(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm góp phần giảm tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong hộ dân và cộng đồng dân cư, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán phù hợp với nhu cầu thực tế, đời sống bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng đặc biệt khó khăn.

Giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn

Nhằm góp phần giảm tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong hộ dân và cộng đồng dân cư, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán phù hợp với nhu cầu thực tế, đời sống bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng đặc biệt khó khăn.

Giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khănNgười dân bản Ché Lầu, xã Na Mèo được hỗ trợ téc nước sinh hoạt theo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Nỗi niềm nước sinh hoạt

Ở khu tái định cư bản Sa Lắng, xã Phú Xuân (Quan Hóa) có hơn 50 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Sau khi di dời khỏi nơi ở cũ lên khu tái định cư mới để phục vụ cho Dự án Thủy điện Hồi Xuân, đến nay, đời sống bà con đã dần ổn định. Nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO đã bố trí, xây dựng các hạng mục công trình, trong đó có hệ thống bể dẫn nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, hệ thống bể dẫn nước sinh hoạt dù được đơn vị đầu tư hỗ trợ cho người dân nhưng bể chứa nước không thể dẫn nước về đến các hộ gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do bể được xây dựng thấp hơn so với mặt bằng khu tái định cư. Lâu nay, nguồn nước bà con sử dụng chính là lấy nước sinh hoạt từ các khe suối, mó nước trên rừng, trên đồi và nước mưa.

Không chỉ bà con ở khu tái định cư bản Sa Lắng mới sử dụng nguồn nước tự nhiên từ khe suối, dự trữ nước mưa mà hầu hết ở các thôn, bản thuộc địa bàn vùng khó, vùng đặc biệt khó khăn, cách xa trung tâm các huyện, xã, bà con đã và đang sử dụng nguồn nước này. Vào mùa khô, lượng mưa ít dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở một số bản, còn vào mùa mưa, lũ nguồn nước không đảm bảo bởi đất đá dễ vùi lấp, gây tắc đường ống, dây dẫn nước về bể chứa.

Năm 2023, huyện Quan Hóa được đầu tư 3 công trình nước sinh hoạt tập trung theo Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN ở bản Yên, xã Hiền Chung; bản Suối Tôn, xã Phú Sơn; bản Pạo, xã Trung Sơn, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho bà con. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quan Hóa có hơn 2.000 hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Thực hiện chương trình, đã có 619 hộ được phê duyệt danh sách hỗ trợ đợt 1 với số tiền 3 triệu đồng/hộ, số hộ còn lại sẽ cấp phê duyệt và hỗ trợ vào cuối tháng 10/2023.

Nước sinh hoạt đến với bà con từ các chương trình MTQG

Con đường lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) đã dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Bản Ché Lầu có 66 hộ, 307 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ché Lầu hầu hết là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những ngày này, gia đình ông Thao Văn Va, Thao Văn Chênh vui mừng vì vừa được Nhà nước cấp cho téc nước để tích trữ nước sinh hoạt với dung tích 1.000 lít.

Giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khănCông trình nước sinh hoạt tập trung tại khu tái định cư bản Sa Lắng không thể sử dụng do nhà đầu tư xây bể thấp hơn mặt bằng khu tái định cư.

Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Ché Lầu, anh Thao Văn Lâu chia sẻ: “Lâu nay bà con bản Ché Lầu đã chủ động làm đường nước, kéo nước từ khe suối về làm nước sinh hoạt. Hộ xa nhất kéo đường nước khoảng 500m, hộ gần khoảng 300m. Dụng cụ bà con sử dụng để chứa nước là thùng, bể. Ở Ché Lầu vẫn đảm bảo nguồn nước cho bà con, tuy nhiên, nhiều hộ chưa thể mua sắm được vật dụng đựng nước sinh hoạt với dung tích lớn. Vừa qua, bản có 5 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ téc trữ nước sinh hoạt. Ngoài ra, bản còn 16 hộ nghèo đang chờ được phê duyệt hỗ trợ téc nước sinh hoạt trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN”.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn Ngân Văn Hòa, cho biết: “Huyện Quan Sơn đang triển khai các chương trình MTQG, các chương trình, dự án của tỉnh trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chương trình MTQG giai đoạn I). Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” là 1 trong 10 dự án đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Quan Sơn. Đối với nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt, trong đó có hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và đầu tư xây dựng công trình nước tập trung, thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, địa phương triển khai thực hiện. Năm 2022, toàn huyện có 100 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Đầu tư 1 công trình nước sinh hoạt tập trung ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy. Năm 2023, đã có 439 hộ (đợt 1), mỗi hộ 3 triệu đồng mua téc chứa nước theo nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Đến nay đã hoàn thiện hồ sơ và giao vốn triển khai thực hiện. Còn 1.089 hộ (đợt 2) đăng ký hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, với nguồn kinh phí 3 tỷ 267 triệu đồng đang được các cấp thẩm định, ra quyết định phê duyệt hỗ trợ. Quan Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh đạt 91% trở lên”.

Tại huyện miền núi Như Thanh, thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn I, trong năm 2023, đối với dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, phòng dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện hướng dẫn các xã thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đồng thời phân bổ nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ và hỗ trợ cho 219 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán với kinh phí 657 triệu đồng đảm bảo theo quy định. Đối với đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung, huyện Như Thanh đang thực hiện các bước trong thực hiện công trình nước sinh hoạt tập trung Lén Liệu, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 200 - 300 hộ của thôn 2, thôn 3, xã Cán Khê. Năm 2022, huyện Như Thanh được phân bổ nguồn vốn thực hiện đầu tư 1 công trình nước sinh hoạt tập trung tại thôn Thanh Xuân, xã Thanh Kỳ.

Năm 2023, tổng vốn sự nghiệp Trung ương giao tỉnh Thanh Hóa thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn I là 449 tỷ 083 triệu đồng. Tổng số vốn phân bổ đợt 1, đợt 2 (tại Nghị quyết số 371/NQ-HĐND ngày 24/3/2023; Nghị quyết số 398/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh) là 368 tỷ 575,2 triệu đồng. Tổng số vốn phân bổ đợt 3 tại Nghị quyết số 435/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 của HĐND tỉnh là 23 tỷ 627,2 triệu đồng, trong đó, Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" là 23 tỷ 109 triệu đồng. HĐND tỉnh đã giao cho UBND tỉnh căn cứ nghị quyết và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn của chương trình.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]