn đến không ít hậu quả, mà dị ứng thuốc, kháng thuốc là tình trạng phổ biến.

Sử dụng thuốc: Không thể tùy tiện

Khi có triệu chứng cơ thể nhiễm bệnh, thay vì đến các cơ sở y tế khám để dùng thuốc điều trị theo đơn, nhiều người vẫn có thói quen tự ý mua thuốc về sử dụng. Và người bán thuốc tự bắt bệnh - kê đơn - bán thuốc cho người bệnh. Sự tùy tiện ở cả người mua lẫn các cơ sở kinh doanh thuốc đã dẫn đến không ít hậu quả, mà dị ứng thuốc, kháng thuốc là tình trạng phổ biến.

Sử dụng thuốc: Không thể tùy tiệnThuốc là một loại “hàng hóa” đặc biệt vì vậy việc mua - sử dụng thuốc của người dân không thể tùy tiện, cần có đơn của bác sĩ.

Hậu quả… người bệnh chịu

Con nhỏ hơn 5 tháng tuổi có triệu chứng ho, chảy nước mũi, chị Lê Hải An ở phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đến hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về cho con uống. Sau 3 ngày thấy con không đỡ bệnh, chị tự ý đổi thuốc khác và một tuần sau khi con có biểu hiện bất thường, đến khám tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa mới tá hỏa biết con bị viêm phổi nặng, suy hô hấp phải nhập viện điều trị tích cực. “Hơn nửa tháng nằm viện điều trị, tình trạng bệnh của con mới tạm ổn. Vì ngại đến bệnh viện nên tôi mới tự ý mua thuốc về cho con uống, không ngờ vì sự tùy tiện của mẹ khiến con phải chịu hậu quả", chị Lê Hải An bày tỏ.

Sau 11 ngày điều trị tích cực tại Khoa Da liễu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh nhân Lê Trường Giang ở xã Đồng Lộc (Hậu Lộc) mới giảm dần các triệu chứng nguy hiểm trước đó. Anh chia sẻ: “14 năm trước tôi phát hiện mình bị bệnh vảy nến. Đi khám ngoài, điều trị thuốc nam, đông y, tây y đủ cả. Tuy nhiên, bệnh cứ thuyên giảm một thời gian lại tái phát. Mới đây, sau một đợt điều trị thuốc đông y, tôi thấy cơ thể mệt mỏi, đau lưng, bong da toàn thân, phù nề, đỏ ửng… không thể chịu được nên mới nhập viện. Bác sĩ cho biết, vẩy nến chỉ là bệnh ngoài da nhưng việc sử dụng thuốc tùy tiện trong thời gian dài đã dẫn đến biến chứng, để lâu có thể ảnh hưởng đến xương khớp, suy thận”.

Cũng nhập viện với tình trạng cơ thể bị phù nề toàn thân, ông Lê Văn Thương, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) được các bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng thuốc nặng. Trước đó, do đau bụng, ông nghi bị dạ dày nên tự ý ra ngoài mua thuốc uống. Sau ngày đầu tiên, cơ thể ông bắt đầu ngứa ngáy, nổi nốt như mụn rôm. Bốn ngày sau thì toàn thân sưng đỏ, phù nề, nhập viện được bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng thuốc. Nếu tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến suy gan, thận và có thể tử vong.

Đánh giá về tình trạng người dân tùy tiện sử dụng thuốc trị bệnh, Dược sĩ Lê Duy Nam, Trưởng khoa Dược (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: “Đây là tình trạng khá phổ biến. Đa phần khi cơ thể có dấu hiệu bị bệnh, thay vì đến khám tại các cơ sở y tế thì người dân thường có xu hướng ra ngoài mua thuốc tự uống. Chỉ khi lâu ngày không khỏi, hoặc uống vào có dấu hiệu bất thường mới đến bệnh viện. Điều này không chỉ khiến bệnh nặng hơn, mà việc điều trị của cơ sở y tế cũng gặp khó khăn do bệnh nhân trước đó đã dùng thuốc không đúng”.

Thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt. Ở nhiều nước trên thế giới, việc mua thuốc bắt buộc phải theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc mua thuốc trị bệnh theo kiểu “mách nhau”, người mua khai bệnh - người bán kê đơn rất phổ biến. Thói quen xấu này dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó, thiệt thòi nhất chính là người bệnh -“tiền mất - tật mang”.

