Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 sẽ được công bố vào ngày 16/7. Sau đó, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Chọn ngành học 2025: Hiểu đúng để chọn ngành chuẩn, đón đầu thị trường lao động

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 sẽ được công bố vào ngày 16/7. Sau đó, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Chọn ngành học 2025: Hiểu đúng để chọn ngành chuẩn, đón đầu thị trường lao động

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Những ngày này - khoảng thời gian chờ đợi kết quả kỳ thi là thời điểm các thí sinh một lần nữa tìm hiểu thông tin, cân nhắc để chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển sau khi biết kết quả kỳ thi tốt nghiệp.

Phù hợp bản thân, đáp ứng thị trường lao động

Trong bối cảnh thị trường lao động trong và ngoài nước có nhiều biến chuyển, những nhận định mới về xu hướng thị trường lao động được đưa ra, nguyên tắc chọn ngành, nghề khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng vẫn được các chuyên gia nhấn mạnh với thí sinh: Phù hợp năng lực học tập, điều kiện gia đình, sự yêu thích của bản thân và dự báo nhu cầu thị trường lao động.

Phó Giáo sư Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên, trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần cân nhắc trả lời các câu hỏi như: bản thân có sở hữu những tố chất cốt lõi và một số lợi thế, điều kiện để theo học một ngành, nhóm ngành đó không ?

Ngành - nhóm ngành đó có thực sự khơi dậy cảm hứng và nhiệt huyết học tập cho bản thân hay không ? Cùng với đó, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, ngành đó được dự báo còn tồn tại, phát triển những năm tới hay không?

Khi các yếu tố như: đam mê, năng lực bản thân và xu thế nghề nghiệp đều được trả lời, tức là bạn thực sự phù hợp ngành, nhóm ngành dự định đăng ký xét tuyển.

Chọn ngành học 2025: Hiểu đúng để chọn ngành chuẩn, đón đầu thị trường lao động

Thí sinh đến nhập học tại trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Quang Hùng, hiện nay, hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hình thức đào tạo đa ngành, liên ngành. Quá trình học tập, người học được lĩnh hội, tích hợp nhiều kiến thức liên quan đến một nhóm ngành cùng với những kiến thức đặc thù từng chuyên ngành.

Điều này giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận tư duy mới, tích hợp nhiều kiến thức, bổ trợ và linh hoạt để sau quá trình học tập thuận lợi hơn khi tìm việc làm ở những ngành nghề có sự giao thoa, lĩnh vực có chuyên môn tương đối gần nhau.

Do đó, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển nên cân nhắc lựa chọn ngành, nhóm ngành có sự giao thoa, cộng hưởng thuận lợi hơn trong học tập, tích lũy kiến thức, kỹ năng.

Thạc sỹ Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen lưu ý các thí sinh: Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay không còn xét tuyển sớm. Các thí sinh tham gia xét tuyển đại học đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Trong thời gian này, thí sinh được quyền đăng ký không giới hạn nguyện vọng, đồng thời điều chỉnh không giới hạn số lần.

Trước khi chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ về cơ hội nghề nghiệp, xu hướng, triển vọng các ngành, nghề, đồng thời cả những yêu cầu về tố chất nhất định của mỗi ngành, nghề.

Ngoài ra, thí sinh và phụ huynh cần tìm hiểu môi trường học tập, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hoạt động sinh viên, học phí, học bổng, tiện ích dành cho sinh viên như, vị trí địa lý, ký túc xá, uy tín của trường dự định đăng ký, từ đó có quyết định phù hợp nhất, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên lưu ý thêm.

Là chuyên gia dự báo thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với các thí sinh: Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng, các em không nên chỉ dựa vào căn cứ là ngành, nhóm ngành được dự báo là cần nhiều hay ít nhân lực để quyết định.

Các em cần xem xét mình có phù hợp về năng lực, có say mê và quyết tâm theo học hay không? Bởi thực tế trên thị trường lao động, có những ngành, nhóm ngành tuy không cần nhiều lao động nhưng do ít người theo học, ít người có chuyên môn sâu ở ngành đó nên người học vẫn thuận lợi khi tìm việc làm.

Học tập tốt, tạo được giá trị nghề nghiệp, có kỹ năng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, hiểu biết pháp luật, sẵn sàng thích ứng, bổ sung kiến thức chắc chắn các em sẽ có chỗ đứng trong thị trường lao động sau này.

Xác định rõ sẽ không còn lo lắng

Theo chuyên gia tư vấn tuyển sinh, trong các buổi tư vấn tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến, nhiều thí sinh và phụ huynh cùng bày tỏ băn khoăn: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al), xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, những ngành, nghề nào có thể bị thay thế, dễ bị thất nghiệp trong tương lai.

Trả lời câu hỏi của thí sinh và phụ huynh, các chuyên gia cho rằng hiện nay và trong tương lai, trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế nhiều công việc, nhất là với những công việc mang tính thủ công, lặp đi lặp lại. Nhưng con người vẫn giữ vai trò không thể thay thế hoàn toàn.

Chọn ngành học 2025: Hiểu đúng để chọn ngành chuẩn, đón đầu thị trường lao động

(Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Vì vậy, nhiều ngành, nghề có thể mất đi, giảm nhu cầu tuyển dụng nhưng nếu người học được trang bị đầy đủ kiến thức nền tảng và tư duy sáng tạo, sẵn sàng thích ứng, thường xuyên học tập, bổ sung kiến thức, kỹ năng trong quá trình làm việc vẫn có vị trí trong thị trường lao động.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ thông tin là công cụ, phương tiện hỗ trợ con người giải quyết nhiều vấn đề, công đoạn sản xuất.

Nhiệm vụ của người lao động là làm chủ, khai thác hiệu quả “người bạn đồng hành” đặc biệt này để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Cùng quan điểm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Phan Thị Lệ Thu nhấn mạnh: Cân nhắc chọn xét tuyển vào các trường, ngành học khác nhau, mỗi thí sinh cần hiểu trí tuệ nhân tạo là công cụ, để sử dụng, vận hành hiệu quả nó chúng ta phải học tập, trau dồi kiến thức, có kỹ năng, tay nghề phù hợp.

Đối với thị trường lao động, nhu cầu về lao động phổ thông, lao động không có tay nghề, kỹ năng thấp sẽ giảm, bị thay thế bởi máy móc, công nghệ, trí tuệ nhân tạo...

Từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet Corporation cho rằng, trước ngưỡng cửa lựa chọn con đường học tập tiếp theo, mỗi thí sinh cần xác định công nghệ, trí tuệ nhân tạo không phải là mối đe dọa mà là để hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Biết tận dụng ưu thế từ công nghệ, điều khiển chúng phù hợp mong muốn là nhiệm vụ của những con người có kiến thức, kỹ năng, tinh thần sáng tạo.

Học tập, nắm vững công nghệ, sự sáng tạo trong công việc, có quyết định từ sự thấu hiểu con người, làm chủ và định hướng trí tuệ nhân tạo chứ không phải để bị trí tuệ nhân tạo thay thế, bạn sẽ là những nhân lực vững vàng trong thị trường lao động./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]