(vhds.baothanhhoa.vn) - Để phòng, chống, ngăn chặn bạo lực học đường cần thẳng thắn nhìn vào nguyên nhân để từ đó thấy được trách nhiệm và tìm ra giải pháp phù hợp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với: Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Cao Xuân Hải, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục Trường Đại học Hồng Đức; ông Nguyễn Anh Thế, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa).

Cách nào ngăn chặn bạo lực học đường

Để phòng, chống, ngăn chặn bạo lực học đường cần thẳng thắn nhìn vào nguyên nhân để từ đó thấy được trách nhiệm và tìm ra giải pháp phù hợp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với: Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Cao Xuân Hải, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục Trường Đại học Hồng Đức; ông Nguyễn Anh Thế, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa).

Ông Tạ Hồng Lựu: Chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh

Cách nào ngăn chặn bạo lực học đường

PV: Để phòng chống, ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra, việc giáo dục trong nhà trường quan trọng thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Hồng Lựu: Việc dạy và học trong các nhà trường đang theo hướng giáo dục toàn diện. Thầy cô bên cạnh việc dạy học sinh kiến thức văn hóa, còn giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hòa nhập, làm việc nhóm và thái độ về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cùng với đó còn cả việc khơi dậy trong các em tình yêu Tổ quốc, yêu thương đồng bào (gia đình, bạn bè, người xung quanh...). Nếu không có tình yêu thương, lại thiếu kỹ năng ứng xử thì rất dễ dẫn đến việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Khi giáo dục toàn diện đạt được kết quả thì tôi tin rằng, câu chuyện bạo lực học đường sẽ giảm thiểu tối đa.

PV: Theo ông, trách nhiệm của gia đình - nhà trường được nhìn nhận thế nào trong vấn đề bạo lực học đường hiện nay?

Ông Tạ Hồng Lựu: Có những ý kiến cho rằng, để xảy ra bạo lực học đường, trách nhiệm thuộc về nhà trường và ngành giáo dục, điều đó chưa hoàn toàn thỏa đáng. Một ngày có 24 tiếng, đối với học sinh học 2 buổi mỗi ngày thì thời gian ở trường cũng chỉ tối đa 8 tiếng. Ở trường, thầy cô giáo có trách nhiệm giảng dạy kiến thức văn hóa và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ứng xử cho các em. Tuy nhiên, để việc giáo dục thực sự đạt kết quả, rất cần có sự phối hợp, trao đổi thường xuyên giữa cha mẹ với nhà trường. Nền tảng, truyền thống của gia đình ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành tính cách, đạo đức của con trẻ. Cha mẹ không nên và không thể bỏ mặc việc giáo dục con em mình cho nhà trường.

Ông Cao Xuân Hải: Những học sinh liên quan đều đáng thương

Cách nào ngăn chặn bạo lực học đường

PV: Bạo lực trong môi trường học đường những năm gần đây có dấu hiệu gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Dưới góc nhìn của một giảng viên tâm lý, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ông Cao Xuân Hải: Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, bạo lực học đường là hành vi gây tổn thương cho người khác, hậu quả gây tổn thương trên ba khía cạnh: thể chất, tinh thần và kinh tế.

Học trò xưa nay vốn nghịch ngợm. Tuy nhiên, từ nghịch ngợm đến bạo lực là ranh giới khá mong manh. Có một số nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực trong trường học, như: Đặc trưng tâm lý lứa tuổi, sự a dua, muốn thể hiện bản thân, hành động theo cảm tính. Tác động từ xã hội, phim ảnh, trò chơi game mang tính chất bạo lực đều có thể ảnh hưởng đến tính cách, hành vi của các em học sinh. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại nhiều trường học, gia đình chưa thực sự được chú trọng đúng mức... Bạo lực học đường xảy ra ở mức độ nào cũng sẽ dẫn đến sự sang chấn, tạo cú sốc nhất định về đời sống tâm lý, tinh thần của nạn nhân. Biểu hiện rõ nhất là thái độ, tinh thần và kết quả học tập sa sút, từ đó có thể ảnh hưởng đến tương lai của các em. Chưa kể, những vụ việc nghiêm trọng còn để lại nhiều di chứng về sức khỏe thể chất, thậm chí mất mạng.

