(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là lời khuyên của Lê Trương Trường ở thôn Trung Thượng, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) dành cho các bạn trẻ đang mong muốn khởi nghiệp. Trường đã từ bỏ việc nhẹ, lương cao theo đuổi ước mơ khởi nghiệp nơi quê nhà và thành công với sản phẩm đông trùng hạ thảo (ĐTHT).

Tuổi trẻ hãy dũng cảm khởi nghiệp

Đó là lời khuyên của Lê Trương Trường ở thôn Trung Thượng, xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) dành cho các bạn trẻ đang mong muốn khởi nghiệp. Trường đã từ bỏ việc nhẹ, lương cao theo đuổi ước mơ khởi nghiệp nơi quê nhà và thành công với sản phẩm đông trùng hạ thảo (ĐTHT).

Tuổi trẻ hãy dũng cảm khởi nghiệpLê Trương Trường với mô hình nuôi trồng ĐTHT.

Chàng thanh niên Lê Trương Trường là một trong những gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa, thành công của mô hình đã truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ trên địa bàn. Hiện tại, Trường đã xây dựng xưởng sản xuất khép kín với diện tích 125m2 gồm: 1 phòng vô trùng, 1 phòng lạnh, phòng cấy nấm. Tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng.

Trên con đường 6 năm khởi nghiệp, theo Trường lúc khó khăn nhất là quyết định từ bỏ công việc kỹ sư tại Nhà máy Sam Sung Thái Nguyên cùng mức lương 20 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm năm 2016, mức lương này là điều mơ ước với nhiều thanh niên, nhất là với những sinh viên mới ra trường. Quyết định đó của Trường vấp phải phản ứng dữ dội của cha mẹ, bạn bè vì lý do “may mắn lắm mới tìm được công việc lương cao như thế, nghĩ sao lại bỏ. Có biết bao nhiêu thanh niên về quê khởi nghiệp rồi thành thất nghiệp không?”. Không ít bạn bè của Trường từng khởi nghiệp thất bại, bản thân Trường cũng hiểu rõ con đường khởi nghiệp nhiều chông gai trong đó Trường phải đóng tất cả các vai từ quản lý, hoạch toán kinh tế, tìm kiếm thị trường, đầu vào sản phẩm... là một kỹ sư liệu bản thân Trường có đủ sức “bật” để kinh doanh, trong khi lĩnh vực khởi nghiệp Trường chọn hoàn toàn không phải chuyên môn của anh. Chưa kể tại thời điểm đó, ĐTHT là sản phẩm mới với người tiêu dùng, ở vùng ven biển Hoằng Hải thì thanh niên chủ yếu lập nghiệp bằng nghề đánh bắt hải sản và đi làm ăn xa, rất ít mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công.

Tuy nhiên, những nghi ngại của mọi người, nỗi lo lắng trong lòng Trường cũng phải lùi bước trước khát khao được khẳng định bản thân, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2017, Trường viết đơn xin nghỉ việc.

Sau khi nghỉ việc, Trường lên Lai Châu học nghề nuôi ĐTHT. Năm 2018, Trường về quê mở xưởng sản xuất. Đây cũng năm Trường nhận cú sốc khởi nghiệp, những lứa nuôi cấy đầu tiên không đạt chất lượng. Nguyên nhân là do Trường áp dụng công thức cứng nhắc của thầy dạy mà không căn cứ vào điều kiện khí hậu, nguồn nước tại địa phương, cùng với việc thiếu kinh nghiệm sản xuất khiến anh mất đi hơn 250 triệu. Những tưởng phải bỏ việc giữa chừng nhưng một lần nữa nhiệt huyết của tuổi trẻ tiếp tục là động lực để Trường cố gắng vươn lên. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, cân đối lại nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... trong từng giai đoạn phát triển của quy trình nuôi trồng, Trường dần hoàn thiện công thức nuôi ĐTHT của riêng mình, phù hợp trên quê hương Hoằng Hải. Thành công đầu tiên đã đến với Trường khi giống bắt đầu lan tơ, mọc rễ, rồi những chồi đầu tiên bắt đầu mọc thành cây, lúc đó Trường đã khóc vì mừng, vì mình đã chinh phục được loại cây “thần dược” này.

Tuổi trẻ hãy dũng cảm khởi nghiệpNhộng đông trùng.

Đây là mô hình khởi nghiệp đầu tiên về nuôi trồng ĐTHT của huyện Hoằng Hóa. Hiện tại, mỗi lứa nuôi Trường duy trì số lượng khoảng 4.000 lọ, đạt tỷ lệ sống từ 70-90%. Sau thời gian nuôi 3 tháng, anh thu hoạch được 14-16 kg ĐTHT sấy khô. Như vậy, với giá bán 40 triệu đồng/kg thì mỗi lứa có tổng doanh thu từ 560 đến 640 triệu đồng, lợi nhuận đạt 100 đến 150 triệu đồng/lứa.

Nói về quy trình nuôi ĐTHT, Trường nói say sưa: Quá trình ban đầu nuôi cấy, cá thể phải đảm bảo chất lượng. Các giá thể nhỏ sẽ được cho vào các lọ nhỏ để cấy giống, sau đó đưa vào hấp vô trùng với nhiệt độ >1.200 - 1500 độ C trong khoảng 90 phút. Để nguội sẽ được cấy truyền giống ĐTHT rồi đưa vào ủ trong phòng tối từ 5-7 ngày. Đến khi trong các lọ được cấy giống bắt đầu mọc tơ nấm thì đem ra kích sách, nuôi trồng trong phòng kín với nhiệt độ 17-22 độ C, độ ẩm 70-80%. Sau hơn 2 tháng sẽ có sản phẩm ĐTHT hoàn thiện. Trong đó, khâu làm giống quyết định tới 70% tỷ lệ thành công. Nuôi ĐTHT vừa dễ lại vừa khó. Khó vì đây là loại thảo mộc thường sống trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm, nên đảm bảo nhiệt độ, dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp không phải dễ. Bất kể khâu nào trong từng giai đoạn cũng phải chăm sóc kỹ càng.

Hiện tại, ĐTHT Minh Trường có các loại tươi, sấy khô, ngâm rượu, trà và nhộng trùng thảo (ĐTHT cao cấp cấy trực tiếp trên con nhộng tằm). Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội. Tới đây, Trường tiếp tục đầu tư máy móc trang thiết bị nhằm cho ra đời sản phẩm mới, tinh chế từ ĐTHT.

Đến nay, Trường là niềm tự hào của gia đình, là tấm gương sáng thanh niên khởi nghiệp từ làng. Trường cho biết: “Rất nhiều bạn bè Trường mong ước được về quê khởi nghiệp, được cống hiến cho quê hương nhưng rào cản bởi cuộc sống, áp lực phải thành công khiến nhiều người không thể “xé rào”. Từ bản thân mình, tôi ủng hộ những ai dám về quê khởi nghiệp. Có thể họ chưa thành công nhưng họ đã dũng cảm tạo con đường đi của riêng mình”.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]