(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau những trận mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Thanh Hóa thường xảy ra ngập lụt cục bộ, khiến việc lưu thông của các phương tiện, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng đến nay việc triển khai thực hiện các giải pháp xử lý, ứng phó chủ động với tình trạng trên vẫn là bài toán khó chưa có lời giải của chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Giải bài toán ngập lụt đô thị

Sau những trận mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Thanh Hóa thường xảy ra ngập lụt cục bộ, khiến việc lưu thông của các phương tiện, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng đến nay việc triển khai thực hiện các giải pháp xử lý, ứng phó chủ động với tình trạng trên vẫn là bài toán khó chưa có lời giải của chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Giải bài toán ngập lụt đô thịSau những trận mưa lớn kéo dài, một số tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa biến thành sông.

Bao quanh TP Thanh Hóa là hệ thống các sông và kênh nội đồng, trong đó sông Quảng Châu (sông Thống Nhất) là sông tiêu thoát nước cho khu vực thành phố, nối tiếp với kênh Vinh và sông Nhà Lê ở phía Tây Nam; sông Thọ Hạc (đoạn gần cầu Sâng còn gọi là sông Cầu Sâng) ngoài thoát nước cho thành phố, còn có nhiệm vụ thoát nước cho một khu vực rộng lớn phía Tây và Tây Bắc.

Kênh Vinh bao quanh phía Tây khu trung tâm, nối với sông Quảng Châu ở ngã ba sông trên địa bàn phường Đông Sơn, vào mùa mưa khi nước sông Mã dâng cao, âu thuyền được đóng lại và toàn bộ nước của thành phố chảy theo sông Quảng Châu ra phía hạ nguồn sông Mã; sông Nhà Lê thoát nước cho khu vực phía Nam thành phố cũng như cả huyện Đông Sơn... cùng hệ thống thoát nước tại các phường Đông Thọ, Điện Biên, Trường Thi, Đông Hương, Phú Sơn, An Hưng...

Thống kê cho thấy, TP Thanh Hóa hiện có 11 điểm ngập lụt cục bộ mỗi khi mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường giao thông ngưng trệ, đi lại khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt, trong đó nguyên nhân chính là: một số đoạn, tuyến chưa có hệ thống thu nước mưa riêng biệt; một số rãnh thoát nước xuống cấp. Mật độ hố thu nước dưới lòng đường ít nên khi mưa lớn nước thoát chậm. Các cửa thu nước bị rác, đất đá che lấp dẫn đến thu nước kém. Vỉa hè lát đá trên bề mặt tấm đan rãnh thoát nước gây khó khăn cho công tác nạo vét. Một số khu vực ngập cục bộ do cống băng đường nhỏ, dòng chảy bị thu hẹp, chưa khơi thông các cống kết nối với sông hiện có.

Ông Lê Quốc Huy, Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, cho biết: Toàn phường có 3/10 phố thường xuyên ngập lụt cục bộ vào mùa mưa, tập trung ở Tây Ga, Phú Thọ 3, Tây Sơn 3. Riêng khu dân cư Phú Thọ 3, trước đây là khu vực ao hồ thấp, trũng, khả năng tiêu thoát nước không đảm bảo, hơn nữa tại đây đang triển khai dự án xử lý ngập úng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Chỉ khi dự án hoàn thành mới góp phần giảm nguy cơ ngập lụt ở 3 khu phố trên, giúp người dân đi lại, sinh hoạt thuận tiện hơn.

Giải bài toán ngập lụt đô thịNhiều tuyến đường ngập lụt, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Cùng với sự chủ động, vào cuộc tích cực nhằm tìm cách giải quyết bài toán chống ngập lụt mỗi khi mưa lớn, thời gian qua, TP Thanh Hóa đã bàn giao, đưa vào sử dụng một số dự án có quy mô lớn liên quan đến thoát nước, giảm nguy cơ ngập lụt cục bộ trên các tuyến đường thuộc địa phận các phường, xã bị ảnh hưởng. Có thể kể đến: Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung - Tiểu dự án Thanh Hóa đầu tư xây dựng từ năm 2005, tổng mức đầu tư trên 19 tỷ đồng; Hợp phần 3 - dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội thành phố triển khai xây dựng từ năm 2011, tổng mức đầu tư cho tuyến cống bao khoảng 110 tỷ đồng, tuyến cống chung khoảng 34 tỷ đồng; Dự án Hệ thống tiêu úng Đông Sơn với tổng mức đầu tư 978,82 tỷ đồng; dự án sửa chữa hệ thống thoát nước, an toàn giao thông đoạn Km14+500 - Km17+130, Quốc lộ 47, tỉnh Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng (Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư)...

Ngoài ra, một số dự án khác đang triển khai, như Dự án tuyến cống ngầm thoát nước từ mặt bằng khu tái định cư phường Nam Ngạn (MB85) ra sông Hạc; Dự án hoàn thiện nút giao BigC và tuyến đường gom nối từ mặt bằng ATM3 đến Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa. Bên cạnh đó, nhiều dự án khác nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đang chuẩn bị thủ tục đầu tư (Dự án chỉnh trang, cải tạo hệ thống sông, kênh: sông Nhà Lê, sông Vinh, sông Quảng Châu, sông Hạc, sông Bến Ngự. Nạo vét khoảng 11,5km lòng sông; kè lát, gia cố 24km bờ hữu và 27km bờ tả; chỉnh trang một số đoạn tuyến đường hai bên bờ sông khoảng 6,5km và xây mới 5 cầu qua các sông), tổng mức đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng...).

Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Thanh Hóa, cho biết: Để giải quyết tình trạng ngập úng đô thị, hằng năm, UBND TP Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp, xã, phường trên địa bàn phối hợp định kỳ thực hiện nạo vét, vớt rác thải, duy tu, bảo trì, bảo đảm dòng chảy theo thiết kế của các tuyến cống, rãnh, hố ga, cửa xả, mương thoát nước, hồ điều hòa. Bổ sung các giải pháp xử lý chống ngập lụt, rà soát, bổ sung mục đích sử dụng đất, các công trình dự án hạ tầng kỹ thuật thoát nước, chống ngập lụt, tiêu thoát lũ vào quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng dự án thoát nước hoặc liên quan đến thoát nước...

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]