(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là tỉnh sớm nhất trong cả nước ban hành phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly (Phương án số 198/PA-UBND, ngày 2-9-2021 của UBND tỉnh). Với tinh thần vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp, đã góp phần tạo điều kiện cho người lao động trở về từ vùng dịch có cơ hội tìm việc làm, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch: Gỡ khó

Thanh Hóa là tỉnh sớm nhất trong cả nước ban hành phương án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly (Phương án số 198/PA-UBND, ngày 2-9-2021 của UBND tỉnh). Với tinh thần vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp, đã góp phần tạo điều kiện cho người lao động trở về từ vùng dịch có cơ hội tìm việc làm, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch: Gỡ khóCông ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Tín Phát tư vấn đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan cho người dân xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) sau trở về từ vùng dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội đã là thách thức không hề nhỏ. Việc đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động (LĐ) về từ vùng dịch đã đặt thêm nhiệm vụ nặng nề cho các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

Tìm cách giải bài toán thu nhập...

Đến ngày 7-10-2021, huyện Triệu Sơn có 9.111 LĐ trở về từ vùng dịch. Trong đó, nhu cầu học nghề là 378 người và 2.125 người có nhu cầu việc làm. Hiện trên địa bàn có 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo việc làm cho gần 10.000 LĐ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Triệu Sơn, cho biết: “6 công ty đang cần tuyển thêm 8.000 LĐ nên nhu cầu việc làm cho 2.125 LĐ từ vùng dịch về là hoàn toàn khả thi. Đến nay, hơn một nửa số LĐ này đã nộp hồ sơ đăng ký việc làm”.

Tại xã Đồng Lợi có hơn 100 LĐ trở về từ vùng dịch. Sau khi hoàn thành cách ly y tế, hơn 60% số này đã nộp hồ sơ xin việc tại Công ty TNHH Dream F ViNa đóng trên địa bàn. Số còn lại có nhu cầu học nghề giày da tại Công ty TNHH giày Venus Việt Nam và đi làm LĐ tự do. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, xã chỉ đạo các thôn thống kê, rà soát nhu cầu việc làm, học nghề và vay vốn phát triển sản xuất của người LĐ. Theo ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đồng Lợi: “Ngoài Công ty may Dream F ViNa, trên địa bàn xã còn có 5 công ty xây dựng. Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp này để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, từ đó tuyên truyền, thông tin tới người LĐ. Trong tình hình hiện nay, việc làm đối với người LĐ từ vùng dịch trở về hết sức cần thiết. Quan điểm của địa phương, bằng mọi cách phải tạo sự ổn định về thu nhập cho họ”.

Cũng như nhiều địa phương khác, UBND xã Yên Thọ (Như Thanh) đã đấu mối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương để giải quyết việc làm cho người dân về từ vùng dịch. Tính đến ngày 7-10, xã có 1.795 LĐ hồi hương. Hiện 2/3 số này đã đi làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ: “Đối với LĐ nữ, chúng tôi đấu mối với các công ty giày da, may mặc. Đối với LĐ nam, đa phần là thợ xây, nên xã đã liên lạc với một số công ty xây dựng ở Nông Cống, TP Thanh Hóa có chủ là người Yên Thọ để giới thiệu việc làm cho họ”.

Đến nay, Như Thanh có gần 10.000 LĐ trở về từ vùng dịch, trong đó LĐ ở các tỉnh phía Nam chiếm hơn 7.000 người. Theo rà soát, có gần 2.000 LĐ có nhu cầu việc làm. Các phương án ngắn hạn, dài hạn đối với người dân về từ vùng dịch đã được huyện xây dựng. Phương án trước mắt, ngay sau khi hoàn thành việc cách ly, người LĐ phải đảm bảo được lương thực. Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho rằng: “Miền núi với đất đai, ruộng nương nhiều nên vấn đề đầu tiên là tăng gia sản xuất. Không có lúa gạo sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Mọi năm vụ đông không được quan tâm vì bà con làm không có lãi, nhưng năm nay huyện đã chỉ đạo làm”.

Về phương án dài hạn, bà Hoa cho biết, huyện đã làm việc với Công ty TNHH giày Akalia Việt Nam, đóng trên địa bàn huyện. Doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển thêm 1.000 LĐ. Bên cạnh đó, 5 xí nghiệp may gia công ở huyện cũng góp phần tạo việc làm cho người LĐ trở về từ vùng dịch.

Theo thống kê của huyện Ngọc Lặc, đến ngày 7-10, huyện có 7.558 LĐ trở về địa phương. Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ngọc Lặc cho hay: “Nhu cầu việc làm của người LĐ nhiều ở các ngành nghề: điện tử, giày da. Nhưng trên địa bàn huyện lại chưa có doanh nghiệp nào hoạt động ở các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp ở huyện là nhỏ, phải hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch, nên nhu cầu tuyển dụng còn hạn chế. Chúng tôi cũng đã phối hợp với một số doanh nghiệp để tư vấn việc làm trong và ngoài nước cho người LĐ trở về từ vùng dịch. Hiện đã có nhiều dấu hiệu tích cực”.

Ưu tiên những người về từ vùng dịch

Để tạo điều kiện cho người LĐ trở về từ vùng dịch có cơ hội tìm việc làm, sớm ổn định cuộc sống, có sự đóng góp vai trò quan trọng của doanh nghiệp. Ngược lại, người LĐ về từ vùng dịch đã hoàn thành cách ly là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp bổ sung số LĐ đang cần.

“Chúng tôi sẵn sàng đón nhận số LĐ từ các tỉnh phía Nam, phía Bắc trở về. Không chỉ đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người LĐ mà đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch trong lúc này là rất cần thiết. Vì vậy, 100% số LĐ từ vùng dịch vào làm việc tại công ty đã được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19”, ông Trần Văn Ái, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty TNHH Dream F ViNa, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn) cho biết.

Từ phía Công ty TNHH giày Akalia Việt Nam, xã Hải Long (Như Thanh), chia sẻ của bà Phạm Thị Thắm, Chủ tịch Công đoàn: “Từ nay đến cuối năm, công ty còn tuyển hơn 1.000 LĐ. Sang năm 2022 tuyển khoảng 4.000 LĐ. Hiện đối với LĐ từ vùng dịch về đã hoàn thành cách ly, công ty tiếp nhận hơn 500 hồ sơ vào làm trực tiếp. Đây là tín hiệu rất khả quan”.

Theo bà Bùi Thị Bình, Phó quản đốc Công ty TNHH giày Kim Việt, thị trấn Nông Cống (Nông Cống) thì: “Chúng tôi không phân biệt miền trong hay ngoài, vì nhu cầu tuyển dụng của công ty lúc nào cũng có. Nộp hồ sơ là công ty tiếp nhận. Chúng tôi rất mong chờ người LĐ trở về từ vùng dịch vào làm việc, vì họ là những người đã có tay nghề”.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo an sinh xã hội cho người LĐ về từ vùng dịch là vấn đề khó. Dù khó khăn, song, cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp và đạt hiệu quả bước đầu, tạo điều kiện cho người LĐ yên tâm làm việc trên mảnh đất quê nhà.

Theo số liệu báo cáo cập nhật của UBND các huyện, thị xã, thành phố, số người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27-4-2021 đến ngày 7-10 là trên 185.700 người (với trên 6.500 trẻ em). Tổng số LĐ có nhu cầu việc làm và học nghề: 26.800 LĐ. Trong đó, số LĐ có nhu cầu việc làm: 25.500 người. Đến ngày 5-10, nhu cầu cần tuyển dụng LĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 50.000 người, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]