(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục nghề nghiệpHọc viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương nhận bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề.

Học 3 năm 2 bằng tốt nghiệp

Sinh ra trong gia đình thuần nông, đời sống còn nhiều khó khăn, em Phạm Văn Thường, thôn Tân Lập, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) không dám nghĩ đến việc được ngồi trên giảng đường đại học. Vì vậy sau khi tốt nghiệp THCS, Thường đăng ký hồ sơ và trúng tuyển vào Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Lặc. Trong quá trình học văn hóa, em đăng ký học trung cấp nghề, chuyên ngành xây dựng dân dụng của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa. Năm 2021, Thường đã tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Em Thường chia sẻ: “Vừa được học THPT vừa học trung cấp nghề ngay tại huyện Ngọc Lặc đã giúp em tiết kiệm được rất nhiều thời gian và kinh phí. Hiện tại em đã có công việc đúng với chuyên ngành đã học và có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng”.

Đang học lớp 12B, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương, em Lê Xuân Đức đã có trong tay tấm bằng trung cấp nghề chuyên ngành máy lạnh - điều hòa không khí. Em cho biết: “Em đăng ký học nghề từ năm lớp 10 và tháng 1-2022 em đã tốt nghiệp trung cấp nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ liên hệ xin việc tại các công ty, xí nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự, phù hợp với chuyên ngành mình đã học”.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn học viên tại các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh 3 năm học tập, đã có trong tay 2 bằng tốt nghiệp. Thực tế cho thấy, cái được lớn nhất trong việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ngay tại các trung tâm đó là tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho học sinh, gia đình và xã hội. Qua đó, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Nỗ lực vì người học

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, song công tác dạy học văn hóa và đào tạo nghề ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Lặc vẫn có nhiều khởi sắc cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Từ 2021 đến nay, trung tâm có 189 học viên tốt nghiệp hệ trung cấp nghề của một số trường trung cấp, cao đẳng. Hiện tại trung tâm có 15 lớp với 436 học viên đang tham gia học chủ yếu là các nghề, như: kỹ thuật may và thời trang; kỹ thuật xây dựng; điện dân dụng; công nghệ - kỹ thuật chế biến, bảo quản thực phẩm...

Ông Nguyễn Quán Dậu, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Học viên của trung tâm phần lớn là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, việc quan tâm đầu tư cho con cái đi học nghề ở các trường trong và ngoài tỉnh còn hạn chế. Căn cứ vào thực tế trên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Lặc đã liên kết với một số trường nghề để học sinh vừa học văn hóa và học nghề, giúp học viên vừa được học văn hóa, vừa có nghề trong tay để lo cho tương lai, lại tiết kiệm được tiền của cho gia đình”.

Chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục nghề nghiệpGiờ thực hành của học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ngọc Lặc.

Dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế của huyện, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương đã tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, xác định các nghề đào tạo, chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo, liên kết mở các lớp dạy nghề phù hợp với khả năng của người học. Theo báo cáo của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương từ năm 2019 - 2022, trung tâm đã liên kết mở 13 lớp học nghề, với 424 học viên, hiện có 87 học viên trung tâm đã tốt nghiệp. Các ngành nghề đào tạo như: tiếng Nhật, tiếng Hàn, tin học văn phòng, nghề hàn, may công nghiệp, điện công nghiệp, điện lạnh - điều hòa không khí. Trong đó, các nghề: hàn, may công nghiệp, điện công nghiệp, điện lạnh - điều hòa không khí... tỷ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 60%, thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung thời gian qua, các trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác, đào tạo các ngành nghề sát với nhu cầu thực tế, giúp nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có bằng trung cấp nghề. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, hiện tỉnh ta có 24 trung tâm GDNN-GDTX, năm học 2021 - 2022, các đơn vị đã liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh mở 100 lớp trình độ trung cấp nghề với hơn 3.000 học viên đăng ký theo học ở các ngành nghề: may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn, điện công nghiệp, hàn, công nghệ thông tin tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật, kỹ thuật điêu khắc gỗ, may công nghiệp, điện công nghiệp,...

Bà Trịnh Thị Minh Hường, Trưởng phòng Giáo dục Nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh), cho biết: Những năm qua, các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, dạy nghề, giúp học viên sau khi tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề, lại tiết kiệm được thời gian, tiền của cho gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, cùng với việc chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng, các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, dạy nghề, các trung tâm cần chủ động, sáng tạo trong công tác giảng dạy và kết nối, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đào tạo và tạo việc làm ổn định cho học viên sau khi ra trường.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]