(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngư dân vùng biển xứ Thanh bắt đầu mùa đi biển mới, với lòng quyết tâm bám giữ ngư trường, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo quê hương, Tổ quốc.

Vươn khơi đón lộc xuân

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngư dân vùng biển xứ Thanh bắt đầu mùa đi biển mới, với lòng quyết tâm bám giữ ngư trường, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo quê hương, Tổ quốc.

Vươn khơi đón lộc xuânUBND huyện Hoằng Hóa phối hợp với Đồn Biên phòng Hoằng Trường, cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Trường, Hoằng Phụ trao ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và quà cho ngư dân trong chuyến vươn khơi đầu tiên của năm Quý Mão 2023. Ảnh: Hải Chuyền (BĐBP Thanh Hóa)

Lộc của biển

Với những ngư dân vùng biển Ngư Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc), Quảng Tiến, Quảng Cư (Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương), Hoằng Trường, Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Hải Bình, Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn)… thì việc chọn ngày xuất hành vươn khơi vào dịp đầu năm mới là việc quan trọng. Vì vậy, vào dịp đầu năm mới, ngư dân sẽ chọn ngày đẹp làm lễ “mở biển”, tiến hành những thủ tục xuất bến tượng trưng lấy ngày may mắn đầu năm, với ước mong một mùa đánh bắt bội thu.

Sau thời gian vui xuân, đón tết, ngư dân ven biển lại hối hả “mở biển” chuẩn bị mùa đánh bắt mới. Ngay sau tục lệ “mở biển”, những con tàu đánh cá của ngư dân bắt đầu lướt sóng ra khơi. “Mở biển” là một tục lệ đẹp có từ lâu đời của ngư dân. Tục lệ “mở biển” mang ý nghĩa của “lễ xuất quân” cho một mùa vụ mới. Với ngư dân, ngày “mở biển” vô cùng quan trọng bởi những chuyến đi biển đầu năm bao giờ cũng chở nặng ước mong của cả dân làng, mong trời yên biển lặng, tàu thuyền đánh bắt được nhiều cá, tôm, ngư dân như càng được tiếp thêm sức mạnh trong công cuộc chinh phục biển khơi, bảo đảm hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản.

Anh Lường Ngọc Phương, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), cho biết, trước giờ xuất bến, chủ tàu thường làm lễ cúng cá Ông, cúng thuyền, cúng bến. Trên tàu của mỗi ngư dân đều có ban thờ, cúng xuất bến đầu chuyến ra khơi là cúng vị thần canh bến. Nếu như cá Ông che chở, bảo vệ cho ngư dân trên biển, thì thần canh bến bảo vệ cho tàu thuyền an toàn khi neo đậu. Vì vậy, khi rời đi, ngư dân sắm sửa lễ vật để cảm ơn thần canh bến và cầu mong bình an, may mắn cho chuyến đi. Giờ khởi hành được ngư dân mặc định phải là giờ hơn theo quan niệm “đi hơn, về kém” của cha ông.

Tại cảng cá xã Quảng Nham (Quảng Xương) những ngày đầu năm nhiều phương tiện đi nghề lộng như mành, lưới đã bắt đầu phiên mở biển. Ngư dân khẩn trương chuẩn bị đầy đủ ngư lưới cụ, hàng hóa, đá lạnh, xăng dầu… cho một chuyến đánh bắt đầu năm thuận buồm, xuôi gió.

Tại huyện Hoằng Hóa, vào dịp đầu xuân mới, hàng trăm ngư dân tại các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh phấn khởi ra khơi. Thời tiết thuận lợi nên ngay trong những ngày đầu năm mới, ngư dân cũng đã trúng đậm những mẻ cá khoai, tôm tít, tôm bột và bán được với giá cao hơn ngày thường. Nhiều ngư dân phấn khởi sau một chuyến biển đầu năm đã thu về một khoản kha khá trang trải cuộc sống sau tết. Không những thế, hải sản sau tết bán lại được giá, khi cập bến những mẻ cá khoai, tôm tít đã có sẵn các thương lái ngồi đợi mua trên bờ. Theo quan niệm của người dân vùng biển, đầu năm mua được những con cá của phiên mở biển thì sẽ gặp nhiều may mắn.

Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngư dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) nhộn nhịp chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm vươn khơi bám biển. Xã Ngư Lộc hiện có 327 phương tiện tàu cá với tổng công suất 70.671 CV. Tổng số lao động nghề cá tham gia khai thác hải sản trên biển 2.546 người.

Lựa chọn xuất hành sau ngày rằm tháng giêng, anh Dương Văn Huy, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), cho biết: Để cầu mong mùa đi biển “thuận buồm xuôi gió”, đánh bắt được nhiều tôm cá thì việc làm lễ cúng thuyền đầu năm rất quan trọng. Lễ vật đầu năm cúng tàu, chuẩn bị vươn khơi là xôi, gà, tôm, cá, hoa quả, trầu cau. Sau khi “thụ lộc” chúng tôi cùng nhau ăn uống, cầu chúc năm mới đi biển thuận lợi, bội thu.

Sinh năm 1996, anh Huy đã có 5 năm đi biển, là chủ tàu kiêm luôn thuyền thưởng. Mỗi chuyến ra khơi anh có 7 lao động đồng hành, chi phí mỗi chuyến bao gồm dầu, thực phẩm khoảng 60 triệu đồng, tiền công khoảng 10 triệu đồng/người. Với anh Huy và những ngư dân vùng biển thì nghề đi biển không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động mà còn tự hào bởi góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Vươn khơi đón lộc xuânTàu thuyền của ngư dân vùng biển Ngư Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc) trở về sau chuyến vươn khơi bám biển. Ảnh: N.H

Còn đối với ngư dân Lê Văn Hai (xã Quảng Nham, Quảng Xương) thì năm nào cũng vậy, vào dịp đầu năm mới, anh không chỉ làm thủ tục cúng tàu, cầu mong một năm đi biển bình an, thuận lợi, thu được nhiều tôm cá mà anh còn treo hai lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi và mui thuyền. “Cờ tung bay trong gió như thêm ý chí cho mình vững tâm ra khơi”, anh Hai cho biết.

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển còn là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của lực lượng bộ đội biên phòng… Vì vậy, vào dịp đầu năm mới, hoạt động trao ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc cho ngư dân thật ý nghĩa, thiêng liêng. Năm nay, vào ngày 31-1 (tức ngày 10 tháng Giêng Xuân Quý Mão 2023), tại Lạch Trường và Lạch Hới, UBND huyện Hoằng Hóa đã phối hợp với Đồn Biên phòng Hoằng Trường (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa), cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Trường, Hoằng Phụ tổ chức trao ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc và quà cho 120 phương tiện đánh bắt hải sản trong chuyến vươn khơi đầu tiên của năm mới. Qua đó kịp thời động viên, khuyến khích Nhân dân có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, vươn khơi, bám biển. Cùng với hoạt động trao ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc, đây cũng là dịp tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân, chủ tàu cá trên địa bàn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Các ban quản lý cảng cá tại các huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn… phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền, công an địa phương thường xuyên kiểm tra nhắc nhở chủ phương tiện tàu thuyền đề cao cảnh giác việc quản lý tài sản, quản lý thuyền viên, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, đảm bảo không để xảy ra cháy nổ trong khi neo đậu cũng như mọi sinh hoạt trong cảng. Đồng thời, tại khu vực cảng cá bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ hướng dẫn tàu thuyền vào ra khu vực cầu cảng để bốc dỡ sản phẩm, tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm, tránh ùn tắc, gây mất an ninh trật tự.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]