(vhds.baothanhhoa.vn) - Đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) vào các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp đã góp phần giúp các em học sinh (HS) biết cách sống phù hợp và hữu ích hơn, biết xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống và biết vượt qua. Tuy nhiên, việc GDKNS vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề khó...

Chuyện dạy kỹ năng sống trong trường học

Đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) vào các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp đã góp phần giúp các em học sinh (HS) biết cách sống phù hợp và hữu ích hơn, biết xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống và biết vượt qua. Tuy nhiên, việc GDKNS vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề khó...

Chuyện dạy kỹ năng sống trong trường họcMột tiết học GDKNS của cô và trò Trường Tiểu học Đông Tân (TP Thanh Hóa).

GDKNS nhìn từ buổi sinh hoạt dưới cờ

Thứ 2 đầu tuần, như thường lệ, HS Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) lại tập trung sinh hoạt dưới cờ. Theo lịch, lớp 3A sẽ chịu trách nhiệm về nội dung GDKNS. Tháng 3, có ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3). Vì vậy, các bạn HS đã chọn diễn kịch, tiểu phẩm có tên “Tấm lòng của Mẹ”.

Nội dung vở kịch xoay quanh câu chuyện một cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ đi bán đồng nát, cô bé xấu hổ với bạn bè về công việc của mẹ mình. Cô không nghe lời mẹ, thường cáu giận vô cớ... Khi mẹ ốm, cô mới chợt nhận ra, nếu mẹ cứ nằm mãi trên giường bệnh thì sẽ lấy đâu tiền mua thuốc, ai sẽ là người lo cơm nước cho cô hàng ngày. Tình yêu thương mẹ trong cô trỗi dậy. Cô tự đi kiếm việc làm và cũng như mẹ, cô hóa thân vào người đi nhặt ve chai, giấy lộn rồi mang đi bán... Lúc đấy, cô thấm thía một điều: Không có việc gì xấu chỉ có người làm xấu mà thôi. Hãy biết yêu thương và trân trọng sức lao động của bản thân và mọi người...

Ở Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn, tiết sinh hoạt dưới cờ được dành cho hoạt động GDKNS cho HS. Ở đó, cô và trò tự biên, tự diễn các tiết mục, chương trình theo chủ đề. Không dừng ở đây, việc dạy KNS còn được tổ chức ngay 10 phút đầu giờ ở các lớp. Đội cờ đỏ và giáo viên trực sẽ đi nắm bắt, kiểm tra.

Không chỉ ở Trường Tiểu học thị trấn Lam Sơn mà các trường tiểu học trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều dành tiết sinh hoạt dưới cờ để tổ chức GDKNS. Ngay tại Trường Tiểu học Xuân Phú, một trường miền núi khó khăn của Thọ Xuân, trong buổi sinh hoạt dưới cờ, cứ 1 tuần, mỗi lớp phụ trách một chủ điểm, không áp đặt khuôn mẫu nào trong các chương trình, tất cả đều là sự sáng tạo của giáo viên để phù hợp với đối tượng HS. Theo chia sẻ của cô giáo Mai Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường: “Ở đây có tới 70% học sinh dân tộc Mường, các em đều nhút nhát. Nếu chỉ dạy chính khóa, đảm bảo tiết học theo thời khóa biểu mà không tổ chức thêm hoạt động nào khác thì hiệu quả sẽ không cao. Do đó, không chỉ GDKNS ở tiết sinh hoạt dưới cờ mà nhà trường còn thành lập các câu lạc bộ, tổ chức nhiều cuộc thi... Điều này giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp và tích cực học tập hơn”.

Không chỉ dạy kỹ năng đơn thuần

GDKNS trong nhà trường thông qua các hình thức, đó là dạy trong môn giáo dục hoạt động ngoài giờ lên lớp; tích hợp trong các môn học và dạy độc lập theo các tiết ngoài giờ chính khóa. Với bậc tiểu học, GDKNS đã được đưa vào thời khóa biểu, dù thời lượng chưa nhiều, chỉ 35 phút/tiết/tuần. GDKNS dưới cờ hay tại các buổi sinh hoạt lớp như đã đề cập ở trên, mang tính chất hỗ trợ để chương trình GDKNS tốt hơn.

