(vhds.baothanhhoa.vn) - Kể từ khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2013, xã Trường Sơn (Nông Cống) như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới khiến cho từ làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thấy người dân hăng hái phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp sức người, sức của làm đổi thay diện mạo quê hương. Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa địa phương đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2020, rồi trở thành xã NTM kiểu mẫu năm 2021.

Trường Sơn xuân này vui hơn

Kể từ khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2013, xã Trường Sơn (Nông Cống) như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới khiến cho từ làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thấy người dân hăng hái phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp sức người, sức của làm đổi thay diện mạo quê hương. Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa địa phương đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2020, rồi trở thành xã NTM kiểu mẫu năm 2021.

Trường Sơn xuân này vui hơnCông ty may Ánh Dương, đóng trên địa bàn thôn Văn Đô, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng

Để hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Trường Sơn gặp nhiều khó khăn, thách thức, do nguồn thu ngân sách hạn chế, trong khi kinh phí đầu tư cho chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì rất lớn… Không giống như những giai đoạn trước đó, xây dựng xã NTM kiểu mẫu có 4 nhóm tiêu chí và 13 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí thường xuyên biến động (bảo hiểm y tế, môi trường, an ninh trật tự,...) cần phải duy trì và chỉ đạo thường xuyên mới đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn. Chưa kể, lộ trình xây dựng xã kiểu mẫu lại được thực hiện trong thời gian rất ngắn, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tiến độ hoàn thành các tiêu chí. Ngoài ra, quá trình xây dựng vẫn còn một bộ phận người dân chưa thể hiện hết vai trò chủ thể của mình nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến phong trào chung…

Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã luôn bám sát cơ sở, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, từng tổ chức hội, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí. Với phương châm: “Cán bộ xã, trung tâm hành chính xã làm trước; cán bộ thôn, nhà văn hóa thôn đi đầu; cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện”, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được tăng cường để hỗ trợ người dân, cộng đồng, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Với quan điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng đô thị văn minh hiện đại theo phương châm “thôn vững, xã chắc”, nên để phát huy quyền dân chủ của người dân, xã đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc (dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi), gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo tồn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn và khắc phục những tồn tại trong các giai đoạn xây dựng NTM trước đó.

Tự hào trở thành xã NTM kiểu mẫu

Với sự đồng tâm hiệp lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu của xã Trường Sơn đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trong phát triển các vườn mẫu, cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng hệ thống tường rào nhà dân thông thoáng, sạch đẹp. Đặc biệt, toàn bộ đường làng, ngõ xóm đều được Nhân dân đồng thuận hiến đất để mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân giao thương, đi lại.

Không chỉ đổi thay về hạ tầng mà việc làm, thu nhập của người dân cũng được nâng lên một cách toàn diện. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 19,9 triệu đồng và đến năm 2020 đã tăng lên 58,86 triệu đồng. Bước sang năm 2021, con số này đã chạm ngưỡng 70 triệu đồng.

Trường Sơn xuân này vui hơn

Người dân thôn Thành Liên làm nghề khâu nón lá.

Đến nay, toàn xã đã có 8 trạm biến áp, với tổng công suất 2.000KVA, hệ thống điện chiếu sáng công cộng được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Ngoài hệ thống chiếu sáng bằng đèn cao áp ở khu trung tâm, trên tuyến đường tỉnh 525, thì 100% các tuyến giao thông nông thôn đều có điện chiếu sáng công cộng. 100% các tuyến đường giao thông nông thôn, trên 90% trục chính nội đồng, gần 90% kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa. Các tuyến đường giao thông đều có kênh thoát nước. Các khu dân cư đều có hệ thống kênh tiêu nước thải (trong đó 81,3% đã có nắp đậy). Cây xanh, cây bóng mát trên các tuyến đường được trồng, chăm sóc, cắt tỉa, đảm bảo mỹ quan cho các thôn, xóm.

Hiện trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, trong đó phải kể đến: 7 mô hình lúa - cá - chăn nuôi; 9 mô hình lúa - thủy sản - thủy cầm và 4 mô hình cây lưu niên, rau màu - chăn nuôi. Diện tích vườn hộ đã cơ bản được cải tạo, chỉnh trang, có hệ thống tưới tiêu khoa học; các mô hình thâm canh rau màu, cây ăn quả, VAC kết hợp được triển khai hiệu quả.

Công tác cải tạo vườn tạp được Nhân dân tích cực hưởng ứng, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Các mô hình chuyên canh rau màu, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, VAC kết hợp,... đã và đang cho nguồn lợi cao. Từ làng trên xóm dưới, người dân đã chủ động chỉnh trang, nâng cấp, lắp đặt hệ thống tưới, tiêu tự động, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Hiện đã có 90% hộ sử dụng hệ thống tưới khoa học, 95% hộ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Chỉ riêng trong năm 2020, tổng diện tích gieo trồng của xã Trường Sơn đạt 752 ha. 100% diện tích được tưới, tiêu chủ động, chăm sóc đúng quy trình nên năng suất, chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, từ việc chỉ đạo thực hiện thành công các mô hình, dự án “Liên kết sản xuất lúa theo hướng sinh thái bền vững, an toàn thực phẩm” đạt tiêu chuẩn VietGAP mà sản phẩm Gạo sạch Hương Quê của xã tham gia Chương trình OCOP đã được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng với sự gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại và dịch vụ. Xã có chợ truyền thống đã đạt tiêu chí chợ an toàn thực phẩm. Toàn xã có 426 cơ sở kinh doanh cá thể, trong đó có: 2 công ty may, 1 cơ sở may gia công, 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh những ngành nghề phổ biến như: may mặc, cắt tóc, mộc, nề, xã Trường Sơn còn có nghề truyền thống khâu nón lá, trong đó làng nghề nón lá Thành Liên đã được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề truyền thống.

Với lợi thế là xã Trung tâm tiểu vùng IV của huyện Nông Cống nên thương mại, dịch vụ của Trường Sơn càng có điều kiện phát triển sớm. Địa phương có 1 cửa hàng xăng dầu, 1 cửa hàng vàng bạc, 2 siêu thị và hàng trăm cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm, quần áo, vật liệu xây dựng, đồ gỗ... và các dịch vụ ăn uống, giải trí, vận tải,... không những đáp ứng tốt nhu cầu hàng ngày của người dân trong xã và các vùng lân cận mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.

Thêm một mùa xuân nữa đang về. Trên khắp đường làng ngõ xóm ở xã Trường Sơn đã rộn ràng muôn sắc thắm. Đó cũng là lúc người dân nói về những kế hoạch và dự định tương lai. Nhiều người không khỏi lo lắng khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, song với khả năng vượt khó đã được chứng minh trong 2 năm qua, Trường Sơn chắc chắn sẽ tiếp tục vươn lên, tạo tiền đề để trở thành đô thị văn minh vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]