(vhds.baothanhhoa.vn) - “Kẻ ra làm quan thì luôn nhớ thanh, thận, cần. Người về ẩn dạy học thì luôn nhớ an bần, lạc đạo”, ấy là đạo lý mà Bảng nhãn Lương Đắc Bằng vẫn thường nhắc nhở học trò. Và đâu chỉ là người thầy mẫu mực, vị danh sĩ xứ Thanh khi còn đương chức quan trường đã khẳng định tâm, tầm của một kẻ sĩ dốc lòng vì vận nước. Để lại sự cảm khái cho người đương thời và hậu thế mai sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảng nhãn Lương Đắc Bằng: Vang danh kẻ sĩ xứ Thanh

“Kẻ ra làm quan thì luôn nhớ thanh, thận, cần. Người về ẩn dạy học thì luôn nhớ an bần, lạc đạo”, ấy là đạo lý mà Bảng nhãn Lương Đắc Bằng vẫn thường nhắc nhở học trò. Và đâu chỉ là người thầy mẫu mực, vị danh sĩ xứ Thanh khi còn đương chức quan trường đã khẳng định tâm, tầm của một kẻ sĩ dốc lòng vì vận nước. Để lại sự cảm khái cho người đương thời và hậu thế mai sau.

Ngày đầu xuân nắng nhẹ và ấm áp, tìm về quê hương của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (một số tài liệu cho rằng ông sinh năm 1472 mất năm 1522) tại làng Hội Triều thuộc xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa). Sau gần 5 thế kỷ, đền thờ ông giờ đây đã là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2018, di tích được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân, con cháu dòng họ cùng chung tay trùng tu, tôn tạo xứng tầm.

Đền thờ Lương Đắc Bằng ở làng Hội Triều không bề thế, lộng lẫy mà trang nghiêm, bình lặng. Chẳng hiểu sao, đứng trước không gian thiêng, có cảm giác nơi đây giống như chính con người của danh sĩ Lương Đắc Bằng thuở xưa vậy: thanh bần, lạc đạo. Cùng châm nén hương thơm, chắp tay trước ngực để thể hiện lòng thành kính ngưỡng vọng trước một nhân cách lớn trong thiên hạ thời bấy giờ.

Quan thanh liêm...

Tại di tích lịch sử đền thờ Lương Đắc Bằng, tiếp chúng tôi là bác Lương Hữu Thao, hậu duệ đời thứ 25 của vị quan Bảng nhãn. Chẳng giấu diếm, bác cho biết, có lẽ hiện vật giá trị lưu giữ tại di tích đến thời điểm hiện tại, ngoài hai sắc phong của triều đình dành cho cụ Lương Hữu Khánh (con trai Lương Đắc Bằng) thì gia phả của dòng họ Lương là thứ được trao truyền suốt nhiều thế kỷ đã qua. Theo đó, Lương Đắc Bằng từ nhỏ vốn họ Lương, tên là Ngạn Ích. Cha mẹ ông là người theo đạo chữ nghĩa, lại ham thích văn chương, có lẽ bởi vậy mà ngay từ nhỏ, cậu bé Ngạn Ích đã thể hiện tư chất thông minh, ham học hỏi và được mệnh danh là thần đồng.

Nhưng trò hay có lẽ không thể thiếu thầy giỏi. Năm Lương Ngạn Ích 12 tuổi thì cha qua đời, cậu bé đã tìm đến nhà một người bạn của cha mình là Trạng Lường Lương Thế Vinh để tầm sư học đạo. Trước tinh thần cầu thị, ham học của cậu thiếu niên đến từ vùng đất xứ Thanh, vị Trạng Lường đã động viên: “cháu có đức, có tài ắt sau này sẽ trở thành người hữu dụng cho đất nước”.

Không phụ công cha mẹ sinh thành, thầy dạy tận tình chỉ bảo, Lương Ngạn Ích liên tục dẫn đầu các kỳ thi Hương, thi Hội. Đến thi Đình thì đậu Bảng nhãn. Tương truyền, “mùa đông năm 1499, vua tuyên triệu một số tiến sĩ vừa thi đỗ vào làm bài ứng chế tại sân rồng. Với hiểu biết uyên bác, bút lực dồi dào, Lương Ngạn Ích đã khiến cả triều đình kinh ngạc về tài văn phú. Trong cuộc ứng chế này, ông được xếp loại ưu, đồng thời được vua ban cho tên mới là Lương Đắc Bằng”.

Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhà thờ và lăng mộ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Hội Triều, xã Hoằng Phong.

Vẫn biết, mọi sự so sánh, đặc biệt là so sánh về những danh nhân đều là khiên cưỡng. Nhưng thiết nghĩ, nếu lịch sử nhắc đến Chu Văn An như một điển hình mẫu mực của hình tượng kẻ sĩ: thầy giáo, thầy thuốc và quan viên cuối thời Trần thì tìm hiểu tài năng, đạo đức của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng trong cuộc đời làm quan, làm thầy của ông hẳn cũng đủ để hậu thế tỏ lòng ngưỡng vọng trước một tấm lòng, nhân cách lớn trong thiên hạ.

Lương Đắc Bằng thi đỗ và làm quan vào thời kỳ mà nhà Hậu Lê đã đi qua giai đoạn phát triển cực thịnh, bắt đầu bộc lộ dấu hiệu suy vi. Đó là khi, chỉ trong chưa đầy 20 năm làm việc chốn quan trường, Lương Đắc Bằng đã phụng sự bốn triều vua, trong đó, triều vua Uy Mục và Tương Dực đã gây những nỗi oan khiên, oán hận trong nhân dân. Chứng kiến thực tại nhà vua sa vào con đường “xa hoa trụy lạc, xây cung điện đồ sộ nguy nga, dựng cửu trùng đài to cao tráng lệ, làm cho sức dân thêm kiệt quệ”, mang tấm lòng của kẻ sĩ dốc lòng vì vận nước và triều đình, Lương Đắc Bằng đã dâng lên vua “14 kế sách trị bình” với lời lẽ rất mực chân thành, thống thiết của kẻ bề tôi: “Tệ tham nhũng ngấm ngầm phát triển, bọn nghịch tặc lén lút manh nha, sợ đạo người chưa ổn...Bệ hạ vì nghĩa công nén tình riêng cho làm chức thị tụng, có ý muốn thần bàn mưu kế lui tiến, hèn kém theo người để dựa dẫm giữ lấy tước lộc thì lòng trung hiếu của thần đôi đường đều thiếu cả... Thần mỗi khi nghĩ tới việc ngày nay thì suốt đêm không ngủ, đến bữa không ăn, tấm lòng khuyển mã trung thành không sao nguôi được...”.

...Người thầy mẫu mực

Năm 1516, vua Tương Dực bị hại, trong buổi đất nước loạn lạc, triều chính trễ nải, nguy vong, Lại bộ thị lang kiêm Đông các học sĩ Lương Đắc Bằng đã cáo quan về quê dạy học, sống cuộc đời thanh bình, lạc đạo.

Điều đáng nói, khi Lương Đắc Bằng về quê nhà ở ẩn dạy học, dù làng Hội Triều xa kinh đô và trung tâm hành chính song tài đức của vị quan Bảng nhãn thì lại được lòng người thấu tỏ. Vì lẽ ấy, học trò tìm đến ông theo học có đến hàng ngàn người cả trong và ngoài tỉnh. Trong đó, không ít người đã được sử sách khoa bảng nước nhà lưu danh. Và trong số lượng lớn học trò của Lương Đắc Bằng thì hậu thế đặc biệt nhắc nhiều tới Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tương truyền, ông được mệnh danh là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam khi có thể đoán biết được những sự việc đất nước trước cả 500 năm!

