(vhds.baothanhhoa.vn) - “Gỡ bỏ” quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa là một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm.

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm còn nhiều ý kiến

“Gỡ bỏ” quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa là một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm.

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm còn nhiều ý kiếnMột buổi học thêm do Trường THCS Hải Long (Như Thanh) tổ chức.

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/5/2012. Dự thảo Thông tư mới về dạy thêm, học thêm quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Theo đó, đối với dạy thêm trong nhà trường, dự thảo mới quy định: “Căn cứ vào đề xuất của tổ chuyên môn, hiệu trưởng họp với các thành phần liên quan (có đại diện cha mẹ học sinh nhà trường) thống nhất, công khai mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học để học sinh tự nguyện đăng ký...”. Đối với quy định mới này, thầy Tô Quang Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Long (Như Thanh) chia sẻ: Thông tư hiện hành quy định học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn (có chữ ký của phụ huynh) gửi nhà trường, còn dự thảo thông tư mới có yêu cầu chặt chẽ hơn bắt đầu từ đề xuất của tổ chuyên môn. Đồng thời yêu cầu, đối với giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường: “Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm”. Quy định mới sẽ góp phần tăng cường vai trò quản lý, giám sát của hiệu trưởng nhà trường đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Anh L.B.Q., phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) cho rằng: Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng và tự nguyện của các bên, tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế vẫn còn có trường hợp học sinh bị “phân biệt đối xử” nếu không học thêm với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Vấn đề này, dự thảo thông tư mới vẫn chưa thể giải quyết được. “Chỉ mong sao quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa được “gỡ bỏ”, nhưng giáo viên không “gỡ bỏ” tư cách đạo đức và nhân phẩm của chính mình” - phụ huynh L.B.Q. chia sẻ thêm.

Sau khi nghiên cứu dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, thầy Chu Đăng Phan, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Hiện nay, theo quy định, mức thu đối với học thêm trong nhà trường là 6.000 đồng/tiết/học sinh, trong khi đó, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường thu theo thỏa thuận giữa giáo viên và người học ít nhất từ 50.000 đồng/buổi trở lên, thậm chí lên đến 200.000 - 300.000 đồng/buổi. Mức thu chênh lệch như vậy là quá lớn khiến cho giáo viên không còn mặn mà với dạy thêm trong nhà trường. Như vậy, học sinh không chỉ học thêm ngoài nhà trường với “giá cao” mà việc quản lý chất lượng chuyên môn, thời gian dạy, phong thái sư phạm... cũng không được sát sao. Do đó, nên thay đổi mức quy định thu dạy thêm trong nhà trường cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Cũng theo thầy Chu Đăng Phan, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang khuyến khích các nhà trường dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học có đủ điều kiện nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm - học thêm không đúng quy định; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chưa có công văn, văn bản hướng dẫn cụ thể về dạy học 2 buổi/ngày đối với trường trung học.

Chia sẻ về dự thảo thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm, cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) cho biết: "Việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh, ai có nhu cầu thì thực hiện. Và tôi cho rằng nếu việc dạy thêm không mang lại giá trị cho học sinh thì Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ không cho thực hiện. Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh học sinh vẫn chưa nắm bắt được các quy định và mặc định việc dạy thêm là phạm pháp. Khiến cho đội ngũ giáo viên bị tự ái, tổn thương".

Cô Diệp cho rằng: Việc dạy thêm là cần thiết và việc tăng cường quản lý, giám sát dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường lại càng cần thiết. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất mới và khó. Để học sinh đạt xếp loại xuất sắc đối với chương trình này là rất khó đạt được, do đó, nhiều phụ huynh muốn con được học tập, rèn luyện thêm để nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời cũng là để nhà trường, giáo viên quản lý các con, để các con có môi trường trưởng thành an toàn, phát triển đúng hướng dưới sự bao bọc, chăm chút, rèn luyện của nhà trường, thầy cô giáo và gia đình.

“Việc tổ chức dạy thêm, học thêm rất tốt nếu được thực hiện và quản lý tốt. Tuy nhiên, việc dạy thêm ngoài nhà trường cần có quy định cụ thể về thời gian và tăng cường giám sát từ chính quyền địa phương, tổ dân phố, giám sát toàn dân, giám sát của chính phụ huynh, học sinh... thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm và phản ánh về đường dây nóng của cơ quan chức năng, tránh tình trạng giáo viên dạy vô tội vạ, tổ chức dạy vào những khung giờ rất vô nghĩa gây mệt mỏi cho học sinh và cả giáo viên khi họ phải “chạy sô” quá nhiều ca học trong ngày” - Chị L.T.N., phường Đông vệ, TP Thanh Hóa chia sẻ.

Tiếp cận với những dự thảo mới của thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu những giải pháp chuyên sâu, toàn diện để thay đổi nhận thức của cả giáo viên, phụ huynh, học sinh về dạy thêm, học thêm, tránh nhồi nhét kiến thức, áp lực thành tích; khung pháp lý cần rõ ràng, tránh việc thực hiện đối phó... Mong ước về một “trường học hạnh phúc” khiến phụ huynh hy vọng về một thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm chặt chẽ hơn, tránh dạy thêm tràn lan, không hiệu quả, tạo áp lực cho học sinh và thiếu công bằng trong giáo dục đối với học sinh học thêm và học sinh không học thêm...

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]