(vhds.baothanhhoa.vn) - Có lẽ trong thời điểm đại dịch bùng nổ và ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay, các mẹ bầu đã và sắp sinh là những người “nóng ruột” nhất. Bởi, bên cạnh những biến chứng sản khoa nguy hiểm, mẹ bầu còn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho mẹ và con. Vì thế, sinh con mùa dịch, sản phụ và người nhà cần tuân thủ quy tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế để việc sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông.

Vượt cạn mùa dịch

Có lẽ trong thời điểm đại dịch bùng nổ và ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay, các mẹ bầu đã và sắp sinh là những người “nóng ruột” nhất. Bởi, bên cạnh những biến chứng sản khoa nguy hiểm, mẹ bầu còn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho mẹ và con. Vì thế, sinh con mùa dịch, sản phụ và người nhà cần tuân thủ quy tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế để việc sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông.

Vượt cạn mùa dịch

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều sản phụ lo lắng cho lần vượt cạn của mình.

Những em bé chào đời mùa dịch COVID-19

Khi cả nước đang chiến đấu với đại dịch COVID-19 thì các sản phụ cùng với đội ngũ y, bác sĩ sản khoa cũng cố gắng hết sức để “mẹ tròn con vuông”. Đến Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa vào những ngày này, không khí không còn đông đúc, ngộn nhịp như trước vì lượng bệnh nhân đến khám thai giảm. Nằm trong nhóm dễ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhiều thai phụ e dè, trì hoãn thăm khám, dẫn đến những ca sinh “bất đắc dĩ”. Thực tế, có nhiều thai phụ đã vỡ ối trước khi vào viện. Vì thế, không khí bên trong bệnh viện cũng không vơi phần căng thẳng.

Ở phòng chờ sinh, phòng mổ, không khó bắt gặp những ánh mắt lo lắng, mỏi mệt của sản phụ qua lớp khẩu trang. Nhiều sản phụ dõi mắt nhìn ra cửa, chốc chốc lấy tay xoa lên bụng để cảm nhận đứa con đang khỏe mạnh và lớn dần lên, vừa như nhắn nhủ với con cùng mẹ cố gắng “vượt cạn” thành công. Thạc sĩ, Bác sĩ, Mai Quang Trung (Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa), chia sẻ: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tâm lý các sản phụ ảnh hưởng. Họ vừa phải đề phòng dịch bệnh, vừa phải cố gắng bảo vệ đứa con trong bụng bình an ra đời. Đội ngũ y tế luôn quan tâm sát sao, lắng nghe và chia sẻ với sản phụ để giúp họ ổn định tâm lý, cung cấp kỹ năng cần thiết và nhắc nhở những nguyên tắc cơ bản để tránh nhiễm bệnh. Mỗi phòng đều có số điện thoại nhân viên y tế, người bệnh có nhu cầu gì chúng tôi sẽ hỗ trợ tận tình”.

7 giờ sáng, bệnh viện tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Ngọc ở huyện Hậu Lộc khi tử cung đã mở 4cm. Chị Ngọc đau bụng từ giữa đêm nhưng vì đang ở một mình nên đợi đến sáng, chị mới nhờ hàng xóm đưa đến Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa. Chỉ trong vòng ít phút khi bệnh nhân nhập viện, rất khẩn trương và nhanh chóng, tập thể y, bác sỹ, hộ sinh đã kịp thời đỡ đẻ, giúp sản phụ mẹ tròn con vuông. Nghe tiếng con khóc, đặc biệt lại đi sinh một mình vào đúng mùa dịch nên chị Ngọc càng xúc động hơn bao giờ hết. Chị hạnh phúc nhìn ngắm con yêu không rời mắt dù mới trải qua ca vượt cạn.

Được biết, do đặc thù công việc, chồng chị đi biển không kịp về khi vợ chuyển dạ. Biết được hoàn cảnh của chị, các y, bác sĩ ở Bệnh viện đã hỗ trợ, chăm sóc tích cực cho 2 mẹ con. Chị Ngọc bày tỏ: “Lúc chuyển dạ, tôi rất lo lắng và khóc nhiều, không biết sẽ phải xoay sở như thế nào. Thật may bệnh viện đã đón nhận và giúp tôi mẹ tròn con vuông. Lúc bác sĩ ẵm con trai nặng 3 kg tới bên mình, tôi đã khóc vì hạnh phúc. Tôi muốn gọi điện cho chồng để báo tin vui nhưng trên biển không có sóng điện thoại. Gia đình chúng tôi cảm ơn đội ngũ bác sỹ, nữ hộ sinh và bệnh viện rất nhiều”.

Trước đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa cũng đã mổ bắt con thành công cho trường hợp sản phụ thai to, con nặng gần 4 kg. Điều đặc biệt, đây cũng là mẹ bầu đi sinh một mình vì chồng công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang trực chiến phòng, chống dịch.

Sản phụ có sức khỏe không tốt, gầy yếu hơn hẳn so với tiêu chuẩn thai phụ. Chồng sản phụ tính xin nghỉ phép trước 1 tháng đưa vợ và con nhập viện theo dõi, tuy nhiên, người tính không bằng virus Sars-CoV-2 tính. Chưa kịp đến lịch nghỉ phép thì dịch bùng phát, thành phố và nhiều huyện trong tỉnh thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt, người chồng phải ở lại đơn vị trực chiến. Sản phụ trở dạ bất ngờ, người thân dưới quê vướng giãn cách không thể lên hỗ trợ nên bệnh viện phải chủ động toàn bộ.

