(vhds.baothanhhoa.vn) - Cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học là những điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường. Xác định tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, ngành giáo dục, các địa phương, trường học trong tỉnh đã quan tâm, đầu tư, mua sắm trang thiết bị, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng việc dạy học theo chương trình mới.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học

Cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học là những điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường. Xác định tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, ngành giáo dục, các địa phương, trường học trong tỉnh đã quan tâm, đầu tư, mua sắm trang thiết bị, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng việc dạy học theo chương trình mới.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp họcKhu nhà đa năng Trường Tiểu học thị trấn Yên Cát được đầu tư xây dựng.

Bước vào năm học 2023-2024, Trường Tiểu học thị trấn Yên Cát (Như Xuân) có 22 lớp với 748 học sinh. Thời điểm hiện tại, thầy trò nhà trường đang dồn sức thi đua dạy và học, phấn đấu đến tháng 11/2023 đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3, thư viện chuẩn mức độ 2 và trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện tại, nhà trường đang đôn đốc nhà thầu hoàn tất những khâu cuối cùng của khu nhà đa năng với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ đồng, do UBND thị trấn Yên Cát làm chủ đầu tư.

Thầy giáo Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Yên Cát cho biết: Hiện nay, 100% giáo viên nhà trường đã sử dụng thành thạo và thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, soạn giáo án và hồ sơ sổ sách. 100% các lớp học có tivi thông minh, bảng trượt phục vụ đắc lực cho hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực, tham mưu với chính quyền địa phương hoàn thiện CSVC, đáp ứng tốt cho việc dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhằm tạo bước phát triển toàn diện, đột phá về giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới, 2 năm gần đây huyện Như Xuân đã đầu tư trên 377,6 tỷ đồng cho ngành giáo dục. Trong đó, nguồn kinh phí Nhà nước là 368,6 tỷ đồng, còn lại là các nguồn huy động hợp pháp khác. Đến nay, tỷ lệ kiên cố và bán kiên cố phòng học trong toàn huyện đạt 95,2%. 100% các trường duy trì kết nối mạng internet, sử dụng các phần mềm soạn giảng E-Learning, Powerpoint, phần mềm dinh dưỡng...; cổng thông tin điện tử điều hành và phần mềm vnEdu, cơ sở dữ liệu ngành, tạo điều kiện cho việc quản lý dạy và học... Từ những kết quả đã đạt được, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính từ năm 2021 đến nay đã có 22 trường được kiểm tra công nhận chuẩn quốc gia, trong đó công nhận mới 7 đơn vị, công nhận lại 13 đơn vị, nâng chuẩn lên mức độ 2 là 2 đơn vị, nâng tổng số trường đạt chuẩn trên toàn huyện lên 37/51 đơn vị, đạt tỷ lệ 72,5%, đạt 90,6% so với mục tiêu huyện Như Xuân đặt ra đến năm 2025.

Cùng với những chuyển biến tích cực về CSVC, trang thiết bị dạy học, chất lượng giáo dục của huyện Như Xuân cũng có nhiều kết quả khích lệ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như: Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh nằm trong tốp 5 huyện dẫn đầu khu vực miền núi; có 2 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng so với năm học trước (trong đó có 15 em đạt điểm 10), tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,38%, tăng 1,18% so với năm học trước; xét tuyển vào đại học có 40 em đạt mức điểm từ 27 điểm trở lên, tăng 26 em so với năm học trước...

Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách huyện, các trường học trên địa bàn cũng đã linh hoạt huy động cán bộ, giáo viên đóng góp ngày công lao động, tham gia sửa chữa các phòng chức năng, chỉnh trang khuôn viên, cảnh quan trường, lớp. Đến nay, huyện Cẩm Thủy đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây sửa CSVC phục vụ cho năm học 2023-2024.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, huyện Thọ Xuân đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường, thực hiện đầu tư trang thiết bị giáo dục theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Từ năm học 2020 đến nay, toàn huyện đã đầu tư trên 21 tỷ đồng để mua các thiết bị dạy học như ti vi, máy vi tính, trang thiết bị phần mềm quản lý, giáo án điện tử... Riêng năm học 2023-2024, huyện đầu tư 12 tỷ đồng cho 12 trường thực hiện mô hình phòng học thông minh. Cùng với việc đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy học, các nhà trường cũng đã chủ động nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hiện, nhiều phần mềm quản lý giáo dục đang được các nhà trường sử dụng hiệu quả, như: phần mềm phổ cập giáo dục, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm Vnedu, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục...

Năm học 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa có 2.026 cơ sở giáo dục, gần 29.500 lớp, với gần 900.000 học sinh các cấp học. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí đầu tư CSVC trường lớp học (kể cả nguồn xã hội hóa) của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 6.000 tỷ đồng. Kết quả đạt được đã góp phần vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, thu hẹp khoảng cách về CSVC, chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]