(vhds.baothanhhoa.vn) - Thôn Bất Động thuộc xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) có một phần của núi Văn Trinh, có sông Lý và sông Hoàng chảy qua. Địa thế núi không cao, sông không rộng ấy đã góp phần điểm xuyết phong cảnh của một vùng quê “sơn thủy hữu tình”.

Đổi thay ở thôn Bất Động

Thôn Bất Động thuộc xã Quảng Ngọc (Quảng Xương) có một phần của núi Văn Trinh, có sông Lý và sông Hoàng chảy qua. Địa thế núi không cao, sông không rộng ấy đã góp phần điểm xuyết phong cảnh của một vùng quê “sơn thủy hữu tình”.

Đổi thay ở thôn Bất ĐộngĐình làng Bất Động - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (ảnh trái). Nơi bảo tồn cổ vật của làng Bất Động (ảnh phải).

Quảng Ngọc là vùng đất chuyên canh mỗi năm hai vụ lúa, người dân sống bằng nghề đồng ruộng là chính. Một đặc điểm rất dễ nhận ra ở Quảng Ngọc là các làng xưa thường cách nhau một cánh đồng và đều có lũy tre bao bọc xung quanh, có điếm canh đầu làng và người dân cùng ăn chung một giếng nước. Vì thế bao xung quanh các làng như: Tam Uy, Kỳ Vỹ, Bất Động, Gia Đại, Yên Lãng, Gia Hẵng, Xuân Mộc, Xuân Thắng... là không gian ruộng đồng bát ngát.

Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Ngọc (1947-2015) có viết: Tất cả các thôn làng của xã đều đậm đà hồn quê thiêng liêng của dân tộc. Bởi lẽ, sự có mặt của con người nơi đây qua nhiều thế hệ đã dựng nên vùng đất màu mỡ với những xóm làng trù mật, đông vui tạo thành thế trận liên hoàn trong sản xuất, chiến đấu và đã bồi đắp được tinh thần lao động đấu tranh kiên cường với sức sáng tạo văn hóa phong phú.

Nhắc đến xã Quảng Ngọc là nhắc đến lịch sử hào hùng và những đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nhân dân và các lực lượng vũ trang xã Quảng Ngọc đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; và gần 500 huân chương, huy chương các loại. Đặc biệt là sự hy sinh của 230 liệt sĩ, chủ yếu ở độ tuổi 20 - 30.

Vượt qua những đau thương, mất mát trong chiến tranh, người Quảng Ngọc đã vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Theo chân anh Nguyễn Đức Thắng, công chức văn hóa xã hội xã Quảng Ngọc, chúng tôi về làng Bất Động. Giữa không gian hiện đại, ở cái thế “tĩnh”, ngôi làng như nét trầm đẹp trong một bản nhạc văn hóa truyền thống.

Trước năm 1820, làng được gọi là làng Tạnh, sau đổi thành làng Tĩnh. Và từ năm 1850 đến nay mang tên là làng Bất Động. Theo lý lịch làng thì từ thuở xưa nơi đây rất rậm rạp, đất đai nổi lên với những tên gọi như cồn mả Chùa, cồn Nghè, giếng Tự, bái Ông Bục, bái Núng, mả Trường, cồn Làu, bái Cử, bái Chim, bái Quan, cồn Lộ, cồn Giếng, cồn Hổ, cồn Làng, bái Noi... Xung quanh làng có tới 10 cây đa: đa Nung, đa Bái Quan, đa Nghè, đa Gia Nhón, đa Quán, đa Văn Chỉ, đa Oải... làm mốc ranh giới với các làng khác.