Được biết, trong cương vị người thầy, Lương Đắc Bằng không chỉ dạy trò chương trình căn bản để cho mục đích thi cử. Ông đặc biệt quan tâm việc răn dạy học trò đạo đức làm người. Trong đó, dân gian còn lưu truyền câu chuyện đối đáp của Lương Đắc Bằng và học trò, đại ý: “Thầy đã dạy chúng con phải biết cách sống, lẽ sống và kinh nghiệm sống. Vậy chúng con muốn xin thầy truyền dạy cho những dịch lý của cuốn kỳ thư Thái Ất Thần Kinh có được không?” - “Miễn là các con bền chí học tập, học vì đại nghĩa thì thầy không tiếc, biết đến đâu thầy dạy đến đấy. Sách là do người làm ra, mà người làm ra thì không phải cái gì cũng đúng. Người đời sau suy tôn các bậc tiền bối là thánh nhân, nhưng chính các vị thánh nhân thì chưa bao giờ tự nhận mình là thành nhân. Khi học, các con phải có đầu óc tỉnh táo, biết phân tích đúng sai...Học cũng vậy mà hành cũng vậy. Muốn học đến nơi đến chốn để sau này ích nước, lợi nhà thì phải có trí, có lực, biết thời, biết thế”. Tương truyền, kỳ thư Thái Ất Thần Kinh là cuốn dịch lý mà trong một lần sang sứ nhà Minh, Lương Đắc Bằng đã được một vị quan đồng cấp yêu mến tặng cho. Về sau, trước khi mất, tin tưởng vào tài trí và bản lĩnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã tặng lại học trò cuốn sách cùng kỳ vọng: “cẩn trọng mà ứng dụng, gắng giúp đời. Gần thì có thể biết những việc trong tầm mắt, xa thì có thể nhìn thấu đến mấy trăm năm”.

Vĩ thanh

Trong hơn 30 năm làm quan và dạy học, tài sản mà Bảng nhãn Lương Đắc Bằng để lại cho vợ con chỉ là “năm gian nhà gỗ mái lợp lá kè, vườn không rộng, ruộng đất dăm sào”. Vậy nhưng, di sản ông để lại cho đương thời và hậu thế, chính là tấm lòng trinh bạch của kẻ sĩ trước thời thế, vận nước và cả con người. Chứng kiến hiện tình triều chính, hẳn là vị quan Bảng nhãn họ Lương đã có những dự cảm không mấy tốt đẹp về vận mệnh của đất nước. Nhưng không vì thế mà ông vun vén cho bản thân, gia đình. Cũng không phải vì thế mà chán chường, thoát tục. Chỉ là tìm chốn quê cũ để quay về, mang chút tri thức, tấm lòng của một kẻ sĩ biết thời thế để dạy dỗ học trò, hy vọng học trò có thể xuất chúng hơn mình, mang tài năng giúp cho giang sơn, đất nước vượt qua giai đoạn đen tối. Đó chẳng phải là tấm lòng trinh bạch của một nhân cách lớn trong thời đại đó sao! Nguyễn Du khi đương thời chỉ lo “Ba trăm năm sau thiên hạ ai người khóc Tố Như”, còn Lương Đắc Bằng, dù làm quan hay làm thầy thì ông cũng chưa hẳn đã đứng ở trên tột đỉnh vinh quang để mà phải ngậm ngùi. Tuy nhiên, nỗi lòng của kẻ sĩ trong ông, đạo lý làm người của ông... dù đã 5 thế kỷ đi qua thì vẫn được hậu thế vẫn nhắc nhớ, ngưỡng vọng và đề cao.

Đấu vật truyền thống đầu xuân ở vùng đất Hội Triều (Hoằng Phong).

Về vùng đất Hội Triều, nếu chỉ nhắc đến di tích và danh sĩ Lương Đắc Bằng thôi thì có lẽ là chưa đủ. Nơi đây còn nổi danh khắp xứ Thanh với truyền thống đấu vật truyền thống vào mỗi dịp đầu xuân năm mới. Theo đó, đã thành thông lệ, vào những ngày đầu xuân năm mới thì địa phương lại tổ chức sân chơi đấu vật theo thể thức khác nhau: đấu theo làng, dòng họ, xã... và còn thu hút cả những đối thủ từ nơi khác về đây tranh tài.

Ông Trương Văn Dũng, người có thâm niên tham gia thi đấu vật gần 30 năm chia sẻ: “Ở đất Hội Triều, dù là trai hay gái thì sinh ra đã mang sẵn trong huyết quản niềm đam mê với đấu vật. Gia đình ông đã có ba đời cùng theo đuổi đam mê với môn văn hóa dân gian này. Năm 2018 cả hai con trai và con gái đều đại diện cho huyện tham gia tranh tài ở hội thi cấp tỉnh và giành huy chương. Tuy không sống bằng nghề nhưng mỗi khi ra sân thi đấu, cảm giác có điều gì đó thật hào sảng như được hun đúc từ truyền thống cha ông”.

Không ai biết, đấu vật ở làng Hội Triều xã Hoằng Phong có tự bao giờ. Nhưng có một điều chắc chắn, truyền thống ấy đang được thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ, phát huy, trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất truyền thống văn vật nơi cửa Lạch Trào.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]