(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở phía Bắc huyện Nga Sơn, Nga Thiện là xã vùng chiêm trũng, đến đây du khách không chỉ được thăm thú vùng cói mà còn thưởng ngoạn nhiều phong cảnh đẹp. Trong đó có động Bạch Á (hay còn gọi là Bạch Ác, Bạch Nha), cõi Nam cảnh trí đẹp vô cùng.

Động Bạch Á: Cõi Nam cảnh trí đẹp vô cùng

Nằm ở phía Bắc huyện Nga Sơn, Nga Thiện là xã vùng chiêm trũng, đến đây du khách không chỉ được thăm thú vùng cói mà còn thưởng ngoạn nhiều phong cảnh đẹp. Trong đó có động Bạch Á (hay còn gọi là Bạch Ác, Bạch Nha), cõi Nam cảnh trí đẹp vô cùng.

Động Bạch Á: Cõi Nam cảnh trí đẹp vô cùngMột trong bốn bia mai nha còn lại ở động Bạch Á.

Động Bạch Á thuộc địa phận làng Tri Thiện, xã Nga Thiện. Bạch Á (hay Bạch Nha) theo nghĩa chữ Hán là “quạ trắng”. Người xưa đặt tên này một phần vì từ xa nhìn về cửa động thấy giống hình con quạ khổng lồ đang dang rộng cánh giữa một khoảng trời rộng lớn màu bạc, đất trong động màu ngà, sông nước bao bọc xung quanh nên mọi vật dường như màu trắng. Bà con Nhân dân trong vùng thì quen với tên gọi “Động dơi” vì đây là địa điểm yêu thích để dơi cư trú.

Xưa kia nơi đây là vùng cửa biển, sau thời gian được phù sa bồi đắp, vùng đất này đã dần bằng phẳng và đông dân cư. Từ trên ngọn núi có động Bạch Á chúng ta có thể quan sát cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của vùng Đông Bắc huyện Nga Sơn. “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú khi chép về động Bạch Á đã viết: “Động Bạch Nha ở bãi biển huyện Nga Sơn, ngọn núi cao đứng sững lên, giữa núi có động sâu, gắn với động Từ Thức”. Nhiều tài liệu lịch sử và khảo cổ đã khẳng định chùa và động Bạch Á là di tích kiến trúc Phật giáo đặc sắc từ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Để vào động Bạch Á có bốn lối theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các lối vào phía Đông và phía Nam nằm cao trên lưng chừng động nên ít được sử dụng ra vào, chủ yếu đi qua lối phía Tây và phía Bắc, trong đó phía Tây là cửa ra vào chính. Men theo con đường đất rồi đi lên trên những bậc đá, chúng tôi tới động. Theo lời giới thiệu của anh Mai Hồng Việt, công chức văn hóa xã Nga Thiện, xưa kia lối lên xuống có 8 con rồng bằng đá nguyên khối nay chỉ còn lại 5 con rồng không còn nguyên vẹn, con thì mất đầu, cụt đuôi hoặc mất cả đuôi lẫn đầu.

Động Bạch Á: Cõi Nam cảnh trí đẹp vô cùngBia chữ ‘‘Phật” nằm phía bên trái cửa động.

Qua cửa động, một không gian rộng lớn và bằng phẳng hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhờ có bốn cửa thông nhau nên trong động quanh năm luôn thoáng đãng, khô ráo và mát mẻ. Bên trong động được chia thành 3 cung với kích thước khác nhau. Trong đó, các dấu vết của nền móng xây dựng cũ mà các nhà nghiên cứu cho rằng đây là nhà chính tẩm cũ vẫn giữ được khá rõ nét.

Nhắc đến hang động thường người ta nhắc đến hệ thống thạch nhũ… nhưng động Bạch Á chủ yếu là hình được vẽ và tô đắp, nhiều tượng điêu khắc đá, như: hình Giáng Hương dang đôi cánh bay xuống du ngoạn, tượng Vũ Sĩ, tượng Phật, tượng rồng được chạm khắc công phu trên những phiến đá tảng lớn, các bia mai nha (bia khắc trực tiếp trên núi đá)…

