(vhds.baothanhhoa.vn) - Học đại học là một trong những con đường đi đến thành công. Vì vậy, sau những tháng năm miệt mài trên ghế nhà trường, nỗ lực hết sức để giành được “tấm vé” vào ngôi trường đại học yêu thích là ước mơ chính đáng của mỗi bạn trẻ. Chọn trường đại học danh tiếng hay ngành học phù hợp nhất? Làm thế nào để mỗi bạn trẻ đưa ra được lựa chọn thực sự chuẩn xác...?

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Đại học và những hướng đi

Học đại học là một trong những con đường đi đến thành công. Vì vậy, sau những tháng năm miệt mài trên ghế nhà trường, nỗ lực hết sức để giành được “tấm vé” vào ngôi trường đại học yêu thích là ước mơ chính đáng của mỗi bạn trẻ. Chọn trường đại học danh tiếng hay ngành học phù hợp nhất? Làm thế nào để mỗi bạn trẻ đưa ra được lựa chọn thực sự chuẩn xác...?

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Đại học và những hướng điMỗi bạn trẻ cần thận trọng trong việc lựa chọn ngành, nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Nỗ lực cho những ước mơ

Với ước mơ trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ, từ khi bắt đầu vào Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa), em Nguyễn Ngọc Bảo Trâm đã lựa chọn khối học phù hợp. Ngoài thời gian trên lớp, em được gia đình đầu tư học thêm tại nhà thầy cô và cả trung tâm ngoại ngữ. Trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bằng việc “tự chấm điểm”, em khá tự tin vào kết quả thi của mình. Trâm cho biết: “Bố mẹ em làm kinh doanh tự do nhưng em mơ ước trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ. Em đã nỗ lực rất nhiều để học tập. Nguyện vọng 1 của em là khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội”.

Dù đã tốt nghiệp THPT năm 2021, nhưng mới đây em Hoàng Phan H., xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa) vẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để có kết quả xét tuyển đại học. Em chia sẻ: “Em mong ước trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả xét tuyển năm ngoái em thiếu chưa đến 1 điểm nên chỉ đậu nguyện vọng 2. Suốt năm vừa qua, cùng với việc học đại học, em vẫn nỗ lực ôn thi để thử sức mình lại một lần nữa. Dù đỗ hay không thì cũng không hối tiếc vì bản thân đã cố gắng hết sức”.

Nguyễn Ngọc Bảo Trâm; Hoàng Phan H. chỉ là 2 trong số hàng ngàn, hàng vạn bạn trẻ đã, đang nỗ lực học tập hết mình để hiện thực hóa ước mơ vào đại học, học ngành nghề mơ ước ở ngôi trường yêu thích. Với các em, đại học chính là con đường để thực hiện ước mơ. Và như chia sẻ của Hoàng Phan H., dù kết quả thi có ra sao thì các em cũng đã nỗ lực hết mình và điều đó rất đáng được trân trọng.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022, Thanh Hóa có gần 38.000 thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, các em sẽ buộc phải đưa ra quyết định lựa chọn trường học, ngành học, nghề học của mình.

Cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) nhìn nhận: “Khoảng 5 năm trở về trước, vào đại học vẫn là con đường “sống còn” của học sinh sau tốt nghiệp THPT. Đã từng có tình trạng, học gì không quan trọng, quan trọng là phải vào đại học. Nhưng hiện nay, mọi chuyện đang thay đổi khi có nhiều học sinh không lựa chọn vào đại học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi kể trên. Bên cạnh chương trình giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông thì thực trạng không tìm được việc làm sau tốt nghiệp đại học là thực tế. Tại Trường THPT Tô Hiến Thành những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 30% học sinh của nhà trường sau tốt nghiệp không đăng ký xét tuyển đại học, thay vào đó là lựa chọn học nghề... Là Hiệu trưởng nhà trường, tôi luôn khuyến khích học sinh của mình phấn đấu để thi vào các trường đại học các em yêu thích. Tuy nhiên, điều đó cũng không thực quan trọng bằng mong muốn các em có những sự lựa chọn ngành, nghề học phù hợp với học lực, sở thích. Để sau khi ra trường có thể tìm được công việc phù hợp”.

