(vhds.baothanhhoa.vn) - “ Không gây hại”, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, “sành điệu”, “thuốc lá thế hệ mới”… là những cụm từ được một bộ phận giới "nhất quỷ, nhì ma" miêu tả về thuốc lá điện tử - thứ thuốc đang có nguy cơ xâm nhập vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe lứa tuổi vị thành niên.

Thuốc lá điện tử - nguy cơ “xâm chiếm” học đường

Không gây hại”, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, “sành điệu”, “thuốc lá thế hệ mới”… là những cụm từ được một bộ phận giới "nhất quỷ, nhì ma" miêu tả về thuốc lá điện tử - thứ thuốc đang có nguy cơ xâm nhập vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe lứa tuổi vị thành niên.

Theo báo cáo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tại 34/63 tỉnh, thành phố, cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng gấp 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên đến 3,6% năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 13-15 sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay đã tăng lên 3,5% thay vì mức 2,6% năm 2019.

Thuốc lá điện tử - nguy cơ “xâm chiếm” học đườngHọc sinh tụ tập hút thuốc lá điện tử tại các quán vỉa hè

Thuốc lá điện tử “ẩn danh” dưới nhiều tên gọi khác nhau: vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape… với hương vị hấp dẫn, thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, không có mùi hôi. Mặt khác, thuốc lá điện tử được giao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, học sinh có thể dễ dàng sở hữu một “phiên bản” thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp, bỏ ngay trên bàn học mà không bị phát hiện, với giá thành giao động từ 200.000 – 300.000 đồng, loại sử dụng được 3.000 - 5.000 lần hút. Đây chính là con đường mang khói thuốc len lỏi, xâm nhập vào lớp học - nơi vốn dĩ là thế giới của kiến thức và những con chữ.

Thuốc lá điện tử - nguy cơ “xâm chiếm” học đườngCác sản phẩm thuốc lá điện tử được bán công khai, tràn lan trên mạng.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng. Không khó để bắt gặp hình ảnh những gương mặt thơ ngây, hồn nhiên khoác trên mình đồng phục nhà trường vô tư thả khói tại quán cà phê, trà sữa, trà chanh hay quán nước vỉa hè…

Trăn trở về vấn nạn này, chị H. ở phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi cũng có con đang độ tuổi THPT và cũng mới biết đến sự xuất hiện của thuốc lá điện tử trong thời gian gần đây, khi nghe nhà trường tuyên truyền, thông báo thì gia đình tôi không khỏi lo lắng, thậm chí là bất ngờ. Được biết loại thuốc lá này có nhiều loại hình thù khác nhau nên có vô tình nhìn thấy tôi nghĩ cũng khó lòng mà nhận ra “điếu thuốc” này”.

Còn với gia đình anh T. ở phường Lam Sơn chia sẻ: “Là bậc làm cha, làm mẹ đặc biệt có con cháu độ tuổi mới lớn, tôi cảm thấy rất đau lòng trước vấn nạn thuốc lá điện tử. Gia đình tôi cũng rất sát sao đến con cái để nắm bắt được tâm lý cũng như phát hiện kịp thời nếu cháu có tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, tôi nhận thấy điều này cũng chỉ giúp được một phần nào đó vì hiện nay các sản phẩm thuốc lá điện tử đều được giao bán rộng rãi, mua bán dễ dàng; việc bắt gặp các cháu đang sử dụng thuốc lá điện tử không khó. Cần có sự phối hợp của từ phía nhà trường và chế tài xử lý nghiêm về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử này”.

Thuốc lá điện tử - nguy cơ “xâm chiếm” học đườngNhiều học sinh đã có kha khá thời gian gắn bó với môn “thuốc lá thế hệ mới”.

Trên thực tế, một bộ phận học sinh không biết hoặc cố tình ngó lơ những khuyến cáo về các thành phần hóa chất độc hại có trong thuốc lá điện tử gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe đối với người dùng; nên đã có không ít trường hợp học sinh rơi vào tình trạng kích thích, loạn thần kinh không làm chủ được hành vi, thậm chí nhiều em được đưa vào cấp cứu trong trạng thái suy hô hấp, khó thở sau khi hút thuốc. Cũng giống như thuốc lá truyền thống, trong thuốc lá điện tử chứa thành phần nicotin là một chất gây nghiện; có thể học sinh hút thuốc lúc ban đầu chỉ hút nháp, hút thử, bị bạn bè lôi kéo, rủ rê rồi nhưng sau đó đã trở thành thói quen không thể bỏ.

Thuốc lá điện tử - nguy cơ “xâm chiếm” học đườngThuốc lá điện tử đang dần trở thành "món” yêu thích của nhiều học sinh.

Trước thực trạng thuốc lá điện tử xâm nhập vào học đường, thầy, cô giáo các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh đang rất lo ngại. Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn này, cô Ph. giáo viên một Trường THPT cho biết: “Để hạn chế tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, nhà trường đã sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khóa, mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không hút thuốc lá (31-5), phổ biến các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, lồng ghép nội dung này vào các môn học, hoặc lồng ghép các nội dung tác hại của thuốc lá vào các buổi sinh hoạt chuyên đề. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn quan tâm sát sao tới tâm tư, hoàn cảnh, sự thay đổi của từng em học sinh qua các việc làm cụ thể; phối hợp chặt chẽ với gia đình, ngăn chặn kịp thời hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh.”

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh. Phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở con em mình về tác hại của thuốc lá cũng như khả năng gây nghiện của nó để các em sẵn sàng từ chối khi bị mời gọi. Qua đó, có sự phối hợp cùng nhà trường giáo dục, định hướng giúp các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.

Để xây dựng môi trường học đường không khói thuốc, bản thân mỗi học sinh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhà trường tuyên truyền, giáo dục, gia đình dạy dỗ, răn đe nhưng hơn tất cả là ý thức của từng em học sinh. Học sinh cần nhận thức đúng đắn được những tác hại và chung tay góp sức để hạn chế việc hút thuốc, vừa để bảo vệ chính mình, vừa để bảo vệ môi trường sống lành mạnh.

Lan Phú


Lan Phú

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]