Tuy nhiên, GDKNS như thế nào cho hiệu quả là một bài toán khó. Trong khi đó, từ phía các nhà trường, các tổ, khối chuyên môn tự chủ động xây dựng nội dung chương trình còn giáo viên thì phần lớn chưa được tập huấn hay bồi dưỡng về dạy KNS. Hạn chế về kiến thức chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.

Cũng như nhiều trường học khác trên địa bàn TP Thanh Hóa, ở Trường Tiểu học Đông Tân, hiện GDKNS dưới sự hỗ trợ phần mềm của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố nhưng phần mềm này, theo như đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế. Chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Diệp (Trường Tiểu học Đông Tân): “Đối với GDKNS, ngoài phần mềm của phòng thì chúng tôi có kết hợp với phần mềm của một trung tâm GDKNS mà trước đây nhà trường đã phối hợp, do đó cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Dựa vào giáo án cũ, nếu cái gì không phù hợp, chúng tôi sẽ thay đổi rồi lên kế hoạch...”.

Nhắc lại sự góp mặt của trung tâm GDKNS, cô Diệp cho biết thêm: “Thời điểm đó, trung tâm đến tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, triển khai các chuyên đề tại nhà trường đồng thời tổ chức các hoạt động cùng giáo viên, HS, giúp thầy và trò đạt hiệu quả hơn trong quá trình GDKNS”.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện để liên kết với các trung tâm GDKNS, quan trọng là phải kết nối được với phụ huynh để thực hiện câu chuyện xã hội hóa về kinh phí.

Được biết, tại Thanh Hóa hiện nay có 25 đơn vị hoạt động GDKNS cho HS. Một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng thường liên kết với các trung tâm nhưng không phải phối hợp xuyên suốt trong một năm học mà sẽ mời trung tâm dạy theo chủ đề. Hoặc có trường, chỉ một số lớp tham gia và các em sẽ đến học ngay tại trung tâm. Theo bà Lê Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa: “GDKNS là phải làm cho HS biết thay đổi nhận thức, biết thích nghi. Lâu nay các trường chủ yếu chỉ dạy kỹ năng sinh hoạt, giao tiếp, chào hỏi đơn thuần. Để HS tự tin thì phải dạy những kỹ năng mềm. Phải dạy học sinh tư duy, cảm nhận như thế nào, từ đó hành động ra sao... Hiện việc GDKNS trong nhà trường còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa đồng đều. Nếu có sự phối hợp với trung tâm GDKNS thì sẽ rõ nét hơn, thiết thực hơn...”.

Liên quan đến đạo đức, lối sống, hành vi, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường ngày càng gia tăng, việc GDKNS cho HS ngày càng trở nên cần thiết. Nhưng giáo dục thế nào để đạt mục đích, thuyết phục được HS là cả vấn đề. Dạy kỹ năng cho trò thì điều đầu tiên thầy phải có kỹ năng. Vậy nên, cần đến một sự bài bản, chuyên nghiệp hơn để góp phần hoàn thiện câu chuyện về GDKNS...

Chúng ta có thể đánh giá hiệu quả của việc GDKNS là việc thay đổi các hành vi, nhận thức của trẻ. Từ một bé nhút nhát, thụ động, không dám phát biểu trước đám đông, luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân, nếu được GDKNS một cách hiệu quả thì em đó sẽ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, biết học bài một cách tích cực, chủ động tìm kiếm các tư liệu để bổ sung cho bài học và điều quan trọng hơn hết là sẽ biết cách trình bày bài học đó theo cách riêng của mình trước các bạn trong lớp mà không ngại ngùng. (Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Công ty Giáo dục Kids Time, TP Hồ Chí Minh)

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]