Du lịch lòng hồ thủy điện Trung Sơn
Không chỉ là điểm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, lòng hồ thủy điện Trung Sơn đã trở thành điểm du lịch mới, hấp dẫn tại Quan Hóa.
Lòng hồ thủy điện Trung Sơn.
Với lợi thế có nhiều diện tích mặt hồ đẹp, rộng rãi, kết hợp du lịch khám phá thiên nhiên kỳ thú với ẩm thực, nghỉ dưỡng, du lịch lòng hồ đã trở thành một xu hướng hút khách tại Thanh Hóa. Trong đó, hồ sông Mực, lòng hồ Cửa Đạt, hồ thủy điện Trung Sơn... là những điểm đến ấn tượng trong hành trình du lịch lòng hồ của du khách.
Hồ thủy điện Trung Sơn là nơi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của xã Trung Sơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và nguồn thu ổn định cho hàng chục hộ dân. Hiện tại, có 55 hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, với 105 ô lồng. Không chỉ có tiềm năng kinh tế, lòng hồ còn có tiềm năng phát triển du lịch, khi lượng du khách đến tham quan, khám phá ngày càng đông. Hiện nay chính quyền đang có định hướng phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu du lịch.
Gia đình chị Phạm Thị Dựa là một trong những hộ nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ. Năm 2023, chị triển khai thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, phục vụ khách du lịch. Chị cho biết: “Nhận thấy có nhiều du khách đến tham quan, mong muốn được thưởng thức ẩm thực, đi thuyền khám phá lòng hồ, hai vợ chồng tìm hiểu một số nơi và biết xu hướng du lịch lòng hồ đang phát triển. Bởi vậy đã mạnh dạn, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kinh doanh thêm dịch vụ ăn uống. Để phục vụ du khách được tốt hơn hai vợ chồng ngoài việc đi học nghề nấu ăn còn tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch của huyện tổ chức”. Sau hơn 1 năm hoạt động, cơ sở ăn uống của chị đã đông khách hơn. Trung bình mỗi ngày đón khoảng 50 lượt khách.
Điểm hấp dẫn du khách khi tham quan lòng hồ thủy điện Trung Sơn là được ngồi thuyền khám phá vẻ đẹp sông nước, cảnh quan thiên nhiên và tận hưởng ẩm thực ngay trên hồ. Việc nuôi trồng thủy sản gắn với kinh doanh ăn uống tạo lợi thế lớn khi du khách được thỏa sức chọn lựa thủy sản tươi, sống, được trực tiếp nhìn và có thể tham gia quá trình chế biến thực phẩm. Tùy vào nhu cầu của du khách mà chuyến tham quan lòng hồ kéo dài từ 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ, với giá từ 300.000 – 1.000.000 đồng/chuyến.
Anh Nguyễn Văn Nam, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Cảm giác đi thuyền ngắm nhìn cảnh đẹp hai bên bờ thật tuyệt, khiến tâm hồn chúng ta không còn những lo âu, bộn bề của cuộc sống. Đặc biệt, ẩm thực ở đây rất ngon với nhiều món ăn đậm chất dân tộc, đồ tươi sống”. Được biết, tới đây chị Dựa sẽ mở rộng cơ sở kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, từ đầu năm 2023, Trung Sơn đã đưa vào hoạt động chợ phiên đêm. Chợ được duy trì đều đặn vào tối thứ 6 hàng tuần. Tuy chưa có chương trình văn nghệ, nhưng mặt hàng trong chợ khá phong phú, đa dạng và mang đậm đặc trưng vùng cao. Đặc biệt, do ở địa bàn giáp ranh với các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và huyện Mường Lát, nên chợ phiên đêm Trung Sơn có rất đông bà con dân tộc các vùng lân cận mang hàng hóa của địa phương sang buôn bán. Đây là hoạt động văn hóa rất được du khách yêu thích.
Chị Phạm Thị Hồn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết: “Phát huy tiềm năng, lợi thế của xã để phát triển du lịch, chính quyền vận động, khuyến khích các hộ dân phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng cơ sở vật chất về ăn uống, nghỉ dưỡng... hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, duy trì mô hình chợ phiên đêm, tạo nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách”.
Quan Hóa được biết đến với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn được kết nối, đó là tài nguyên rừng phong phú, đa dạng sinh học, hoang sơ với 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Hu, Pù Luông, Khu Bảo tồn hạt trần quý hiếm Nam Động). Sự đa dạng cảnh quan thiên nhiên với hệ thống sông núi trùng điệp, nhiều hang động đẹp, như hang Phi, hang Co Phường, hang Co Luồng, hang Na... và các hồ tự nhiên: hồ Pha Đay, hồ Vinh Quang... Bên cạnh đó, là sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào Thái, Mường, Kinh, Mông... Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như lễ hội Mường Ca Da, xường Mường, cồng chiêng, khèn bè, khèn lá, các trò chơi dân gian truyền thống ném còn, chọi cù, kéo co, bắn nỏ... Chính những tiềm năng đó cho phép Quan Hóa phát triển đa dạng các loại hình du lịch, kết nối các điểm đến trên địa bàn, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với địa phương.
Bài và ảnh: Phan Vân
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-07-28 12:24:00
Phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP xứ Thanh
Mưu sinh ở các cơ sở thu mua phế liệu
Bản tin Tài chính ngày 28/7: “Cá mập” đổi chiều mua gom vàng
Dự báo thời tiết (28/7): Thanh Hoá tiếp tục nắng nóng
Bảo tồn, phát huy quần thể cây di sản ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hu
Chuyển đổi số trong quản lý và bảo vệ rừng
Không gian vui chơi cho trẻ tại bệnh viện
Trở về với “đất mẹ”
Một thời cầu đò Trạp
Bản tin Tài chính 27/7: Vàng miếng SJC đồng giá 79,5 triệu đồng/lượng