(vhds.baothanhhoa.vn) - Cũng khá lâu rồi tôi mới có dịp trở lại xã đảo Ngư Lộc (Hậu Lộc), dải đất biển với nửa cây số vuông nhưng dân số lên tới hơn 18 nghìn nhân khẩu. Đây là địa phương đã phải vượt qua biết bao tang thương, mất mát sau những cơn bão kinh hoàng, đặc biệt là cơn bão năm 1996. Xã có cả biệt danh về “làng góa bụa” với những người phụ nữ vẫn chiều chiều buông ánh mắt xa xăm, vọng phu chờ chồng!... Song, đó là quá vãng u buồn. Điều người dân quan tâm nhất hiện nay là số phận những con tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/ NĐ-CP.

Tiếng thở dài của biển ...

Cũng khá lâu rồi tôi mới có dịp trở lại xã đảo Ngư Lộc (Hậu Lộc), dải đất biển với nửa cây số vuông nhưng dân số lên tới hơn 18 nghìn nhân khẩu. Đây là địa phương đã phải vượt qua biết bao tang thương, mất mát sau những cơn bão kinh hoàng, đặc biệt là cơn bão năm 1996. Xã có cả biệt danh về “làng góa bụa” với những người phụ nữ vẫn chiều chiều buông ánh mắt xa xăm, vọng phu chờ chồng!... Song, đó là quá vãng u buồn. Điều người dân quan tâm nhất hiện nay là số phận những con tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/ NĐ-CP.

Tiếng thở dài của biển ...

Nỗi buồn mang tên tàu 67.

Bỏ nghề vì tàu 67...

Bình minh trên dải đê biển Ngư Lộc, trước mắt tôi vẫn là hình ảnh về vùng đất biển quen thuộc năm nào. Đàn bà và trẻ nhỏ, phần nhiều. Đâu đó, tốp 5-7 chị em phụ nữ tụm túm bên mớ tôm, mớ cá... Ngoại đê, những con tàu nằm la liệt, chằng chéo nhau mắc cạn. Những con tàu lâu ngày không được vươn khơi, bám biển. Do giá xăng dầu cao, biển động, ngư trường sản lượng khan hiếm, khiến cho việc buông neo trở thành một bài toán khó.

Chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ông Tôn Đức Anh với nước da sạm đen và một đôi mắt yếu mềm nhìn về phía những con tàu, khao khát: “Hơn 20 năm theo nghề, bám biển, chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc phải bỏ nghề tìm đến một công việc mới. Mình như con cá, con tôm ở biển quen với vùng vẫy, giờ phải bỏ nghề lên cạn e rằng sẽ chết mòn”.

Vốn là một ngư dân giỏi, dạn dày kinh nghiệm, nguồn thu nhập từ đánh bắt giúp ông chăm nuôi cả gia đình 5 nhân khẩu. Nhớ về thời kỳ hoàng kim, ông Đức Anh rạng rỡ: “Bấy giờ con tàu của tôi công suất 320CV, mỗi chuyến đi khơi kéo dài 7-10 ngày, chi phí chỉ khoảng trên dưới 60 triệu đồng, nhưng khi cập bến trở về thì lời, lãi lên đến cả trăm triệu. Những chuyến biển ăm ắp cá, tôm không chỉ giúp gia đình, mà với các bạn tàu cũng có một cuộc sống sung túc, gắn bó với mình hơn”.

Còn bây giờ, giọng ông chùng xuống, ánh mắt đượm buồn, hơi thở phả ra sự mệt mỏi khi trở về thực tại đau buồn. Ông nghẹn ngào khi kể cho chúng tôi nghe về hành trình đáng quên nhất trong cuộc đời mình. Năm 2017, ông là một trong số ít chủ tàu tại địa phương được xét duyệt đủ điều kiện tham gia đóng mới theo Nghị định 67. Để sở hữu con tàu trị giá hơn 13 tỷ đồng từ dự án này, gia đình được ngân hàng hỗ trợ cho vay 70%, tương đương với 9,8 tỷ đồng. Ông Anh huy động, vay mượn hơn 4 tỷ đồng nữa để con tàu hoàn thiện, vươn khơi.

Một chuyến, hai chuyến có lời, có lãi, trả góp được phần nào cho ngân hàng. Nào ngờ, từ năm 2019 tàu bắt đầu phải sửa chữa, bổ sung ngư lưới cụ, bóng đèn, dây rút, nâng công suất máy phát điện, trong khi ảnh hưởng dịch COVID-19, giá xăng dầu, chi phí nhân công tăng cao... Những chuyến biển gần như chuyến nào cũng lỗ. Ban đầu chỉ lỗ vài chục triệu đồng rồi dần lên cả trăm triệu đồng. Chuyến cuối cùng trước khi con tàu bị “siết nợ” tháng 1-2022, tàu vươn khơi gặp biển động phải quay về, lỗ thêm hơn 100 triệu đồng. Không còn khả năng trả nợ, ngân hàng thông báo ngày “siết nợ”, phát mãi con tàu.

Ngày 7-7-2022 con tàu đóng mới hơn 13 tỷ đồng, đưa ra đấu giá còn 1,3 tỷ. Chủ tàu Tôn Đức Anh từ một ngư dân tiêu biểu, có điều kiện trở thành con nợ, thất nghiệp.