PV: Theo ông, giải pháp nào ngăn chặn bạo lực học đường?

Ông Cao Xuân Hải: Nhìn ở góc độ tâm lý, thực ra những học sinh liên quan đến bạo lực học đường (nạn nhân và người chủ động gây ra hành vi bạo lực) đa phần đều đáng thương, cả hai đối tượng đều cần được can thiệp và hỗ trợ về mặt tâm lý. Bản chất con người sinh ra vốn không phải xấu, nhưng do tác động của nhiều yếu tố (gia đình, nhà trường, xã hội...) mà dẫn đến hành vi bạo lực. Vì thế, biện pháp giáo dục cũng phải có sự phối kết hợp của nhiều bên, trong đó nhà trường đóng vai trò “cầu nối” trong việc phối hợp với gia đình, tổ chức xã hội để giáo dục trẻ. Với quan điểm ở đâu có tình thương, sự thân thiện, lòng nhân ái, ở đó không còn bạo lực. Để giải quyết bạo lực học đường ngoài tình thương còn có trách nhiệm. Dù kỷ luật học đường với những hành vi vi phạm là cần thiết nhưng phải trên tinh thần hướng thiện để các em nhận ra cái sai.

Với các bậc làm cha mẹ, con cái rất cần ở họ sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu. Một mái ấm gia đình có tình yêu thương chân thành, đúng cách sẽ không có chỗ cho bạo lực nảy sinh.

Ông Nguyễn Anh Thế: Vai trò của giáo viên là rất quan trọng

Cách nào ngăn chặn bạo lực học đường

PV: Là người đã làm công tác giảng dạy ở nhiều trường học, ông nghĩ thế nào về vai trò của giáo viên trong câu chuyện phòng, chống bạo lực học đường hiện nay?

Ông Nguyễn Anh Thế: Để phòng, chống bạo lực trong môi trường học đường, vai trò của thầy cô giáo, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm là cực kỳ quan trọng. Đó là “cầu nối” giữa nhà trường với học sinh và phụ huynh; phát hiện kịp thời thay đổi tâm sinh lý của học sinh để phối hợp nhà trường - gia đình giúp các em giải tỏa áp lực, giải quyết vấn đề vướng mắc, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Muốn làm được điều đấy thì bản thân mỗi giáo viên cần phải gần gũi, thân thiện với học sinh, để các em tin tưởng và chia sẻ suy nghĩ, tâm sự. Thậm chí, khi đã được học sinh tin tưởng rồi thì mỗi thành viên trong lớp sẽ là “vệ tinh” thông báo cho giáo viên các trường hợp học sinh có hoàn cảnh, biểu hiện bất thường để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ.

PV: Với Trường THPT Nguyễn Trãi, việc phòng, chống bạo lực học đường đã được thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Thế: Thời gian trước, tại Trường THPT Nguyễn Trãi có xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường đáng tiếc. Tuy nhiên, trong năm học vừa qua, cùng với việc động viên thầy cô giáo cùng nhau nỗ lực, nâng cao trách nhiệm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập các ban, tổ xây dựng kế hoạch, hoạt động cụ thể, phối hợp thực hiện. Theo đó, thầy cô trong Tổ Tư vấn học đường sẽ thông qua Ban An toàn giao thông, Ban Nền nếp nắm bắt các trường hợp học sinh có biểu hiện bất thường, để giúp các em điều chỉnh suy nghĩ, hành động... Kết quả, năm học 2020 - 2021, Trường THPT Nguyễn Trãi không có bất kỳ vụ việc bạo lực học đường nào xảy ra.

Nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, ngày 18-12-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, mỗi nhà trường có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm, được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý. Tại Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh Quyết định số 1963/QĐ-BGDĐT, ngày 10-7-2019.

An Yên (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]