Làng có 12 dòng họ, đó là họ Nguyễn, Ngô, Đỗ, Vũ, Phạm... sống trong sự đoàn kết, sẻ chia. Dưới thời phong kiến, các gia đình khá giả trong làng đã cho con cái đi học. Nhiều người ứng thí đỗ đạt làm quan cấp phủ, huyện. Một số thi hỏng các kỳ thi tam trường lần lượt về mở lớp dạy học như ông Đỗ Thế Đởn, Đỗ Thế Bệ, Nguyễn Văn Lễ, Nguyễn Văn Kê... Có thời điểm, làng có tới 5 lớp dạy chữ Nho, đào tạo hàng chục nho sinh trong vùng. Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), trong làng có ông Nguyễn Đình Cự được phong Tráng tiết tướng quân, ông Nguyễn Trọng Văn được phong Khả vị liệt trung tướng quân...

Ngày nay, ngoài các trang sử chép lại truyền thống văn hóa làng, hay qua lời kể của các bậc cao niên thì đình làng Bất Động là “chứng nhân” với ăm ắp những câu chuyện xưa và nay.

Đình được tọa lạc trên một thế đất hình linh quy (rùa) vờn nước. Kiến trúc đình 3 gian 2 chái, có 3 cột đá tứ diện chạm trổ hoa văn. Người xưa đã khắc vào 4 mặt của cột đá bảy mươi sáu chữ Hán với nội dung lưu truyền gửi gắm những ước vọng với người đời sau.

Đổi thay ở thôn Bất ĐộngMột góc làng Bất Động.

Trên nóc đình là hai bức phù điêu hổ phù rất đẹp; ở 2 mái cong khắc hình kỳ lân, mỗi con mang một biển chữ với ý nghĩa triết lý, một mong ước ngàn đời nay của người dân đất Việt nói chung về “Thiên hạ thái bình” và “Quốc gia thịnh trị”.

Hơn ba trăm năm đã trôi qua, những bức tường của đình làng đã rêu phong phủ kín, những cây cột gỗ mối mọt hư hỏng dần, song dòng chữ Nho khắc vào cột đá của cổ nhân vẫn cứ ngời sáng ánh hào quang soi cho hậu thế từ đời này sang đời khác. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đình làng Bất Động đã lưu lại nhiều sự kiện lịch sử. Tiêu biểu là công binh xưởng chế tạo vũ khí, là nơi làm kho chứa hàng trăm tấn lương thực để nuôi quân đánh giặc. Khi bộ đội về làng, đình là nơi đóng quân tập luyện, “rèn cán, chỉnh quân”, là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến của địa phương, là nơi học tập của lớp học bình dân học vụ...

Trải qua thời gian với nhiều lần trùng tu, sửa chữa, kiến trúc đình làng Bất Động nay đã khác xưa rất nhiều. Nhưng ngôi đình vẫn là không gian sinh hoạt cộng đồng lớn của người dân. Hằng năm, cứ mỗi dịp xuân về, đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, người dân làng Bất Động lại tụ tập về đình để làm lễ dâng hương “Tri ân và cầu phúc đầu năm”. Trong ngày này, mỗi dòng họ đều có cỗ đem ra đình để cúng tế; đội tế lễ của làng trong trang phục cổ xưa nghiêm cẩn hành lễ.

Dẫn chúng tôi tham quan không gian đình làng, ông Ngô Xuân Khoa, trưởng thôn Bất Động giới thiệu về nơi bảo tồn cổ vật của làng. Ông cho biết: Làng tôi trước đây nổi tiếng lắm, ngoài đình làng còn có chùa và 2 nghè nên lễ hội thường xuyên. Dân cư bên cạnh việc trồng lúa còn có nghề phụ: đan nong nia, dần, sàng... đời sống cũng tạm đủ. Nay, thôn Bất Động có gần 1.700 nhân khẩu với 389 hộ, song hầu hết người trẻ đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động; ở nhà chỉ còn lại ông bà già và trẻ nhỏ.

Cuộc sống đã đổi thay nhiều, những ngôi nhà kiên cố, cao tầng đã mọc lên, thu nhập trung bình của người dân trong thôn đã đạt mức 72 triệu đồng/năm. Người làng Bất Động, xã Quảng Ngọc đã năng động để tạo dựng cuộc sống sôi động.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]