(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, cây mắc ca còn có tác dụng giữ nguồn nước, chống xói mòn, rửa trôi và cải thiện môi trường sinh thái. Khai thác tiềm năng đất đai, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã phát triển vùng trồng mắc ca - loại cây trồng có xuất xứ từ Australia được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại hạt”, “cây tỷ đô”, “cây làm giàu”. Từ đây mở ra hy vọng, cây mắc ca sẽ là cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Đưa cây xứ người lên đất dốc

Không chỉ mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, cây mắc ca còn có tác dụng giữ nguồn nước, chống xói mòn, rửa trôi và cải thiện môi trường sinh thái. Khai thác tiềm năng đất đai, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã phát triển vùng trồng mắc ca - loại cây trồng có xuất xứ từ Australia được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại hạt”, “cây tỷ đô”, “cây làm giàu”. Từ đây mở ra hy vọng, cây mắc ca sẽ là cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Đưa cây xứ người lên đất dốc

Ông Hà Văn Thính, bản Chong, xã Thiên Phủ giới thiệu về vườn mắc ca của gia đình.

Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, những sườn đồi của xã Thượng Ninh được phủ xanh bởi hàng chục héc-ta mắc ca. Khoảng một nửa trong số đó đã cho thu hoạch. Cây mắc ca đang mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Thăm HTX mắc ca Thành Phát - đơn vị tiên phong trong việc đưa cây mắc ca vào trồng trên đất dốc ở xã Thượng Ninh, chúng tôi thỏa tầm mắt vì màu xanh bạt ngàn của mắc ca trên những sườn đồi. Anh Đỗ Trọng Học, Giám đốc HTX mắc ca Thành Phát chia sẻ: "Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu về những loại cây trồng mới phù hợp với vùng đồi, năm 2013, tôi mạnh dạn mua 300 cây mắc ca để trồng thử nghiệm trên diện tích vườn đồi của gia đình. Sau 4 năm, cây mắc ca bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt từ 3,5 - 4 tấn/ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi tiếp tục đầu tư trên 200 triệu đồng để mua giống cây mắc ca về trồng, nâng diện tích lên gần 5ha, với 1.500 cây, năng suất bình quân đạt 16 tấn/năm. Năm 2022, tôi đứng ra thành lập HTX mắc ca Thành Phát và liên kết với nông dân một số xã khu vực miền núi trong tỉnh để mở rộng vùng trồng, với diện tích gần 30ha, tương đương khoảng 10.000 cây. Trong đó, có từ 30- 40% diện tích mắc ca đã cho thu hoạch ổn định, sản lượng mỗi năm đạt gần 40 tấn".

Nhằm nâng cao năng suất và sản lượng, HTX mắc ca Thành Phát đã đầu tư thêm hệ thống máy lọc quả, máy sấy để chế biến sản phẩm hạt. Hiện nay, sản phẩm hạt mắc ca của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, tận dụng thảm cỏ dưới đất đồi, anh Học còn chăn nuôi bò và lợn rừng. Đồng thời, trồng hơn 1ha chè và nuôi 30 đàn ong lấy mật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Trừ các loại chi phí, mô hình trồng mắc ca giúp gia đình anh thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm. Anh Học chia sẻ: “Các cây trồng xen này ngoài việc cung cấp thức ăn bổ sung cho đàn bò, lợn rừng, còn có tác dụng che phủ, hạn chế xói mòn, bảo vệ đất. Nếu biết cách canh tác, đất dốc có thể giúp người nông dân phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập”.

Đưa cây xứ người lên đất dốc

Hạt mắc ca của HTX mắc ca Thành Phát đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Cách xã Thượng Ninh gần 100km về phía Tây, người dân xã Thiên Phủ râm ran câu chuyện về cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao. Bà con nhắc nhiều tới ông Hà Văn Thính ở bản Chong, người mạnh dạn chặt bỏ cây luồng để trồng thử nghiệm cây mắc ca trên quả đồi khô cằn. Dù chưa biết cây mắc ca hình dáng ra sao, người đàn ông dân tộc Thái vẫn xuống núi đi tìm hiểu quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca. Khi đã học hỏi được kiến thức, ông Thính mang 20 triệu đồng ra tận huyện Ba Vì cũ (Hà Nội) mua cây giống mắc ca. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm 200 gốc mắc ca trên diện tích 1ha. Sau 4 năm cây ra hoa, đậu quả. Nhận thấy thổ nhưỡng địa phương rất phù hợp cho cây mắc ca sinh trưởng và phát triển, năm 2019 ông tiếp tục mở rộng trồng thêm 1ha.

Những năm qua, diện tích cây mắc ca của gia đình ông đều ra quả. Năm 2024, gia đình ông thu hoạch được 3 tấn quả tươi, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng. Để tăng giá trị kinh tế của cây mắc ca, ông đã mua máy tách vỏ, dụng cụ tách hạt, tủ sấy hạt để trực tiếp chế biến mắc ca sấy khô phục vụ thị trường. “Nếu sấy khô, tách vỏ thì hạt mắc ca có giá trị cao gấp 10 lần bán quả tươi" - ông Thính phấn khởi khoe.

Thấy mô hình trồng mắc ca của ông Thính cho hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân trong xã Thiên Phủ và các xã lân cận đã tìm tới học hỏi kinh nghiệm, cách làm. Không giữ cho riêng mình, ông nhiệt tình dẫn bà con lên đồi, chỉ từng công đoạn trồng, chăm sóc và mua giúp cây giống. Hiện tại, trên địa bàn xã Thiên Phủ có khoảng 10ha cây mắc ca. Dự kiến thời gian tới, chính quyền xã sẽ tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp thành lập HTX Nông lâm nghiệp Thiên Phủ. Đây sẽ là “bà đỡ” giúp các hộ dân trồng mắc ca về vốn, bao tiêu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Theo lãnh đạo xã Thiên Phủ, phần lớn đất nông nghiệp của địa phương là đất dốc. Đặc điểm địa hình như vậy khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc trồng trọt. Những kết quả ban đầu cho thấy mắc ca là cây trồng tiềm năng để phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, mắc ca là cây trồng hàng rộng, với khoảng cách cây cách cây, hàng cách hàng từ 6 - 7m. Ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, khi cây mắc ca chưa khép tán, hiện tượng xói mòn, rửa trôi xảy ra rất mạnh do tỷ lệ che phủ mặt đất thấp. Vì thế, chính quyền địa phương hướng dẫn, khuyến khích bà con kết hợp trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, chè và chăn nuôi gia súc, nhằm tận dụng đặc điểm đất dốc như một tư liệu sản xuất hiệu quả.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]