(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động, Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong tập hợp đội ngũ nhà giáo đã nghỉ hưu, tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.

Đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Sau nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động, Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong tập hợp đội ngũ nhà giáo đã nghỉ hưu, tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.

Đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạoTrao thưởng cho các tập thể, cá nhân là hội viên Hội CGC tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong phong trào hoạt động của hội.

Các cấp Hội CGC trong tỉnh hiện đang thu hút gần 20.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Mặc dù các hội viên không còn đứng trên bục giảng, song luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của nhà giáo Việt Nam trong cuộc sống đời thường và hoạt động hội; gương mẫu trong đạo đức, lối sống, trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia đảm nhận các công việc của tổ dân cư như bí thư, phó bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, đại biểu HĐND cấp xã, phường... Theo Chủ tịch Hội CGC tỉnh Trịnh Xuân Cảnh, cùng với việc tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức hội trở thành “mái nhà chung” của các CGC; các cấp hội trong tỉnh đã thực hiện tốt phương châm “đoàn kết - trí tuệ - nêu gương - trách nhiệm” nhằm phát huy vai trò của nhà giáo lão thành cùng chung tay với ngành giáo dục và toàn xã hội hiện thực hóa chủ trương đổi mới, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các cấp hội và hội viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, chương trình kế hoạch năm học của ngành giáo dục. Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua đã được các cấp hội triển khai và được hội viên đồng thuận hưởng ứng. Ví như hoạt động xây dựng quỹ “Vì nghĩa tình đồng nghiệp”; phong trào mở các lớp miễn phí phụ đạo học sinh học yếu kém, bồi dưỡng học sinh học khá, học giỏi; phong trào “Tiếp bước em tới trường”,... Minh chứng cho thấy, từ hoạt động “Vì nghĩa tình đồng nghiệp”, một số huyện hội đã xây dựng được quỹ tương thân, tương ái giúp hội viên phát triển kinh tế, hỗ trợ lúc khó khăn, ốm đau, bệnh tật. Điển hình như Hội CGC huyện Nga Sơn xây dựng được 1,3 tỷ đồng tiền quỹ, Yên Định 1,4 tỷ đồng, Hậu Lộc 1,47 tỷ đồng, Bá Thước hơn 1 tỷ đồng... Chủ tịch Hội CGC huyện Bá Thước, Nguyễn Thị Lưu cho biết: “Năm 2021, huyện hội thành lập quỹ “Nghĩa tình CGC” với nguồn quỹ huy động được 52 triệu đồng. Nhờ sự ủng hộ của hội viên và các nhà hảo tâm, đến nay sau hơn 3 năm thành lập số tiền quỹ đã đạt hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, mỗi năm, các cấp hội trong huyện đã thăm hỏi hàng trăm lượt hội viên ốm đau, hiếu, hỉ; chúc thọ nhiều hội viên với số tiền từ 100.000 - 400.000 đồng/hội viên”.

Cùng với hoạt động trên, thực hiện chủ trương “4 cùng” với ngành giáo dục (cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục; cùng bàn giải pháp đổi mới; cùng tổ chức một số hoạt động; cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức và nghỉ hưu), thời gian gần đây, các hội cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Đơn cử như Hội CGC phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) trích quỹ mua xe đạp tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hội CGC Thường Xuân đã tổ chức lớp học tình thương dạy kèm không thu tiền cho 91 học sinh thuộc gia đình khó khăn và dạy kèm 150 em học sinh là con cháu hội viên; tham gia thực hiện dạy xóa mù chữ tại trung tâm học tập cộng đồng xã. Các Hội CGC huyện Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Bá Thước, Thiệu Hóa... tích cực tham gia các phong trào thi đua “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Xây dựng xã hội học tập”, vận động các cá nhân tổ chức thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục...

Không chỉ ở các cấp hội, rất nhiều hội viên cả cuộc đời công tác gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, khi về nghỉ hưu, vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, nhiệt tình, năng động, tích cực tham gia các hoạt giáo dục ở địa phương cũng như phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng” để xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà mẫu mực... Tiêu biểu có nhà giáo Lê Thị Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Đông Cương (TP Thanh Hóa), 12 năm liên tục trích từ lương hưu cá nhân làm phần thưởng cho học sinh thi đỗ vào đại học. Nhà giáo Lê Thị Hồng cũng là người phát động phong trào “Tiếp bước em tới trường” của Hội CGC Đông Cương. Từ năm 2017 đến nay, năm nào Hội CGC Đông Cương cũng tặng xe đạp cho học sinh khó khăn, động viên các em đến trường, năm ít nhất 4 xe, năm nhiều là 6 xe, mỗi xe trị giá 1,2 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội CGC tỉnh Trịnh Xuân Cảnh, ngoài gắn bó, đồng hành với sự nghiệp “trồng người”, các cấp hội và hội viên Hội CGC tỉnh còn tích cực, gương mẫu trong các hoạt động, cuộc vận động, phong trào thi đua ở địa phương. Ví như trong phong trào XDNTM, một số hội viên Hội CGC huyện Đông Sơn đã hiến 10.000m2 đất làm đường giao thông; hội viên Hội CGC huyện Triệu Sơn cũng hiến hơn 35.000m2 đất để làm đường giao thông... Những thành quả trên, vừa là minh chứng cho sự nỗ lực, cống hiến của mỗi tổ chức hội và hội viên, vừa là động lực để các cấp hội CGC trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức hội thực sự là “mái nhà chung” của các nhà giáo khi rời bục giảng, nhằm chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp “trồng người” của quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]