Hướng đi cho con đường lập nghiệp của bạn trẻ

Phải khẳng định, học đại học vẫn là con đường sáng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để bước đến tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, đại học không phải và cũng không còn là “tấm vé” thông hành duy nhất cho con đường lập thân - lập nghiệp của bạn trẻ. Thực tế đã chứng minh, không phải ai tốt nghiệp đại học ra trường cũng nghiễm nhiên tìm được việc làm. Hay nói cách khác, học đại học cũng mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Theo khảo sát của Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20.000 người đã tốt nghiệp đại học và cao học (cử nhân, thạc sĩ) chưa có việc làm ổn định với ngành nghề được đào tạo.

Bạn trẻ và “bước ngoặt” cuộc đời: Đại học và những hướng điTham gia các phiên giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, thông tin cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Ông Hoàng Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận: “Tốt nghiệp phổ thông, mỗi bạn trẻ sẽ có lựa chọn ngành, nghề học cho riêng mình. Học đại học hay học nghề nên căn cứ vào khả năng thực tế của mỗi người. Không có sự lựa chọn nào hoàn hảo tuyệt đối, cũng không có con đường tốt nhất. Đứng trước bước ngoặt lựa chọn ngành, nghề cho cuộc đời, mỗi bạn trẻ cần “tỉnh táo” để tránh những sai lầm phổ biến thường gặp. Có một số nguyên tắc chọn ngành, nghề như: không chọn ngành, nghề theo phong trào; không nhất thiết chọn ngành, nghề học đồng nhất với năng lực học tập; cần chú ý đến “mặt trái” của nghề nghiệp trong tương lai; chọn ngành, nghề dựa vào cảm tính, thiếu tính khoa học thực tế; không cập nhập thông tin cũng như xu hướng phát triển của tỉnh nhà trong tương lai...”.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh Thanh Hóa, hiện nay có 5 “con đường” lập thân - lập nghiệp dành cho bạn trẻ lựa chọn: học đại học (dành cho những bạn có học lực tốt); học nghề; khởi sự doanh nghiệp (khởi nghiệp) dành cho các bạn đam mê kinh doanh, năng động và ưa thích sáng tạo; du học và xuất khẩu lao động; và lao động tự do. Trong đó, học nghề và du học, xuất khẩu lao động đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Và để bạn trẻ sớm có định hướng lựa chọn ngành, nghề cho bản thân sau khi tốt nghiệp phổ thông, hàng năm từ tháng 2 đến tháng 4, Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Huyện đoàn (huyện, thị xã, thành phố) và các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên. Trong năm 2022, đã có trên 18.000 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh tham gia ngày hội.

Căn cứ tình hình phát triển thực tế của đất nước cũng như tỉnh nhà, một số xu hướng nghề nghiệp đang được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho bạn trẻ như: bác sĩ, kỹ sư, dịch vụ kỹ thuật, ngôn ngữ Anh, xây dựng, hóa thực phẩm, tâm lý xã hội, phân tích dữ liệu, phát triển phần mềm (đối với đại học) và đầu bếp, pha chế, nhà hàng khách sạn, điện lạnh, điện tử, sửa chữa ô tô... (đối với học nghề)... Tuy nhiên, ngay cả những dự báo xu hướng nghề nghiệp cũng chỉ mang tính tương đối. Thực tế, người thành công là người dám luôn nỗ lực, say mê với sự lựa chọn của mình.

Học đại học hay học nghề; học ngành, nghề yêu thích hay ưu tiên nghề phù hợp với năng lực bản thân... Tất cả đều cần đến sự cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi không ai khác, chính mỗi bạn trẻ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Những sự, đúng - sai, phù hợp hay không phù hợp của ngày hôm nay đều sẽ ảnh hưởng đến ngày mai.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]