Cũng theo Dược sĩ Lê Duy Nam, việc tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa qua thăm khám, liều lượng không đúng quy định rất dễ dẫn đến phản ứng ADR (phản ứng có hại của thuốc) với một số biểu hiện thường gặp, như: mề đay, ban đỏ, sưng phù… Dẫn đến hội chứng Stevens-Johnson (phản ứng quá mẫn trên da mức độ nặng); hội chứng Lyell (một thể dị ứng thuốc nặng)… khiến người bệnh bị hoại tử thượng bì, xuất huyết, tổn thương các khoang tự nhiên; gây ra suy gan, thận, thậm chí tử vong. Với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, người Việt thường hay mắc các bệnh về hô hấp, cảm cúm nên có xu hướng lạm dụng các nhóm thuốc kháng sinh, corticoid… cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, dù ngành y tế quy định rất rõ, việc sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm kháng sinh bắt buộc phải có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, thực tế việc bán - mua thuốc trên thị trường hiện nay vẫn chưa được siết chặt theo quy định.

Cũng theo đánh giá của các bác sĩ, việc tự ý mua và sử dụng thuốc của người dân hiện nay còn tập trung vào các nhóm tưởng như “vô hại” như: vitamin, điều trị các bệnh về xương khớp… Tuy nhiên, nhóm thuốc về vitamin vẫn có thể gây dị ứng, hoặc phản ứng phụ nếu dùng không đúng cách, đúng liều lượng. Trong đó, tình trạng suy gan, thận điều trị vô cùng tốn kém, ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới sức khỏe người bệnh.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam bán ra trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Và Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ dùng kháng sinh cao nhất thế giới.

Tăng cường công tác quản lý hoạt động mua bán thuốc tự do

Thống kê của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh hiện nay có gần 3.000 cơ sở kinh doanh thuốc lớn, nhỏ. Trong đó có 105 cơ sở bán buôn, 450 nhà thuốc lẻ, còn lại là các quầy thuốc. Theo quy định của Bộ Y tế, có hai nhóm thuốc: thuốc kê đơn (ETC) và thuốc không cần kê đơn (OTC). Nhóm thuốc kê đơn thường gặp như kháng sinh, paracetamol, dung dịch truyền tĩnh mạch.

Sử dụng thuốc: Không thể tùy tiệnSau 11 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân Lê Trường Giang mới giảm dần các triệu chứng nguy hiểm trước đó do sử dụng thuốc tùy tiện.

Dược sĩ chuyên khoa 2 Bùi Hồng Thủy, Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y Dược tư nhân (Sở Y tế), cho biết: “Qua quá trình kiểm tra, việc người dân mua thuốc không được kê đơn, hoặc một đơn thuốc dùng lại nhiều lần là khá phổ biến. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối đối với không chỉ riêng ngành y tế. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc tùy tiện hiện nay là thói quen của người dân, vì lợi nhuận kinh doanh dẫn đến việc lách quy định của các cơ sở bán thuốc… Năm 2017, Bộ Y tế đã có Quyết định 4041/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Nội dung đề án đề cập việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú (bán thuốc theo đơn). Tuy nhiên thực tế, hiệu quả thực hiện đề án chưa cao”.

Cũng theo Dược sĩ Bùi Hồng Thủy, khoảng 1/3 số hàng hóa được bày bán tại các cơ sở kinh doanh thuốc trên thị trường hiện nay là thực phẩm chức năng. Nhưng chính sự tư vấn không rõ ràng của người bán dễ khiến người mua nhầm lẫn. Vì thế, mỗi người dân cần là “người tiêu dùng thông minh”. Cách đơn giản nhất để phân biệt, là thuốc thì trên vỏ hộp sẽ ghi “số đăng ký” (SĐK); còn thực phẩm chức năng sẽ ghi “số công bố tiêu chuẩn”.

Tình trạng các cơ sở kinh doanh thuốc không tuân thủ các quy định về việc bán thuốc theo đơn không phải số ít, ông Lê Hồng Quang, Chánh thanh tra Sở Y tế nhận định: “Trước đây, việc xử lý các cơ sở bán thuốc vi phạm quy định, bán thuốc không có đơn… chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, cảnh cáo. Tuy nhiên, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có quy định rất rõ về mức xử phạt: “Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi bán vắc-xin hoặc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc” (điểm đ, khoản 3, điều 59). Sở Y tế đang tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân và các cơ sở bán thuốc. Nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]