(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dáng người nhỏ thó, loắt choắt nhưng Nguyễn Thị Hoa, thôn Ngọc Trì, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc lại có một nghị lực phi thường, em vượt lên số phận bất hạnh, sự thiếu thốn tình cảm, yêu thương của cha mẹ; ngày xuống thành phố đi rửa bát thuê, tối trở về chăm sóc ông bà bệnh tật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảm phục nữ sinh “rửa bát thuê” thi đỗ đại học

(VH&ĐS) Dáng người nhỏ thó, loắt choắt nhưng Nguyễn Thị Hoa, thôn Ngọc Trì, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc lại có một nghị lực phi thường, em vượt lên số phận bất hạnh, sự thiếu thốn tình cảm, yêu thương của cha mẹ; ngày xuống thành phố đi rửa bát thuê, tối trở về chăm sóc ông bà bệnh tật.

Trong căn nhà cấp 4 xập xệ ngày đầu tháng 8, hình ảnh một cô bé đang lau mặt cho ông lê lết dưới nền nhà; một bà cụ đang lúi húi rót nước, đập vào mắt chúng tôi đầy thương cảm. Biết nhà có khách, 2 bà cháu tỏ vẻ luống cuống, bất ngờ, riêng cụ ông thì vẫn ngơ ngác hướng về một phía. “Mời các anh vào nhà uống nước, ông nhà tôi bị mù loà, tai điếc từ lâu nên không hay biết” - bà cụ nhanh nhảu.

Qua lời giới thiệu của cô giáo Hà Thị Lệ Thuỷ - giáo viên Trường THPT Hậu Lộc 3, chúng tôi biết đến hoàn cảnh gia đình Hoa. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó, cha mẹ Hoa đã sớm dứt lòng bỏ con lại vào Nam làm ăn. Thế nhưng, họ không giống như bao bậc cha mẹ khác, dù đi làm ăn xa cũng gom góp gửi tiền về cho gia đình, lo cho con cái. Không rõ vì lý do gì, những người cha, người mẹ ấy của Hoa, không lâu sau đó đều tìm cho mình những bến đỗ, xây dựng gia đình mới. Họ có cuộc sống riêng, và họ đã quên mất sự tồn tại, có mặt của Hoa ở trên đời.

Xoa đầu cháu, bà Mai Thị Phụng (70 tuổi, bà nội Hoa) không cầm được những giọt nước mắt, nghẹn ngào: “Tôi là cha, là mẹ nhưng tôi buồn vì có đứa con thiếu trách nhiệm, tôi thương cái Hoa lắm! tuổi đã gần đất xa trời, lại ốm đau bệnh tật; ông nhà tôi bị mù, tai điếc không nghe thấy gì, không tự đi lại, vệ sinh thân thể, ăn uống phải có người giúp đỡ… tất cả đều phải một tay cái Hoa lo liệu”.

Hoa không khỏi lo lắng khi việc học, việc làm thêm có cho em thời gian chăm sóc ông bà.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn, Hoa luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập cũng như giúp đỡ ông bà chăm lo việc nhà. Với 2 sào ruộng ít ỏi, khi bà nội Hoa còn làm được, em còn nhỏ thì chưa phải lo đồng áng nhưng kể từ khi ông bà đau ốm triền miên do tuổi tác, bệnh tật thì tất cả đổ dồn lên lưng em. Sau những giờ học trên lớp, Hoa lại tất bật trở về nhà lo cơm nước cho ông bà; chiều đến lại vội vã đạp xe ra đồng làm cỏ, bỏ phân cho đồng ruộng…

Ngày mùa, em phải nghỉ học ở nhà để lo gặt hái. Người ta có điều kiện thì thuê xe, thuê máy cắt gặt trở về, còn với em thì là những chuyến xe đạp thồ vất vả, đẫm ướt mồ hôi. Dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng Hoa luôn nỗ lực trong học tập, giờ phút rảnh rỗi nào là em lại lao vào học. Hoa cho biết, em học như một sở thích, học giỏi để các bạn không chê con nhà nghèo, “con không cha không mẹ” mà vẫn yêu quý; và hơn hết là để có được học bổng; có một tương lai sau này chăm lo cho ông bà nội”.

Từng đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhưng ước mơ của cô bé Hoa nhỏ nhắn lại hết sức giản dị, “Em thích vẽ! nên em đã thi vào khoa Sư phạm Mỹ thuật của Trường ĐH Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá. Được đeo đuổi ước mơ, sau này khi ra trường em sẽ nỗ lực kiếm việc làm thêm để phụ giúp ông bà”.

Được biết, để có tiền vào lớp luyện vẽ trước kỳ thi, Hoa đã phải tự mình bắt xe buýt vượt hàng chục cây số, xuống thành phố tìm việc làm thuê, lấy tiền học ôn. Hoa cho biết: “Ban đầu em loay hoay tìm việc nhưng mãi không được, sau đó lân la đến bệnh viện thì xin được một công việc chăm sóc người già bị bệnh. Các cô chú ấy khen em chịu khó, nhưng do thân hình nhỏ bé, họ ái ngại nên bảo em nghỉ”.

Khó khăn thêm phần chồng chất, nhưng bên cạnh em vẫn còn có những người hết mực yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ. Tiền lệ phí thi cũng như các khoản chi phí khác, Hoa đã nhận được sự giúp đỡ từ cô Thuỷ - cô cũng là người tận tình đưa đón em những ngày đi thi. Kết quả mà Hoa đạt được đã không phụ lòng cô giáo, bạn bè và gia đình khi em đạt số điểm 23. Sau khi biết kết quả, Hoa lại nỗ lực tìm kiếm việc làm và có một công việc mới - làm bưng bê, rửa bát cho một quán cơm gần bệnh viện.

“Hoàn cảnh gia đình cháu Hoa rất khó khăn, bố mẹ bỏ đi khi cháu còn nhỏ! Hiện cháu đang ở với ông bà nội. Tuy nhiên, hai ông bà đều già cả, lại ốm đau bệnh tật thường xuyên nên hết sức khó khăn. Trước những khó khăn đó, thôn, xã vẫn thường vận động ủng hộ gạo, tiền cho gia đình. Riêng cháu Hoa, học rất giỏi, lại chăm ngoan nên được nhiều người yêu quý! Để cháu được tiếp bước ước mơ đến trường rất cần sự chung tay ủng hộ từ cộng đồng”…

Ông Ngô Quang Trực

Trưởng thôn Ngọc Trì

Nói về chuyện học đại học sắp tới, Hoa khẳng định sẽ cố gắng, nỗ lực thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, chuyện sức khoẻ của ông bà khiến em không khỏi lo lắng. “Lâu nay, chuyện cơm nước, đồng áng cho tới những sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của ông mình em lo liệu, không biết rồi đây, liệu việc học hành, công việc làm thêm có cho em thời gian sớm tối ở bên ông bà?

Sơn Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]