(vhds.baothanhhoa.vn) - Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nhiều trường học loay hoay với thẻ BHYT học sinh. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã vượt khó để thực hiện...

Vượt khó đối với BHYT học sinh...

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), nhiều trường học loay hoay với thẻ BHYT học sinh. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã vượt khó để thực hiện...

Vượt khó đối với BHYT học sinh...Học sinh Trường TH Hải Thanh trong giờ chào cờ đầu tuần. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Từ cấp sang mua...

Năm 2020, phường Hải Thanh và một số xã, phường khác ở thị xã Nghi Sơn ra khỏi diện ĐBKK. Theo đó, các chính sách hỗ trợ đầu tư sẽ không còn được hưởng như trước đây. Đặc biệt, với đối tượng học sinh, việc tham gia BHYT hết sức khó khăn vì từ chỗ được cấp chuyển sang mua là cả vấn đề. (Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 25-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020).

Nhớ lại câu chuyện khó này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Hải Thanh, Lê Thế Hạnh vẫn còn lộ rõ những băn khoăn bởi đây là một trong những trường khó khăn nhất của thị xã. “Khi người dân không còn hỗ trợ của Nhà nước, thực sự có nhiều hụt hẫng. Phần lớn các gia đình đều đông con nên với họ, đây là một áp lực rất lớn. Việc tham gia BHYT của học sinh, nhiều trường hợp, giáo viên phải xuống trực tiếp đến hộ gia đình, gặp phụ huynh tuyên truyền, vận động... Đến cuối năm 2021, tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh nhà trường đạt 95% là sự cố gắng vượt bậc...”, hiệu trưởng Lê Thế Hạnh cho biết.

Năm 2019, xã Nga Thủy và Nga Tiến (Nga Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới, theo đó 2 xã cùng ra khỏi vùng ĐBKK. Một trong những bài toán đối với 2 xã này đó là số học sinh tham gia BHYT giảm mạnh. Tại Trường THCS Nga Tiến, năm đầu tiên ra khỏi vùng ĐBKK số học sinh tham gia BHYT chỉ dừng ở 32%. Thầy Mai Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Nga Tiến, chia sẻ: “Năm đầu tiên là năm khó nhất vì thực tế, ra khỏi vùng bãi ngang nhưng khó khăn với người dân vẫn còn nhiều, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề thủ công truyền thống và đi biển. Một số hộ dân, dân trí chưa cao, sinh đẻ nhiều con dẫn đến thiếu thốn cả tinh thần cũng như vật chất... Từ chỗ chỉ trên 30%, những năm sau này tỷ lệ BHYT trên 80%, đạt được kết quả này là cuộc hành trình vượt khó, sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị...”.

Để khó thành thuận...

Năm 2020, sau khi thành lập thị xã Nghi Sơn thì 13 xã bãi ngang ven biển, 2 xã 135 và 3 xã miền núi thấp của thị xã không còn nằm trong danh sách xã ĐBKK. Với đối tượng học sinh đã có những thay đổi lớn về các khoản đóng góp, trong đó có tâm lý trì hoãn việc tham gia BHYT cho con của một bộ phận gia đình học sinh. Theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Nghi Sơn, để đạt mục tiêu 100% học sinh tham gia BHYT, thị xã Nghi Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tăng cường công tác tuyên truyền vận động. Bà Vân cho biết: “Đối với ngành giáo dục, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động học sinh, thị xã đã giao chỉ tiêu học sinh tham gia BHYT cho từng đơn vị nhà trường gắn với trách nhiệm cá nhân của các đồng chí cán bộ quản lý đơn vị. Kết quả, hiện nay công tác BHYT học sinh trên địa bàn thị xã về cơ bản đang đáp ứng yêu cầu chung”.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT Nga Sơn, phòng đã gắn việc tham gia BHYT với nhiệm vụ chính trị của các trường học trong việc chung tay xây dựng huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, gắn việc động viên học sinh tham gia BHYT, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT trong đánh giá thi đua hàng năm. Ông cho biết: “Về phía các nhà trường, đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương tuyên truyền, động viên từng gia đình học sinh tham gia BHYT. Đồng thời, cử cán bộ theo dõi, đánh giá hàng tháng tỷ lệ tham gia của học sinh các lớp, kịp thời động viên tuyên truyền học sinh thông qua các hoạt động tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp nhằm làm lan tỏa ý nghĩa của việc tham gia BHYT...”.

Ra khỏi vùng ĐBKK, không còn chính sách hỗ trợ đầu tư, như câu chuyện về BHYT học sinh là ví dụ, từ chỗ cấp sang mua, cũng là một sự thay đổi lớn nhưng với nhiều giải pháp, cách làm, nhiều địa phương, trường học đã vượt khó thành công...

Anh Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]