“Trợ lực” nào cho những con "tàu 67"

Ông Đồng Xuân Thảo (SN 1953, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) một trường hợp chủ “tàu 67” khác, dù là “lão làng” trong nghề đi biển cũng phải chuyển nghề. Đây là lần thất bại thứ 2 trong cuộc đời người đàn ông gần 70 tuổi này khi đến với một dự án đóng mới tàu, vươn khơi xa. Căn nhà duy nhất còn lại của ông Thảo nằm ngay triền đê biển. Thay vì phải lo toan tàu thuyền, ngư lưới cụ như trước thì nay ông ngồi thu mình trong gian nhà nhỏ, phụ vợ bán hàng.

Gặp tôi, ông có phần ngượng ngùng khi đoán ra câu chuyện. Dù là thất bại, nhưng ông khẳng định, sự lựa chọn của mình là đúng và chưa bao giờ hối hận. Hồi ức lại dự án năm xưa, ông Thảo nhớ: Đó là năm 1997, lúc đó xã Ngư Lộc có 5 HTX tham gia dự án. Mỗi HTX gồm 2 tàu được đóng mới (giá trị khoảng 1 tỷ đồng/đôi, công suất 190CV) bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, không có đối ứng, hoặc có đối ứng nhưng tỷ lệ không đáng kể. Tuy nhiên, những con tàu được đóng mới thời điểm này vươn khơi đánh bắt không hiệu quả. Sau khi vận hành được 5 năm thì Nhà nước thu hồi, đưa ra bán đấu giá.

Tiếng thở dài của biển ...

Ông chủ “tàu 67” Tôn Đức Anh trao đổi với phóng viên.

Đến với dự án đóng tàu mới tàu theo Nghị định 67 lần này, ông Thảo xem đây là cơ hội để sửa chữa sai lầm từ thất bại của hơn 20 năm về trước. Để tham gia dự án, năm 2017, ông Thảo dùng hết số tiền tích góp sau bao năm vươn khơi để đối ứng. Ông được ngân hàng hỗ trợ cho vay gần 9 tỷ đồng. Con tàu vươn khơi với trị giá 13 tỷ đồng.

Song khi vươn khơi, bám biển, tàu của ông tiếp tục một lần nữa không hiệu quả như kỳ vọng. Chi phí ra khơi lớn, tiền thuê công nhân cao, giá xăng dầu leo thang, nguồn lợi thủy hải sản suy giảm; công suất của máy không phù hợp; khai thác không được, không có nguồn vốn để đầu tư, tái sản xuất... là những nguyên nhân dẫn ông cũng như nhiều chủ tàu khác đến với thất bại.

Chủ trương về “tàu 67” là đúng, cần thiết, ông không hối hận. Chỉ tiếc rằng, thời gian qua, những chủ “tàu 67” như ông chịu quá nhiều bất lợi, mà phần nhiều là những yếu tố khách quan. Nếu như nhận được nhiều hơn sự chia sẻ từ ngân hàng, cũng như tháo gỡ những khó khăn, bất cập từ cấp ngành chức năng thì có lẽ giờ đây tàu của ông vẫn có thể vươn khơi. Dù sao, với ông bây giờ tàu cũng không còn nữa, nhưng còn đó nhiều chủ “tàu 67” khác đang lay lắt với nghề.

Cụ thể như, chính sách cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, cho vay tái sản xuất) để ngư dân tiếp tục có cơ hội bám nghề, bám biển và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng. Thay vì, cách giải quyết như hiện tại, ngân hàng và ngư dân đưa nhau ra tòa. Một câu chuyện chẳng lấy gì là vui vẻ khi người ngư dân thì mất nghề; ngân hàng thu hồi nợ từ bán đấu giá chỉ được 1 phần rất nhỏ. Trong khi đó, dự án thì giảm đi tính nhân văn, ý nghĩa, mục tiêu ban đầu.

“Mấy đời sóng gió bão giông, thậm chí phải bỏ mạng khơi xa cũng không thể khiến cho người ngư dân đất biển phải chùn bước. Giờ đây, khi “cần câu cơm” là những con “tàu 67” bị “siết nợ” không còn nữa thì tôi cũng như nhiều trong số chủ tàu khác đã thực sự quỵ ngã, không thể gượng dậy mà bám lấy nghề!”, ông Thảo tâm tư trong tiếng thờ dài lo cho cái nghiệp đi biển của quê hương.

Nói về “tàu 67”, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc thống kê tại địa phương có 6 tàu được đóng theo Nghị định này. Ông Quang đồng quan điểm với các chủ tàu, lo lắng khi phần lớn những “tàu 67” đều đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, đánh bắt. Đến nay 2 tàu đã bị ngân hàng “siết nợ” khởi kiện ra tòa.

Tâm tư, nguyện vọng các chủ tàu là hy vọng sẽ nhận được những “trợ lực” từ Chính phủ để mỗi hành trình vươn khơi, bám biển trở về là những niềm vui, niềm hạnh phúc với tôm, cá ắp đầy khoang thuyền.

Tỉnh Thanh Hóa có 58 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 (bao gồm cả tàu vỏ sắt, vỏ gỗ) với số tiền vay lên tới hơn 650 tỷ đồng. Hiện tại, các ngư dân đang phải chật vật trong việc trả nợ, lãi ngân hàng do đánh bắt không hiệu quả. Riêng huyện miền biển Hậu Lộc có 15 tàu đóng mới theo Nghị định 67, nhưng đã có 6 tàu trong diện ngân hàng khởi kiện ra tòa, thanh lý, thu hồi nợ.

Hiện nay, việc thu hồi nợ đối với các khoản vay đóng tàu cá theo Nghị định 67 cũng gặp không ít khó khăn. Đa phần các cuộc bán đấu giá tài sản thành công, khoản thu hồi được rất nhỏ so với số nợ mà chủ tàu đã vay từ các ngân hàng.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]