Xây dựng xã hội học tập là sứ mệnh cao cả trong kỷ nguyên mới
Sáng 10/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi gặp mặt thân mật với đoàn đại biểu cán bộ Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc.
Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt thân mật với đoàn đại biểu cán bộ Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc.
Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương.
Gần ba thập kỷ lan tỏa tinh thần hiếu học
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết Hội được thành lập từ năm 1996, với ba chức năng chính: phát động phong trào học tập suốt đời; hỗ trợ hoạt động giáo dục; làm nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập.
Tính đến cuối năm 2024, cả nước có gần 27 triệu hội viên khuyến học, tổ chức Hội được xây dựng rộng khắp từ xã, phường đến thôn, bản, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang. Trong gần 30 năm hoạt động, Hội đã góp phần tham mưu xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, tạo sức lan tỏa cho các phong trào học tập và thu hút hiệu quả nguồn lực xã hội hóa.
Tôn vinh những đóng góp thầm lặng
Phát biểu tại buổi gặp, Chủ tịch nước Lương Cường biểu dương những người làm công tác khuyến học đã âm thầm đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”. Ông đánh giá cao vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài – những nhiệm vụ then chốt được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay.
Chủ tịch nước khẳng định: “Hội đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Những kết quả đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực, tâm huyết và sáng tạo không ngừng của toàn hệ thống Hội.
Dẫn lại lời Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò then chốt của học tập trong phát triển quốc gia. Ông đề nghị mỗi cá nhân, không kể tuổi tác, không kể địa vị xã hội, hãy luôn coi học tập là quyền lợi, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Chủ tịch nước: Mỗi người hãy luôn coi học tập là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ
Chủ tịch nước cũng nhắc đến phong trào “Bình dân học vụ số” do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động, nhấn mạnh yêu cầu mọi người phải học thường xuyên, học suốt đời, không chỉ học chữ, mà phải học để nắm vững khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,... học nghề, học để làm người, học để làm việc, học để chung sống và cùng phát triển ở cộng đồng, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến và anh hùng.
Niềm tin vào một Việt Nam hiếu học, hùng cường
Gắn với các định hướng lớn như Chiến lược tăng trưởng xanh (Quyết định 1658/QĐ-TTg) và các nghị quyết trung ương, Chủ tịch nước đề nghị các cấp Hội cần nghiên cứu, vận dụng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Cụ thể, Hội cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng số hóa, xanh hóa; xây dựng “Đơn vị khuyến học xanh”, “Trường học xanh”, từng bước hình thành những “Công dân học tập xanh”.
Đồng thời, Chủ tịch nước lưu ý rằng công cuộc xây dựng xã hội học tập không chỉ là trách nhiệm của Hội Khuyến học mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền và toàn dân.
Kết thúc buổi gặp, Chủ tịch nước khẳng định việc xây dựng Việt Nam thành quốc gia học tập, trong đó mỗi người dân đều có cơ hội được học tập và được khuyến khích học tập suốt đời không chỉ là mục tiêu nhân văn, mà còn là yêu cầu quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nhân tài và củng cố nội lực dân tộc. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là sứ mệnh cao cả mà đội ngũ những người làm công tác khuyến học - khuyến tài đang đảm đương trên tuyến đầu.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với tâm huyết và bản lĩnh, lãnh đạo các cấp Hội Khuyến học cả nước sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa tri thức trong cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội học tập năng động và giàu khát vọng, làm nền tảng cho một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và thịnh vượng.
Theo VGP
{name} - {time}
-
2025-07-10 14:39:00
Chọn ngành học 2025: Hiểu đúng để chọn ngành chuẩn, đón đầu thị trường lao động
-
2025-07-09 16:15:00
Du học sinh không hoàn thành khóa học có thể được miễn bồi hoàn chi phí
-
2025-07-09 07:53:00
6 gương mặt đại diện Việt Nam tranh tài Vô địch tin học văn phòng thế giới