Bác sĩ Trung chia sẻ: “Trong thời gian trước, trong và sau giãn cách xã hội, bệnh viện đón nhiều sản phụ đi sinh một mình do nhiều lý do… Để sản phụ và các gia đình yên tâm, bệnh viện luôn cắt cử nhân viên, hộ sinh chăm sóc từng bữa ăn, giúp đỡ các sinh hoạt hàng ngày và động viên tinh thần cho sản phụ. Vì thế, các sản phụ không nên quá lo âu, ảnh hưởng sức khỏe bản thân và con”.

Lãnh đạo bệnh viện cũng thường xuyên nhắc nhở nhân viên phải ân cần quan tâm chăm sóc bệnh nhân, động viên họ.

Luôn trong tâm thế sẵn sàng

Bế bé Coca trên tay đầy âu yếm, chị Trần Thị Thanh Tâm ở TP Thanh Hóa đón nhận con yêu thứ 2 đúng vào lúc dịch bùng phát. Khác hẳn với lần đầu, chị ví von lần mang thai và đến viện sinh mổ này “đầy sóng gió”. Bởi cứ mỗi một giai đoạn dịch bệnh COVID-19 khác nhau, để đảm bảo an toàn, chị lại lên một phương án đi khám, đi sinh mới. Ngay từ tháng 8-2021, khi dịch bệnh phức tạp, chị quyết định đến khám định kỳ và làm hồ sơ sinh bé tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa.

Lý giải về sự lựa chọn này, chị Tâm cho hay: “Thời điểm dịch bệnh căng thẳng như thế này, vợ chồng tôi lựa chọn cơ sở y tế dựa trên 2 tiêu chí áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ và chuyên môn cao để đi khám thai và sinh nở.

Lúc đến viện, tôi và chồng cần xét nghiệm COVID-19 âm tính để được nhập viện và làm thủ tục khi sinh. Vì đảm bảo phòng dịch nên chỉ có 1 người được vào chăm sóc. Ban đầu tôi rất sợ cảm giác trống vắng, sợ rằng chồng xoay sở một mình không thể chăm nổi 2 mẹ con. Nhưng thực tế là, các nhân viên y tế, nữ hộ sinh, điều dưỡng của Bệnh viện vừa làm chuyên môn, vừa làm người nhà, người thân để cùng chồng chăm sóc mình và em bé khi chào đời”.

Vượt cạn mùa dịch

Bệnh viện Phụ sản luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó với dịch bệnh

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Quang Trung, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, trong đó có sản phụ, ngay thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4, bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp để sàng lọc, hạn chế thấp nhất tình trạng F0 vào bệnh viện.

Cán bộ y tế, người nuôi bệnh và bệnh nhân xét nghiệm 3 ngày/lần và đo thân nhiệt hàng ngày…Đồng thời, tại bệnh viện cũng đã thành lập khu vực cách ly, phòng mổ riêng, chăm sóc và đỡ đẻ dành cho những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 và xác định F0; xây dựng kịch bản cho các tình huống xấu xảy ra.

Theo quy định thì sản phụ đi sinh chỉ được một người chăm sóc và không được đổi vì liên quan đến quy trình khám sàng lọc COVID-19 nên bản thân bác sĩ, nhân viên y tế, nữ hộ sinh, điều dưỡng vừa làm công tác chuyên môn, vừa thực hiện vai trò người thân để chăm sóc sản phụ, em bé mới chào đời. Tuy nhiên, có những người chồng mệt mỏi, chăm vợ con cả tuần không được ngủ đòi đổi cho bà vào chăm, thậm chí nằng nặc đòi đổi kêu ốm, mệt, ở ngoài nhân viên đang chờ xử lý việc… khi đó, các y, bác sĩ phải ngồi lại, giải thích, thấu hiểu từng trường hợp làm sao giải quyết ổn thoả, thậm chí phải linh động đổi người chứ không thể cứng nhắc.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều thai phụ ở vùng dịch không trực tiếp tới được bệnh viện, may mắn cũng đã nhận được sự tư vấn từ xa của đội ngũ y, bác sĩ sản khoa. Đường dây nóng của bệnh viện cũng hoạt động hết công suất, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà các bước đăng ký tư vấn. Yêu cầu bệnh nhân nói rõ tình trạng bệnh, đang uống thuốc gì, ở khu vực nào, số điện thoại liên hệ. Đồng thời lưu ý bệnh nhân phải nghe tư vấn từ chính chuyên gia cho trường hợp của mình. Không lấy công thức điều trị của bệnh nhân khác để áp dụng cho mình, vì mỗi trường hợp tình trạng bệnh không giống nhau.

Người xưa nói “sinh được một con mất một hòn máu”, dù sinh mổ hay sinh thường đều có những khó khăn với sản phụ và bác sĩ. Bằng cả tấm lòng, đội ngũ y, bác sỹ, nữ hộ sinh, điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã cưu mang, chăm sóc sản phụ và con thơ của họ như chính người thân của mình. Giữa tâm dịch COVID-19, tình người và y đức của những “chiến sỹ áo trắng” vẫn luôn tỏa sáng.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]