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, động Bạch Á còn có chùa thờ Phật. Đây là một trong những ngôi chùa có niên đại từ rất sớm. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có những đoạn ghi chép về chùa và động Bạch Á: “Ở phía tả núi Thần Phù, thuộc xã Nội Trị, phía trước tới con sông nhỏ nổi lên một ngọn núi, trong núi có một cái động, cao rộng thanh tú khác thường. Nhân động dựng chùa, trong chùa có một pho tượng, ngoài chùa có xây cửa, trông thẳng ngay xuống Nga cảng. Ngư hò tiều hát, kinh đọc chuông kêu, thực là một cảnh đáng ưa giữa nơi sơn thủy hữu tình”. Để minh chứng cho đời sống tâm linh của người dân, anh Mai Hồng Việt vừa giới thiệu về bia chữ "Phật” đặt ngay ngoài động vừa kể lại: Cách đây khoảng gần 30 năm, trong khi làm thủy lợi trước cửa hang đã phát hiện một tấm bia khắc chữ Phật lớn đặt trên lưng rùa. Căn cứ vào những hình rồng trang trí trong nửa lá đề chạy bao quanh diềm bia có thể đoán tấm bia này được tạo vào thế kỷ 15. Bia hình chữ nhật, kích thước cao 1.83m (trán bia hình bán nguyệt, cao 0.26m, đế cao 0.2m). Trên trán bia có khắc tám chữ triện, được giáo sư Hà Văn Tấn dịch là: “Trùng tu Diên Linh chân giáo tự bi” (Bia trùng tu chùa Diên Linh chân giáo). Phải chăng “Diên Linh chân giáo” là tên chữ của ngôi chùa?. Tuy nhiên, do không được bảo tồn chu đáo, bia đã bị khoan, đục, hư hỏng khá nhiều, đặc biệt là hư hỏng phần ghi niên đại của tấm bia.

Phong cảnh hữu tình, chính là nguồn cảm hứng để nhiều vua chúa và các danh nhân đã đến đây thưởng ngoạn, đề thơ. Hiện tại, ở động Bạch Á vẫn còn lưu giữ được 4 tấm bia nhưng cả bốn bia đều đã rêu mốc, mòn mờ.

Năm 1467, Vua Lê Thánh tông đã dùng thuyền thăm thắng cảnh Bạch Á, sáng tác thơ khắc trước cửa động, trong đó có 4 câu ca ngợi vẻ đẹp non xanh nước biếc, không khí an lành của đất này:

“… Ngàn non xanh biếc tựa tầng không

Chùa cổ hang mây quá mịt mùng

Trời nhẹ khí lành xuân bóng tỏa

Tiết đầy sắc thắm gió không rung”.

(Bản dịch của Hồng Phi)

44 năm sau (năm 1511), Lê Tương Dực cũng tới đây vãn cảnh, cảm hứng sáng tác hai bài thơ khắc trong động, có những câu thơ sau:

“Chon von núi cổ điệp trùng trùng

Lên tới non cao thi tứ nồng

Cờ phướn phất phơ vờn ánh nhật

Xiêm đai rực rỡ giỡn xuân phong

Sấm rền vang dội kình vài tiếng

Hoa rực sáng bừng đuốc mấy bông

Cảnh vật bầu trời đầy trước mắt

Cõi Nam cảnh trí đẹp vô cùng”.

(Hồng Phi phiên âm, dịch theo bản khắc trên vách động)

Ngoài ra còn có thơ của chúa Trịnh Sâm (tức Nhật Nam nguyên chủ) và thơ của Lê Hiển tông đều ca ngợi cảnh đẹp nơi đây.

Động Bạch Á: Cõi Nam cảnh trí đẹp vô cùngLối lên động là dãy tượng rồng đá đã bị vỡ nhiều đoạn.

Ngắm cảnh, đọc thơ, không ai không trầm trồ về một thắng tích đẹp như động Bạch Á, nhưng đặt chân đến đây, nhìn ngắm từng đường nét hoa văn chạm trổ trên đá, thực sự không chỉ tôi mà nhiều người sẽ phải chạnh lòng buồn vì khung cảnh quá vắng vẻ và hoang vu. Dấu xưa vẫn còn đó, nhưng dường như thời gian đã lãng quên nơi này. Bà Trần Thị Hoa, năm nay 75 tuổi, bước thoăn thoắt lên từng bậc đá, vừa đi vừa cho chúng tôi biết: "Vài chục năm nay bà gắn bó với nơi này, heo hút lắm cô ạ. Ngoài bản hội ra thì chẳng mấy khi có người đến thăm động và chùa”.

Lần theo từng đường nét chạm trổ hoa văn trên đá, được ngắm nhìn tượng cổ bằng gỗ, các tượng phật, tượng quan hầu, tượng rồng ngậm ngọc làm bằng đá vôi trắng chầu hai bên, theo các bậc cấp dẫn lối lên cửa động… nhìn dấu vết thời gian khiến những tấm bia mai nha ngày càng hoen mờ, chúng tôi cảm thấy thực sự tiếc cho một di tích kiến trúc Phật giáo đặc sắc cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Bởi đã rất nhiều năm kể từ sau khi được công nhận di tích cấp tỉnh, chùa và động Bạch Á vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng tầm để có thể phát huy giá trị nhằm góp phần phát triển thế mạnh du lịch của địa phương.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]