(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 23-3-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực từ ngày 1-4-2022 (gọi tắt là Nghị quyết 17). Theo đó, NLĐ được làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng và làm thêm năm là trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ/năm. Việc tăng giờ làm thêm không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau đại dịch COVID-19 mà còn tăng thu nhập cho NLĐ.

Tăng giờ làm thêm: Đôi bên cùng có lợi

Ngày 23-3-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực từ ngày 1-4-2022 (gọi tắt là Nghị quyết 17). Theo đó, NLĐ được làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng và làm thêm năm là trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ/năm. Việc tăng giờ làm thêm không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau đại dịch COVID-19 mà còn tăng thu nhập cho NLĐ.

Tăng giờ làm thêm: Đôi bên cùng có lợiCông nhân Công ty TNHH dụng cụ thể thao Sunrise trong ca làm việc.

Doanh nghiệp hồi phục phát triển sản xuất

Công ty TNHH dụng cụ thể thao Sunrise, địa chỉ xã Hoằng Thành (Hoằng Hóa) đi vào hoạt động từ năm 2014 với ngành nghề chủ yếu là sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Công ty đang tạo việc làm cho hơn 500 lao động với mức thu nhập từ 6,5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Ngọc Phiếu, cán bộ phụ trách nhân sự công ty cho biết: Dịch COVID-19 khiến cho hoạt động sản xuất của đơn vị gặp nhiều khó khăn, có thời điểm gần 80 - 85% lao động bị nhiễm COVID-19 buộc phải tạm thời nghỉ việc, nên sản xuất ngưng trệ, nhiều đơn hàng bị hủy, doanh thu sụt giảm từ 30 - 40%. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tăng giờ làm thêm đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp sớm hồi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19. Việc tăng giờ vừa giúp NLĐ tăng thêm thu nhập, vừa góp phần giúp doanh nghiệp giải quyết kịp thời các đơn hàng tồn đọng do ảnh hưởng của dịch cũng như những đơn hàng vừa ký. Chúng tôi mong muốn quy định này được thực hiện lâu dài vì đặc thù của ngành may mặc là hàng nhiều, nếu không tăng giờ làm thêm sẽ không kham nổi và như vậy sẽ không đảm bảo giao hàng đúng tiến độ cho đối tác.

Đồng tình với quan điểm tăng giờ làm thêm, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giày VENUS, địa chỉ Cụm công nghiệp làng nghề xã Hà Bình (Hà Trung), bà Dương Thị Hải và Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giày ANNORA, địa chỉ phường Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn), ông Nguyễn Văn Trọn, đều cho rằng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết tăng giờ làm thêm lúc này là phù hợp, vừa giúp doanh nghiệp giải quyết kịp thời đơn hàng tồn ứ, vừa góp phần tăng thêm thu nhập cho NLĐ sau thời gian phải nghỉ việc luân phiên do dịch COVID-19.

Tăng giờ làm - tăng thêm thu nhập

Chị Chu Thị Đào, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) có thâm niên hàng chục năm làm nghề may (trong đó có 8 năm làm công nhân may tại Công ty TNHH dụng cụ thể thao Sunrise), cho biết: “Trước khi vào làm công nhân tại công ty, tôi đã có hơn chục năm làm thợ may quần áo ở cửa hàng của gia đình. Vì vậy, khi vào đây, tôi là thợ “cứng” với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, công nhân buộc phải nghỉ luân phiên hoặc phải nghỉ do dịch, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, công ty có thêm nhiều đơn hàng. Được tăng giờ làm thêm thì tôi hoàn toàn ủng hộ vì vừa giúp doanh nghiệp giải quyết kịp thời đơn hàng cho đối tác vừa giúp tôi có thêm thu nhập mỗi tháng từ 2 - 3 triệu đồng/tháng”.

Tăng giờ làm thêm: Đôi bên cùng có lợiTừ ngày 1-4-2022 Nghị quyết 17 có hiệu lực sẽ giúp người lao động làm việc tại Công ty CP sản xuất - chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (xã Nga An, huyện Nga Sơn) có thêm thu nhập.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Phương, công nhân của Công ty TNHH giày ANNORA, cho rằng: “Mặc dù, mức thu nhập hiện tại của tôi đang được công ty trả 10 triệu đồng/tháng nhưng với giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng như hiện nay, tôi đã phải tiết kiệm chi tiêu nhưng vẫn không đủ cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình 5 người. Vì vậy, việc làm thêm giờ để tăng thu nhập, tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Không chỉ có chị Đào, chị Phương đồng tình ủng hộ Nghị quyết 17 mà đông đảo công nhân, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều mong muốn tăng giờ làm thêm để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống trong điều kiện giá cả nhiều mặt hàng tăng như hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng: Tăng giờ làm thêm theo tinh thần Nghị quyết 17 hoàn toàn phù hợp khi cả doanh nghiệp và NLĐ vừa trải qua thời gian dài gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, chỉ nên tăng giờ làm thêm trong giai đoạn hồi phục kinh tế, về lâu dài phải tính toán vì nếu tăng quá lâu sẽ ảnh hưởng sức khỏe NLĐ, chưa nói đến có doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh cũng như chủ trương này sẽ tăng quá số giờ quy định, nhất là những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực may mặc và giày da. Để tránh tình trạng này, đòi hỏi tổ chức công đoàn cơ sở phải nêu cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ khi chủ doanh nghiệp tăng quá giờ so với quy định. Trường hợp chủ doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm phải phối hợp với chính quyền cơ sở và các ngành, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời.

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]